Thực hiện nghiêm Nghị định 168 giúp 'nâng' ý thức người tham gia giao thông
Những ngày qua, một vấn đề đã, đang và sẽ vẫn tiếp tục 'nóng' chính là những ý kiến xoay quanh Nghị định 168 về tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông. Nhưng dù có nói thế nào, thì rõ ràng, Nghị định này đã khiến thay đổ tích cực ý thức của đại bộ phận người dân.
10 ngày, trên 8.000 trường hợp vi phạm bị xử lý
Nghị định 168 ra đời trong bối cảnh giao thông không chỉ ở Thủ đô mà các tỉnh, thành phố đều rất phức tạp. Tình trạng vi phạm diễn ra phổ biến, không chỉ gây ùn tắc tại các nút giao trọng điểm, mà còn dẫn tới nguy cơ tai nạn giao thông tăng cao. Điều này đã được chứng minh từ thực tế, khi có không ít những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do lái xe vượt đèn đỏ, vi phạm nồng độ cồn, chở quá khổ quá tải trọng cho phép…
Nhiều người cho rằng, do mức phạt của Nghị định 168 rất cao nên sẽ sinh ra tâm lý “sợ” mà chấp hành. Nhưng thực tế thì chưa hẳn. Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông - CATP Hà Nội, từ ngày 1 đến hết 10-1-2025, toàn thành phố xử lý 8.357 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ.
Trong đó, 302 trường hợp vượt đèn đỏ; 220 trường hợp đi vào đường cấm, đường ngược chiều; có tới 2.668 trường hợp không đội mũ bảo hiểm; 1.826 trường hợp đã uống rượu-bia nhưng vẫn lái xe… Tổng số tiền phạt là trên 21 tỷ đồng; tạm giữ 2.493 phương tiện; tước 317 GPLX, trừ điểm GPLX đối với 160 ô tô và 805 mô tô… Những con số trên cho thấy, mức phạt cao hay thấp không quan trọng, ít nhất với một số người, mà chủ yếu là do ý thức.
Không cổ súy cho vi phạm
Trên mạng xã hội, có ý kiến cho rằng do sợ bị xử phạt, người dân không vượt đèn đỏ, không “leo” vỉa hè… nên nhiều tuyến đường tắc nghiêm trọng! Đây thực sự là ý kiến mang tính chủ quan. Bởi, những ngày đầu Nghị định 168 chính thức có hiệu lực, thì cũng là những ngày giáp Tết, nhu cầu đi lại, mua sắm, giao thương của người dân tăng cao, dẫn tới lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến. Và có thể nói, “giờ nào cũng là giờ cao điểm”.
Trung tá Đặng Hồng Giang - Đội trưởng Đội CSGT Đường bộ số 3 - CATP Hà Nội, cho biết: Vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội dài 43,6km, chạy qua các điểm Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - cầu Nhật Tân... vào những ngày thường đã có mật độ phương tiện cao, thậm chí có những lúc quá tải về sự lưu thoát của các phương tiện.
“Vào những ngày cận Tết, khi nhu cầu di chuyển, đi lại, và mua sắm của người dân tăng cao, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên tuyến này lại càng lớn, gấp nhiều lần so với bình thường”- Trung tá Đặng Hồng Giang thông tin.
Anh Đào Ngọc Linh (41 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Chưa bàn đến vấn đề phạt cao hay thấp, tôi chỉ thấy rằng, việc người dân không tuân thủ chấp hành luật lệ an toàn giao thông, lái xe kiểu “mạnh ai nấy đi” sẽ khiến giao thông ùn ứ rồi tắc nghẽn. Chỉ một nút giao cắt không có Cảnh sát giao thông phân luồng mà người nào cũng muốn vượt lên, kết quả là cả một đoạn dài tắc lại…”
Chị Quỳnh Như (36 tuổi, quận Ba Đình) cũng bức xúc nói: “Ban đầu tôi cũng nghĩ Nghị định 168 với mức phạt tăng nặng sẽ khiến nhiều người sợ, nhưng ra đường vẫn nhan nhản người không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều vì không muốn vòng xa. Nhiều khi đang đi thấy một xe ngược chiều lao tới làm giật mình, nếu không vững tay lái thì ngã không chừng, thử hỏi ý thức họ để đâu?”.
Ai chấp hành vẫn cứ chấp hành, người ý thức kém thì vẫn ngang nhiên vi phạm. Đương nhiên, song song với việc xử phạt ở mức cao, thì cũng cần nâng cấp hệ thống đèn, biển báo giao thông.
Và cũng cần nhấn mạnh rằng, không nên hùa theo những ý kiến cổ súy cho việc vi phạm giao thông. Bởi xã hội ngày càng phát triển, thì ý thức của người dân cũng cần được nâng lên, nâng tầm văn hóa giao thông của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Cũng theo Chỉ huy Phòng CSGT - CATP Hà Nội, dịp cận Tết này, với mật độ giao thông tăng cao đột biến, Phòng CSGT yêu cầu các đội quản lý địa bàn căn cứ tình hình thực tế, bố trí cán bộ chiến sĩ phân luồng, điều tiết giao thông, hạn chế tối đa ùn tắc, tai nạn giao thông, đảm bảo người dân di chuyển thuận lợi, an toàn.
Đại úy Nguyễn Văn Long, cán bộ Đội CSGT Đường bộ số 3, chia sẻ: “Những ngày cuối năm cũng là thời gian vất vả nhất với chúng tôi. Người dân không chỉ đi làm mà còn tranh thủ cả buổi trưa, buổi tối để lo công việc, sắm Tết. Thời gian này, cán bộ chiến sĩ xác định ngày nào cũng là ngày làm việc, giờ nào cũng là giờ cao điểm nên phải nỗ lực hết sức”.
Một số người dân cho rằng, sự đông đúc trong những ngày cận Tết là điều khó tránh khỏi, nhưng có lực lượng CSGT túc trực, người dân phần nào yên tâm hơn. Anh Trần Văn Dũng, thường xuyên di chuyển qua khu vực Ngã Tư Sở nhận xét: “Đường đông nhưng có CSGT phân luồng, việc đi lại cũng dễ chịu hơn. Nếu không có họ, chắc chắn sẽ tắc dài hơn.”
Chị Lê Thị Hằng, làm việc tại khu vực Láng Hạ, cho biết: “Sự đông đúc vào dịp Tết là điều hiển nhiên, nhưng theo tôi, ùn ứ chỉ xảy ra ở một số tuyến chính do lượng xe quá đông, còn lại việc di chuyển vẫn tương đối thuận lợi”.
Cận Tết, áp lực giao thông tăng. Việc lực lượng chức năng thực thi nghiêm Nghị định số 168 là giải pháp cần thiết để kéo giảm vi phạm giao thông, và quan trọng là nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông đối với người dân.