Giao lưu Đại sứ Văn hóa đọc 2024: Đọc sách để mài sắc tư duy và làm đẹp tâm hồn

Trong khuôn khổ Lễ Tổng kết và Trao giải Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024, buổi Giao lưu Đại sứ Văn hóa đọc đã diễn ra vào ngày 24/10 tại Phú Thọ.

Mở đầu buổi Giao lưu Đại sứ Văn hóa đọc - "Hành trình lan tỏa văn hóa dân tộc" là phần chia sẻ của bà Kiều Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.

Bà Kiều Thúy Nga cho biết Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển văn hóa nói chung cũng như phát triển văn hóa đọc nói riêng.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch, đặc biệt là trong lĩnh vực thư viện đã có nhiều hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc với các tủ sách cộng đồng, chương trình đưa sách về vùng sâu, vùng xa, các mô hình góc đọc sách, giờ đọc sách tại những cơ sở giáo dục.

“Chúng tôi mong muốn cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc có thể khơi dậy niềm đam mê đọc sách đặc biệt là ở giới trẻ. Từ đó xây dựng thói quen đọc sách, tạo lập môi trường đọc, nâng cao tri thức cũng như bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách, đạo đức, hình thành lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, tạo nên một xã hội học tập” - bà Kiều Thúy Nga chia sẻ.

Vụ trưởng Vụ Thư viện bày tỏ, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc sẽ được tiếp nối trong những năm tiếp theo. Phía Ban tổ chức sẽ đổi mới trong các hoạt động để triển khai hiệu quả và chất lượng hơn nữa, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao văn hóa đọc.

 Bà Kiều Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 (đang phát biểu). Ảnh: Hồng Linh.

Bà Kiều Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 (đang phát biểu). Ảnh: Hồng Linh.

Trong buổi giao lưu, diễn giả Nguyễn Quốc Vương - người đam mê đọc sách, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động phát triển văn hóa đọc đã đưa ra những gợi ý để đọc sách hiệu quả.

“Thứ nhất, nếu chúng ta chỉ đọc sách thuần túy sẽ không tránh khỏi sự nhàm chán, bởi vậy phải đọc cùng với suy ngẫm và tưởng tượng.

Thứ hai, cần kết hợp hoạt động đọc với hoạt động viết, vì đọc là đầu vào, nói và viết là đầu ra. Muốn đọc tốt chúng ta phải phải tăng cường viết từ việc trao đổi với bạn bè đến viết sáng tạo, viết học thuật.

Thứ ba, chúng ta phải gắn việc đọc sách với chính đời sống của bản thân, xuất phát từ những gì chúng ta quan tâm.

Do vậy, tất cả mọi người, dù ở trình độ học vấn nào hay đang làm công việc gì cũng đều nên đọc sách trong một hệ sinh thái khép kín như trên. Khi ấy, chúng ta sẽ thấy đọc sách là công việc thường ngày, diễn ra tự nhiên, cảm nhận được niềm vui mà đọc sách mang lại.

Tuy nhiên, tôi cũng phải đề cập rằng, để việc đọc sách mang đến sự tiến bộ về trí tuệ thì vượt khó là điều tất yếu, cũng giống như việc học nhất định phải trải qua khó khăn” - vị diễn giả chia sẻ.

Diễn giả Nguyễn Quốc Vương cũng nói thêm, sách có lợi thế mà điện thoại, internet không thể thay thế. Vì đọc sách không chỉ để lấy thông tin và ghi nhớ thông tin, đọc sách để tư duy được mài sắc và làm giàu cho tâm hồn.

Ngoài ra, thông tin trên mạng rất nhanh và mới nhưng đều là các thông tin mảnh, không có nhiều tính hệ thống. Cho nên, nếu người đọc muốn biết, chỉ cần đọc trên mạng gần như là đủ nhưng nếu muốn hiểu sâu sắc và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, nhất định phải đọc sách.

 Diễn giả Nguyễn Quốc Vương (ngoài cùng bên trái) đang phát biểu. Ảnh: Hồng Linh

Diễn giả Nguyễn Quốc Vương (ngoài cùng bên trái) đang phát biểu. Ảnh: Hồng Linh

Em Bạch Hải Hạnh - Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu năm 2021 chia sẻ: “Em quan niệm rằng mỗi cá nhân là một đại sứ văn hóa đọc trong cuộc sống, từ thói quen đọc của bản thân, có thể lan tỏa rộng khắp đến những người xung quanh.

Có 1 câu nói em rất tâm đắc đó là 'Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới'. Hi vọng rằng mỗi cá nhân sẽ tự mình mở ra những chân trời mới thông qua việc đọc và mang những chân trời mới đó lan tỏa cho gia đình, cộng đồng và tất cả mọi người xung quanh”.

 Em Bạch Hải Hạnh - Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu năm 2021 (ở giữa) và em Nguyễn Thanh Mai - Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu năm 2022 (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Hồng Linh.

