Thực hiện lời hứa với dân, quyết sách các vấn đề tạo động lực phát triển -thực tiễn từ tỉnh Hòa Bình:

Bài 1- Những đại biểu được cử tri tin tưởng lựa chọn Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, xác định được vị thế, trọng trách của mình, Đoàn ĐBQH và HĐND các cấp tỉnh Hòa Bình có nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, xứng đáng là người đại biểu dân cử (ĐBDC), đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đảng, Nhân dân giao phó.

Bài 1- Những đại biểu được cử tri tin tưởng lựa chọn

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, xác định được vị thế, trọng trách của mình, Đoàn ĐBQH và HĐND các cấp tỉnh Hòa Bình có nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, xứng đáng là người đại biểu dân cử (ĐBDC), đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đảng, Nhân dân giao phó.

Các đại biểu HĐND tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm tại Kỳ họp thứ 20, khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 -2026.

Các đại biểu HĐND tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm tại Kỳ họp thứ 20, khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 -2026.

Trách nhiệm trước lá phiếu cử tri

"Trong quá trình phát triển mạnh mẽ của tỉnh, của đất nước đặt ra yêu cầu, đỏi hỏi ngày càng cao của cơ quan dân cử các cấp và mỗi ĐBDC phải rèn luyện bản lĩnh chính trị, đổi mới tư duy, tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, đủ "tầm” hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả giám sát, sâu sát, kịp thời nắm bắt, cập nhật những vấn đề bức xúc, cử tri quan tâm, chuyển tải đến nghị trường, các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Nhất là những vấn đề bất cập trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ phát triển kinh tế; vấn đề môi trường, an ninh nguồn nước, an sinh xã hội… góp phần giải quyết nút thắt, điểm nghẽn trong quá trình phát triển, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp đề ra, xứng đáng với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân" - đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định.

Theo số liệu thống kê, HĐND tỉnh đầu nhiệm kỳ bầu được 58 đại biểu, hiện nay còn 54 đại biểu. Đại biểu HĐND cấp huyện, thành phố đầu nhiệm kỳ là 333, hiện nay còn 307. Đại biểu HĐND cấp xã đầu nhiệm kỳ có 3.301, hiện nay còn 3.124 đại biểu. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình có 6 đại biểu, trong đó 2 đại biểu chuyên trách, 4 đại biểu kiêm nhiệm; các đại biểu trong Đoàn đều tham gia là thành viên của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh có 5 đại biểu (1 đại biểu nghỉ công tác và xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu từ tháng 5/2024). Cơ quan dân cử, các đại biểu hoạt động ngày càng thực chất và hiệu quả, có uy tín với Nhân dân.

Là đại biểu HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Vân, Bí thư Đảng ủy phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) chia sẻ: Mỗi lá phiếu bầu chọn là niềm tin và gửi gắm nguyện vọng của cử tri đối với các ĐBDC. Được cử tri tín nhiệm cũng là trách nhiệm của mỗi đại biểu khi tham gia quyết định những vấn đề trọng đại của địa phương. Khi thực hiện vai trò đại diện, các ĐBDC không quên những điều cử tri đã gửi gắm và thông qua hoạt động của mình biến các lời hứa trước cử tri thành hiện thực.

Thời gian qua, hoạt động của ĐBQH và HĐND các cấp của tỉnh có bước tiến mạnh mẽ. Đoàn ĐBQH và HĐND các cấp đã bám sát thực tiễn cơ sở, đi tới tận cùng các vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền. Nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn cuộc sống được phát hiện và từng bước giải quyết. Đó là kiến nghị về cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức không chuyên trách ở cơ sở, động viên, hỗ trợ họ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ "là cánh tay nối dài" của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đó là vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tái định cư vùng thiên tai; vấn đề rác thải sinh hoạt ở TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn; những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, ảnh hưởng đến dân sinh; vấn đề di dân vùng hồ thủy điện Hòa Bình; các chương trình mục tiêu quốc gia tạo nguồn lực cho đồng bào dân tộc thiểu số; các dự án không đưa đất vào sử dụng làm lãng phí nguồn lực; những bất cập trong quản lý, vận hành và khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh Hòa Bình... Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, riêng Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 50 cuộc giám sát với 13 chuyên đề, trong đó có 20 cuộc giám sát với 6 chuyên đề liên quan đến các vấn đề nóng, bức xúc tại địa phương.

