Thực hiện thủ tục hành chính tại công an cấp xã - người dân được hưởng lợi

Nhiều công dân đến thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) tại công an (CA) cấp xã cho rằng, việc giải quyết các TTHC cho người dân ngày càng thuận lợi, nhanh và đơn giản hơn. Thay vì người dân phải đi một khoảng cách xa lên huyện làm thủ tục thì nay chỉ cần lên xã đã hoàn thành.

Công an xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh hướng dẫn người dân làm thủ tục Đăng ký xe ô tô. Ảnh: Phạm Hùng

Công an xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh hướng dẫn người dân làm thủ tục Đăng ký xe ô tô. Ảnh: Phạm Hùng

Công an cấp xã đủ điều kiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính

Từ ngày 1/3, tổ chức, bộ máy CA địa phương đã được sắp xếp, tinh gọn từ 3 cấp thành 2 cấp (gồm CA cấp tỉnh và CA cấp xã). Khi không tổ chức CA cấp huyện, chức năng, nhiệm vụ của CA cấp huyện được điều chỉnh giao cho CA cấp tỉnh và CA cấp xã.

Đối với nhóm nhiệm vụ liên quan đến giải quyết các TTHC chủ yếu được điều chỉnh giao cho CA cấp xã. Bộ Công an đã ban hành Hướng dẫn số 08/HD-BCA-V03 về phân cấp thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC và DVCTT. Theo đó, tại CA cấp xã đủ điều kiện có thể tiếp nhận, giải quyết tối đa 35 TTHC/DVCTT trong các lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh (4 thủ tục); cấp và quản lý căn cước (16 thủ tục); định danh và xác thực điện tử (1 thủ tục); quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (3 thủ tục); đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (11 thủ tục).

Cụ thể, với thủ tục quản lý xuất nhập cảnh gồm: trình báo mất hộ chiếu, mất thẻ ABTC (thẻ đi lại doanh nhân APEC), mất giấy thông hành, cấp giấy thông hành biên giới Việt Nam - Lào cho người Việt Nam có thường trú ở tỉnh chung đường biên với Lào.

Cấp và quản lý căn cước gồm: khai thác thông tin công dân/người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch trong cơ sở dữ liệu quốc gia/căn cước; thu thập, cập nhật, tích hợp, điều chỉnh các thông tin dữ liệu về căn cước; cấp/đổi/cấp lại căn cước cho người dân ở các độ tuổi; cấp giấy xác nhận chứng minh Nhân dân, số định danh hay giấy chứng nhận căn cước.Tiếp đó là khóa/mở khóa/cấp tài khoản định danh điện tử (gồm cả mức 2) cho cơ quan, tổ chức.

CA cấp xã cũng có nhiệm vụ cấp/đổi các loại giấy chứng nhận ở lĩnh vực quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; các loại chứng nhận, giấy phép, phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở... trên lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.

Đáng chú ý, Hướng dẫn số 08/HD-BCA-V03 của Bộ Công an về phân cấp thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC và DVCTT khi không tổ chức CA cấp huyện cũng liệt kê toàn bộ TTHC về đăng ký, quản lý phương tiện giao thông mà người dân có thể thực hiện tại CA cấp xã từ ngày 1/3.

Cụ thể, thay vì phải di chuyển xa như trước đây, người dân có thể thực hiện nhiều TTHC ngay tại CA cấp xã. Điển hình như: đăng ký xe lần đầu trực tuyến toàn trình đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước lẫn xe nhập khẩu.

Đăng ký, cấp, đổi biển số xe, chứng nhận đăng ký xe qua dịch vụ công; đăng ký xe tạm thời; thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; đăng ký xe sang tên đổi chủ; đổi, cấp lại giấy phép lái xe. Với thủ tục này, người dân hoàn toàn có thể đến trụ sở CA xã, phường, thị trấn nơi được bố trí điểm tiếp nhận hồ sơ để được hướng dẫn làm thủ tục và nộp hồ sơ trực tiếp.

Bộ CA khẳng định, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp TTHC/DVCTT ở CA cấp xã, bộ đang chỉ đạo các cục nghiệp vụ liên quan tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa các quy trình, TTHC; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để phục vụ người dân được tốt hơn.