Em Bạch Hải Hạnh - Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu năm 2021 (ở giữa) và em Nguyễn Thanh Mai - Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu năm 2022 (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Hồng Linh.

Bước sang phần tiếp theo của chương trình, khán giả được lắng nghe những chia sẻ của các Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu năm 2024.

Đó là em Đặng Gia Hân - học sinh lớp 3A Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 (thành phố Vinh, Nghệ An), em Phạm Trung Khải - học sinh lớp 8A8 Trường Trung học cơ sở Trọng Điểm (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), em Nguyễn Hải Âu - học sinh lớp 11 chuyên Sử, Trường Trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương (thành phố Việt Trì, Phú Thọ) và em Lê Bảo Toàn - binh nhất, học viên đại đội 2, tiểu đội 1 Trường Sĩ quan Chính trị của Bộ Quốc phòng.

 4 Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu năm 2024 trong buổi giao lưu. Ảnh: Hồng Linh.

4 Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu năm 2024 trong buổi giao lưu. Ảnh: Hồng Linh.

Em Lê Bảo Toàn chia sẻ: “Hiện tại, trên cương vị là Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu, em nhận thấy bên cạnh niềm vinh hạnh còn là trách nhiệm lan tỏa văn hóa đọc rộng hơn đến cộng đồng.

Đây là lần thứ 3 em tham gia và cũng lần thứ 3 em đoạt giải tại cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc. Khi thực hiện các bài thi em luôn có sự lựa chọn kỹ càng từ nội dung đến việc thiết kế hình ảnh. Đặc biệt, cả 3 bài thi của em đều được viết tay.

Dù đã tham gia 3 lần nhưng lúc nào em cũng có nguyện vọng được tiếp tục dự thi. Điều quan trọng không chỉ là mang lại vinh dự cho bản thân, nhà trường, đơn vị đóng quân mà điều tốt đẹp nhất là được lan tỏa tinh thần yêu đọc sách đến mọi người".

 Em Lê Bảo Toàn (ngoài cùng bên trái) và em Đặng Gia Hân (ở giữa). Ảnh: Hồng Linh.

Em Lê Bảo Toàn (ngoài cùng bên trái) và em Đặng Gia Hân (ở giữa). Ảnh: Hồng Linh.

Em Nguyễn Hải Âu cho biết: “Hành trình đến với danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 là chặng đường em có thể khám phá khả năng của bản thân đồng thời hiểu thêm về sách và văn hóa đọc.

Đối với em, sách không chỉ là người bạn mà còn là người thầy giúp đỡ em trong học tập và quá trình hoàn thiện bản thân. Để chuẩn bị cho cuộc thi năm nay, giữa vô vàn những cuốn sách hay và ý nghĩa, em đã phải dành rất nhiều thời gian cho việc lựa chọn cuốn sách bản thân cảm thấy hay nhất, có ý nghĩa nhất.

Đồng thời, cuốn sách này phải để lại cho cá nhân em và thế hệ của mình những ấn tượng sâu sắc. Em nghĩ đó là bài học về sự kiên trì và tinh thần cống hiến của thanh niên đối với Tổ quốc".

Ngoài ra, Hải Âu bày tỏ, đối với cô việc đọc sách không chỉ dừng lại ở 1 thể loại và cần đọc đa dạng, qua đó giúp bản thân hoàn thiện tư duy, mở rộng thế giới quan, bản thân sẽ được sống nhiều cuộc đời mới qua những cuốn sách.

 Em Nguyễn Hải Âu (ở giữa) và em Phạm Trung Khải (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Hồng Linh.

Em Nguyễn Hải Âu (ở giữa) và em Phạm Trung Khải (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Hồng Linh.

Bên cạnh đó, các Đại sứ Văn hóa đọc cũng đã đưa ra những sáng kiến để thúc đẩy văn hóa đọc như việc tạo các website giới thiệu sách, câu lạc bộ đọc sách, xây dựng thư viện lưu động…

Để tiếp tục con đường đến với sách và lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng, em Nguyễn Hải Âu có đưa ra một số những cái sáng kiến như thành lập câu lạc bộ đọc sách cộng đồng để mọi người kết nối, trao đổi về sách.

Xây dựng chương trình mỗi tuần một cuốn sách. Hàng tuần sẽ có 1 cuốn sách được gửi để mọi người đóng góp ý kiến, đưa ra nhận định cá nhân và tiếp tục giới thiệu những cuốn sách yêu thích đến người khác.

Triển khai chương trình đọc sách ở các trường mầm non và tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ.

Cuối cùng, Hải Âu mong muốn có 1 địa điểm trao đổi sách tại trường học. Điều này vừa nâng cao văn hóa đọc vừa giúp mọi người tiết kiệm chi phí, lan tỏa tinh thần chia sẻ trong cộng đồng học đường.

Hồng Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-luu-dai-su-van-hoa-doc-2024-doc-sach-de-mai-sac-tu-duy-va-lam-dep-tam-hon-post246491.gd
Zalo