Thực hiện phân loại rác tại nguồn từ 1/1/2025: Trách nhiệm của cá nhân với môi trường

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định từ ngày 1/1/2025, việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn sẽ được thực hiện đồng bộ trên cả nước.

Phân loại rác thải tại nguồn góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Phân loại rác thải tại nguồn góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Đây là một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải. Phân loại rác thải tại nguồn góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý, tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra. Thực hiện phân loại rác tại nguồn còn là ý thức, trách nhiệm của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường.

Trách nhiệm của mỗi cá nhân

Theo ông Nguyễn Thành Lam, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật quy định nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân. Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn làm giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; giảm lượng rác chôn lấp, tiết kiệm tài nguyên đất; giảm ô nhiễm môi trường. Phân loại rác tại nguồn sẽ tăng lượng rác tái chế, tái sử dụng - tận dụng, tiết kiệm tài nguyên, mang lợi ích kinh tế cho gia đình, gây quỹ cho hoạt động cộng đồng. Phân loại rác tại nguồn là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với xã hội.

Lần đầu tiên nguyên tắc phân loại rác thải sinh hoạt được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.

Triển khai trong thực tế, ngày 2/11/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Hướng dẫn này đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Cụ thể, nhóm 1 là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (gồm giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện và điện tử thải bỏ); nhóm 2 là chất thải thực phẩm (gồm thức ăn thừa, thực phẩm quá hạn sử dụng, chất thải từ quá trình sơ chế thực phẩm) và nhóm 3 là chất thải rắn sinh hoạt khác (gồm chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh và chất thải khác còn lại).

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại, phải lưu giữ vào các bao bì riêng theo từng loại và chuyển giao cho các tổ chức cá nhân có chức năng tương ứng; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi…

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại phải thực hiện quản lý theo hướng: Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải thực phẩm nếu không được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Đối với thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, Khoản 3 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nêu rõ, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt và công bố rộng rãi. Đồng thời, có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định).

Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa rác theo quy định sẽ bị phạt tiền. Tuy nhiên, sau ngày 25/8/2022 chưa tiến hành xử phạt. Từ ngày 25/8/2022 đến 31/12/2024 là thời gian giúp cho người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải, làm quen với việc phân loại rác thải hàng ngày. Sau ngày 31/12/2024, hộ gia đình không thực hiện phân loại rác theo quy định và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt đúng theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng.

Phát huy vai trò của chính quyền và cộng đồng

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định rõ về việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phân rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các địa phương đối với công tác này.

Một trong những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành đều trao quyền chủ động cho UBND cấp tỉnh trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trên cơ sở quy định của Luật, văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 2/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép các địa phương tự quyết định mức độ, yêu cầu cụ thể về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; nguồn lực tài chính của địa phương.

Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa nội dung phương pháp định giá cho thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình để giúp địa phương làm cơ sở tính giá.

Sau rất nhiều hội nghị lấy ý kiến của các địa phương, bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp làm dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải,...ngày 20/12/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 36/2024/TT-BTNMT về định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Có hiệu lực từ ngày 6/2/2025, Thông tư là cơ sở để các địa phương căn cứ và để các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt lập phương án giá gửi về cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định và ban hành mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (làm cơ sở để các địa phương đấu thầu lựa chọn đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt).

Định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt là mức hao phí cần thiết về lao động, máy móc, thiết bị, dụng cụ lao động, vật liệu, năng lượng, nhiên liệu để hoàn thành một nội dung công việc hoặc công đoạn trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ công tác chuẩn bị đến khi kết thúc ca làm việc theo quy trình kỹ thuật được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Định mức được áp dụng đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; phương tiện, địa bàn thu gom; phương tiện vận chuyển; công suất của các cơ sở tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt theo quy trình kỹ thuật được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng với các văn bản này tính chủ động, sâu sát thực tế của các địa phương đóng vai trò quyết định. Chính quyền các cấp phải triển khai đồng bộ từ phân loại tại nguồn đến phân loại khi thu gom, vận chuyển, xử lý, và nhiệm vụ hàng đầu là tăng cường tuyên truyền mục đích, lợi ích của việc phân loại chất thải sinh hoạt; hướng dẫn cho cộng đồng nhận biết, phân loại đúng. Cùng với đó, việc nâng cao nhận thức để người dân, nhà quản lý, doanh nghiệp hiểu phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen rất quan trọng và cần thiết. Công tác tuyên truyền, vận động phải được thực hiện bài bản, có chiến lược, thường xuyên và liên tục; đồng thời phải được đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức.

Cộng đồng dân cư là nơi truyền tải thông tin hiệu quả nhất. Khi mỗi thành viên trong cộng đồng hiểu rõ về tác hại của rác thải, lợi ích của việc phân loại và các phương pháp phân loại đúng cách, họ sẽ tự giác tham gia vào hoạt động này. Từ đó có thể tạo ra những hoạt động, những phong trào để khuyến khích cộng đồng hình thành thói quen phân loại rác đúng nơi quy định.

Cộng đồng sẽ phát huy tính đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau vì quyền lợi chung, sự sáng tạo và duy trì các sáng kiến gắn với địa bàn đối với công tác bảo vệ môi trường. Các thành viên trong cộng đồng có thể tự tổ chức để giám sát việc thực hiện phân loại rác của từng hộ gia đình, từng cơ sở sản xuất như thành lập các đội tự quản, xây dựng các quy định chung và có các biện pháp nhắc nhở, răn đe các trường hợp vi phạm.

Hoàng Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/thuc-hien-phan-loai-rac-tai-nguon-tu-112025-trach-nhiem-cua-ca-nhan-voi-moi-truong-20241231190219832.htm
Zalo