Hướng dẫn, hỗ trợ tận tình

Sau khi chuyển TTHC về cấp xã, nhiều người dân đã chủ động lên CA cấp xã thực hiện TTHC. Theo ghi nhận của PV tại CA xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội, nhiều người dân đến làm các TTHC như đăng ký tạm trú, chuyển hộ khẩu, xác nhận thông tin cư trú, làm căn cước công dân với người dưới 14 tuổi,...

Trao đổi với PV, chị Phùng Thị Hồng Nhung, SN 2002, trú tại xã An Thượng cho biết, chị lấy chồng về xã An Thượng và lên CA xã để hỏi về thủ tục đăng ký tạm trú cho người nhà. Khi đến gặp cán bộ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trình bày về nguyện vọng đăng ký tạm trú cho người thân, chị được cán bộ CA xã cung cấp mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú và được hướng dẫn điền các thông tin cần thiết và chuẩn bị các giấy tờ liên quan.

"Cán bộ CA xã An Thượng rất nhiệt tình và còn hướng dẫn tôi thực hiện TTHC trên DVCTT. Tôi thấy việc đăng ký tạm trú rất thuận lợi cho công dân, nếu ai biết có thể làm theo mẫu trên mạng và nộp hồ sơ trực tuyến, thuận lợi và giảm được thời gian di chuyển"- chị Phùng Thị Hồng Nhung chia sẻ.

Cùng đến làm thủ tục xác nhận thông tin cư trú tại CA xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội, ông Vương Thế Đông, SN 1963, xã Song Phương cho biết, nhà ông đang hoàn thiện hồ sơ về đất đai nên cần xác nhận thông tin cư trú của ông và các thành viên trong gia đình. Do đó, ông đã lên CA xã Song Phương để làm TTHC xin xác nhận thông tin cư trú.

Khi đến gặp cán bộ CA tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ, ông Vương Thế Đông đã trình bày nguyện vọng của mình. Sau đó, ông được cán bộ CA xã hướng dẫn chuẩn bị các giấy tờ và thực hiện các thao tác trên DVCTT.

"Mặc dù là người lớn tuổi nhưng sau khi nghe hướng dẫn tôi thấy công việc không quá phức tạp, chủ yếu là công dân cần chuẩn bị giấy tờ và thực hiện theo các bước trên DVCTT là hoàn thành. Tôi cảm thấy hài lòng khi được hướng dẫn và sẽ thực hiện được TTHC này"- ông Vương Thế Đông cho biết.

Cùng chia sẻ về sự thuận tiện trong thực hiện TTHC trên DVCTT, anh Đinh Trọng Kiên, trú tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho hay, anh làm thủ tục nhập khẩu cho gia đình trên dịch vụ công. Sau gần 1 tháng anh thấy thành công và nơi thường trú đã được đổi sang địa chỉ mới. "Tôi thấy việc CA xã quản lý và thực hiện đăng ký thường trú rất thuận lợi, CA khu vực nắm rõ người, gia đình nên việc xét duyệt cũng thuận lợi hơn"- anh Đinh Trọng Kiên chia sẻ.

Sau gần 1 tháng tiếp nhận nhiệm vụ mới, lực lượng CA cấp xã đã phát huy hiệu quả, kịp thời giải quyết nhiều vụ việc về an ninh trật tự ngay tại cơ sở. Đặc biệt, việc giải quyết các TTHC cho người dân ngày càng thuận lợi, nhanh và đơn giản hơn.

Từ ngày 1/3, ngành CA được tổ chức lại theo mô hình ba cấp: Bộ Công an, CA tỉnh và CA xã. CA tỉnh sẽ đảm nhiệm toàn bộ các vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn, thay thế cho vai trò của CA huyện trước đây. Trong đó, CA xã sẽ được tăng cường thêm quyền hạn và nhân lực, với tối thiểu 12 cán bộ, chiến sĩ mỗi đơn vị và tăng thêm điều tra viên. Ngành CA ưu tiên sắp xếp theo ngành dọc, bảo đảm chuyên môn, khối an ninh về an ninh, cảnh sát về cảnh sát. Việc sắp xếp lại tổ chức này nhằm mục đích tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng CA, đồng thời tăng cường năng lực cho CA cấp xã, bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thuc-hien-thu-tuc-hanh-chinh-tai-cong-an-cap-xa-nguoi-dan-duoc-huong-loi.690302.html
Zalo