Thực hiện hiệu quả chương trình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Để thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện.

Trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Trần Công Định cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 134.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trên 50.000 trẻ em dưới 6 tuổi; gần 1.600 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt; 72.000 trẻ em sống trong gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, bố, mẹ ly hôn hoặc mắc các tệ nạn xã hội có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Những năm qua, việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến trẻ em được triển khai rộng khắp.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ban hành các văn bản, chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác phòng ngừa không để trẻ em bị ngược đãi, bị xâm hại tình dục, bị tai nạn thương tích. Tổ chức các lớp tập huấn, các diễn đàn, tư vấn cộng đồng... để cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho các bậc cha mẹ, những người chăm sóc trẻ và cho chính trẻ em. Triển khai các chính sách trợ giúp các hộ gia đình nghèo, cận nghèo để trẻ em trong các gia đình này được hưởng các quyền của trẻ em, giảm tình trạng trẻ em phải tham gia lao động sớm, quá sức có nguy cơ bị bóc lột sức lao động, bị ngược đãi, xâm hại.

Đến nay có 142/161 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phù hợp với trẻ em. 100% Hội đồng phổ biến pháp luật các huyện, Thành phố và các xã tuyên truyền lồng ghép tại các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chú trọng tuyên truyền tại các tổ, xóm, từng bước làm chuyển biến ngày càng sâu sắc về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. 100% trẻ em bị tai nạn, thương tích, đuối nước, bị xâm hại được quan tâm, hỗ trợ kinh phí kịp thời.

Khám bệnh miễn phí cho học sinh Trường Tiểu học Duyệt Trung (Thành phố).

Khám bệnh miễn phí cho học sinh Trường Tiểu học Duyệt Trung (Thành phố).

Các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ trẻ em hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn và hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng sâu, vùng xa được quan tâm. Phối hợp tổ chức khám sàng lọc phát hiện bệnh tim bẩm sinh cho 1.458 trẻ dưới 16 tuổi; trao quà, hỗ trợ học bổng và “Nhà tình thương” cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với Hội thiện nguyện SAP-VN, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Thái Nguyên tổ chức khám sàng lọc cho trẻ em bị khuyết tật hệ vận động cho 106 trẻ khuyết tật cơ quan vận động và chỉ định phẫu thuật đối với 20 trẻ...

Các cấp, ngành triển khai thực hiện đúng, đủ các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật, thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước đối với trẻ em, đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội phát triển toàn diện. 99,8% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám, chữa bệnh miễn phí. Các dịch vụ y tế về bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ tuyến tỉnh đến cơ sở được củng cố, phát triển, nâng cao về chất lượng, góp phần đảm bảo cho trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Để trẻ em được phát triển toàn diện, tỉnh huy động các nguồn lực chăm lo sự nghiệp giáo dục; hệ thống trường, lớp được đầu tư kiên cố hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ. Công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được các nhà trường và học sinh hưởng ứng tích cực, góp phần xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, không có bạo lực; tạo mối quan hệ phối hợp giáo dục giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Tất cả các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác trẻ em, tích hợp việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử... cho học sinh vào chương trình giáo dục của nhà trường. Quyền học tập của trẻ em được quan tâm thực hiện tốt, trẻ em được đi học đúng độ tuổi.

Công tác bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh được chú trọng; đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được bảo đảm. 10/10 huyện, Thành phố có thư viện sách với nhiều loại sách khá phong phú, tạo không gian văn hóa đọc cho trẻ; các trường học thường tổ chức ngoại khóa bằng hình thức sân khấu hóa, hội thi, tuyên truyền về vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội với việc nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hằng năm, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các cuộc thi, vui chơi giải trí... tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho thiếu nhi, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Minh Ánh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thuc-hien-hieu-qua-chuong-trinh-cham-soc-giao-duc-va-bao-ve-tre-em-3170620.html
Zalo