Đại biểu dân cử phải có tâm, đủ tầm

Đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định: Chất lượng đại biểu là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử. Được cử tri tín nhiệm là một vinh dự, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề đối với các ĐBDC. Vinh dự và trách nhiệm lớn lao đó đòi hỏi mỗi đại biểu phải có tâm, đủ tầm và luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành trọng trách của mình. Bên cạnh đó, đại biểu phải thật sự có bản lĩnh và tâm huyết với hoạt động dân cử, không ngại va chạm, không né tránh các vấn đề gai góc, phải làm sao cho xứng đáng với niềm tin và mong đợi của Nhân dân.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND các cấp đã khẳng định được vai trò là cơ quan Thường trực của HĐND, chỉ đạo, điều hòa phối hợp hoạt động giữa các Ban, các Tổ đại biểu, giữa các kỳ họp có hiệu quả; đảm bảo cho hoạt động của HĐND đúng luật, phát huy được tính dân chủ, hiệu lực, hiệu quả. Việc bố trí chức danh Chủ tịch HĐND là cán bộ chủ chốt của cấp ủy Đảng đã phát huy hiệu quả; những việc cần xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy về công tác, hoạt động của HĐND cũng có nhiều thuận lợi hơn. Việc bố trí lãnh đạo các Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện là đại biểu chuyên trách đã tăng tính chủ động trong việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình hoạt động của Ban về công tác giám sát và tổ chức thẩm tra các báo cáo, đề án, các dự thảo nghị quyết do UBND trình tại các kỳ họp HĐND.

Các Tổ đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã đã có nhiều cố gắng trong việc nắm bắt thông tin, tích cực tham gia các hoạt động của HĐND, lắng nghe tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển tới Thường trực HĐND để tổng hợp trình kỳ họp theo quy định. Trong tổ chức và thực hiện các hoạt động giám sát của Thường trực và các Ban HĐND đã bám sát chủ trương lãnh đạo của cấp ủy và thực tiễn địa phương. Nội dung, phương thức giám sát luôn được đổi mới, vận dụng linh hoạt, phù hợp theo điều kiện thực tế từng địa phương, lĩnh vực, lựa chọn vấn đề thiết thực, trọng tâm, bức xúc trong dư luận xã hội. Cơ bản đã đạt được các mục tiêu giám sát đề ra, các kiến nghị sau giám sát đã được UBND và các ngành chức năng tiếp thu, là cơ sở quan trọng để có biện pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc, hạn chế trong quản lý điều hành phát triển KT-XH; điều chỉnh hoặc ban hành chính sách mới của tỉnh.

Trong nhiệm kỳ, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh tích cực phối hợp, tham gia các đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh trong hoạt động giám sát tại địa phương. Hoạt động tiếp xúc cử tri tiến bộ rõ nét, đã thu thập ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan thẩm quyền xem xét, trả lời. Công tác giải quyết đơn thư được chú trọng, thường xuyên đôn đốc và giám sát việc giải quyết của các cơ quan chức năng theo đúng luật định. Do vậy, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tình trạng khiếu kiện đông người, gửi đơn thư vượt cấp giảm đáng kể.

(Còn nữa)

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/195169/thuc-hien-loi-hua-voi-dan,-quyet-sach-cac-van-de-tao-dong-luc-phat-trien--thuc-tien-tu-tinh-hoa-binh-.htm
Zalo