Chọn nhầm người là lãng phí lớn nhất

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước của Quốc hội hôm qua, 4.11, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ hoàn toàn nhất trí với quan điểm và thông điệp đặc biệt quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm về công cuộc chống lãng phí bởi thực tế cho thấy, lãng phí đang thực sự ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong bài viết "Chống lãng phí", Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra những biểu hiện về lãng phí, trong đó có lãng phí nguồn lực con người và lãng phí cơ hội được xem như là những lãng phí lớn nhất. Sắp tới đây, chúng ta sẽ tiến hành Đại hội Đảng các cấp để bầu chọn ra những người gánh vác trọng trách trong nhiệm kỳ 5 năm tới - giai đoạn có ý nghĩa quan trọng để hướng đến kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2030), và 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).

Trong thời điểm đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, mỗi quyết sách, mỗi định hướng không chỉ ảnh hưởng đến hiện tại mà còn đặt nền tảng cho tương lai. Đất nước đang đứng trước những mốc son lịch sử lớn. Để không chỉ phát triển mà còn nhân lên niềm tin và hy vọng, chúng ta cần lựa chọn những người thật sự xứng đáng, để mỗi cơ hội không bao giờ bị hoang phí, để mỗi người dân luôn tự hào, tin tưởng và kiên định trên con đường phía trước.

 Phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước sáng 4.11.2024

Phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước sáng 4.11.2024

Để tránh chọn nhầm người, chúng ta cần không chỉ một quy trình nghiêm ngặt, mà hơn hết là một trái tim tràn đầy khát vọng phụng sự đất nước, để mọi quyết định lựa chọn đều được dẫn dắt bởi ý chí và sự thấu hiểu sâu sắc.

Chọn đúng người là lựa chọn tương lai, là đặt lòng tin và kỳ vọng của nhân dân vào những người xứng đáng. Để làm được điều đó, chúng ta không thể chỉ dựa vào lý thuyết hay thành tích trên giấy mà phải nhìn thẳng vào quá trình làm việc thực tế của ứng cử viên để xem họ đã cống hiến, đã hy sinh, đã nỗ lực ra sao trong những thử thách thật sự. Những bài kiểm tra qua thực tiễn không chỉ để đánh giá khả năng mà còn để thấy được trái tim họ có thật sự hòa cùng nhịp đập với lý tưởng và trách nhiệm lớn lao hay không.

Trong quá trình lựa chọn, chúng ta cần lắng nghe từ nhiều phía. Lắng nghe từ những người đồng nghiệp - những người đã từng sát cánh, và từ cộng đồng - nơi ứng cử viên đã phục vụ. Ý kiến đa chiều là tấm gương phản chiếu trung thực, giúp tránh khỏi cái nhìn phiến diện và giúp chúng ta nhận ra những phẩm chất ẩn sâu mà không phải lúc nào cũng dễ thấy.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cách mạng, xem đây là một nhiệm vụ then chốt của Đảng. Người khẳng định, để Đảng và Nhà nước vững mạnh, không thể thiếu những cán bộ có phẩm chất và tài năng. Ngày 14.11.1945, trên báo Cứu quốc, Người đã viết: “kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”.

Chọn đúng người là gửi gắm tương lai vào một đôi tay đủ vững vàng, vào một trí tuệ đủ sáng suốt. Mỗi quyết định, mỗi lá phiếu trao đi là một sự khẳng định rằng, chúng ta cùng nhau xây đắp nên một đất nước vững mạnh và phát triển.

Bùi Hoài Sơn

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chon-nham-nguoi-la-lang-phi-lon-nhat-post395379.html
Zalo