Thực hiện Đề án 06: Làm giàu dữ liệu số, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp

Sau quá trình triển khai Đề án 06, các mô hình được phát triển theo 5 nhóm tiện ích dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ đây, việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân được thực hiện nhanh gọn.

Ngày 11/10/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 172/KH-UBND về đẩy mạnh triển khai, thực hiện 5 nhóm tiện ích của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (Đề án 06). Mục tiêu chính là thực hiện các nhiệm vụ, xây dựng mô hình hướng tới 5 nhóm tiện ích cốt lõi bao gồm: Phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển KT-XH; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái kết nối, khai thác, bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp. Đến nay, các sở, ngành đã triển khai 24 mô hình, giải pháp, bước đầu đạt hiệu quả thiết thực trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân.

 Bệnh viện Đa khoa tỉnh bố trí máy quét QR code tại khu vực đón tiếp bệnh nhân.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh bố trí máy quét QR code tại khu vực đón tiếp bệnh nhân.

Mô hình xuất trình VNeID, thẻ căn cước điện tử, sổ sức khỏe điện tử trong khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh là một ví dụ. Mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đón hàng trăm lượt bệnh nhân đến khám, điều trị. Từ cuối năm 2023, người dân đến đây chỉ cần xuất trình thẻ căn cước điện tử hoặc tài khoản VNeID trên điện thoại thông minh thay vì thẻ bảo hiểm y tế và sổ giấy như trước. Ông Nguyễn Văn Thành ở xã Lương Phong (Hiệp Hòa) nói: “Giờ đây tôi không phải mang theo các loại giấy tờ mà chỉ cần mở ứng dụng VNeID là có thể dễ dàng làm các TTHC liên quan. Cán bộ y tế quét mã QR code, lịch sử khám, tiền sử bệnh đều hiển thị trong sổ sức khỏe điện tử”.

Thực hiện mô hình này, Bệnh viện đã đầu tư 20 máy đọc QR code đặt tại các khoa khám, chữa bệnh. Nhờ đó, hơn 90% người dân đến khám, chữa bệnh đã sử dụng thẻ căn cước điện tử, VNeID. Bác sĩ chuyên khoa II Thân Trọng Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh thông tin, việc triển khai mô hình thuộc Đề án 06 đã mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và cán bộ y tế, giảm thời gian chờ đợi trong khâu tiếp đón; tiết kiệm chi phí, thời gian. Đặc biệt là toàn bộ lịch sử khám, điều trị, thông tin về sức khỏe được hiển thị trong ứng dụng VNeID.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 254 cơ sở khám chữa bệnh (đạt 100%) đã sử dụng thẻ căn cước điện tử, tài khoản VNeID thay thế thẻ bảo hiểm y tế. Toàn tỉnh có hơn 2,6 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ, người dân không phải mang giấy tờ vật lý, hạn chế tình trạng rách, hỏng, bị mất, trục lợi bảo hiểm...

 Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) hướng dẫn công dân nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông trực tuyến.

Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) hướng dẫn công dân nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông trực tuyến.

Theo Trung tá Nguyễn Việt Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) - cơ quan thường trực Tổ Công tác Đề án 06 tỉnh, năm 2024, việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao. Đề án đã mang lại nhiều tiện ích nổi bật với người dân như: Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí. Ứng dụng VNeID cũng trở nên phổ biến hơn, có nhiều tính năng kết nối công dân và cơ quan quản lý nhà nước... Từ đó giảm các thủ tục trong thực hiện dịch vụ công, tăng sự hài lòng của người dân đối với chính quyền.

Hiện toàn tỉnh có 1.609.226 người dân trên 14 tuổi được cấp thẻ căn cước, 1.348.226 trường hợp công dân đủ điều kiện trên địa bàn được kích hoạt tài khoản định danh mức độ 2.

Với một số TTHC như: Cấp hộ chiếu, đăng ký xe, khai sinh, khai tử; cấp phiếu lý lịch tư pháp, người dân có thể gửi hồ sơ qua ứng dụng VNeID hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến mà không giới hạn thời gian, địa điểm. Trao đổi với Thiếu tá Giáp Thị Cẩm Vân, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) được biết, toàn tỉnh đã có hơn 58.000 hồ sơ nộp đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, trong đó có đến 99,8% hồ sơ trực tuyến. Để đạt kết quả đó, lực lượng chức năng đã xây dựng các video clip đăng tải trên nhiều trang mạng xã hội, thành lập tổ công tác hướng dẫn trực tuyến để tiếp nhận, giải đáp thắc mắc của công dân; phiên dịch ra tiếng Trung Quốc, tiếng Anh công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, gửi về các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn.

Việc thực hiện Đề án 06 đã góp phần làm giàu dữ liệu số, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 06, các đơn vị, địa phương đề ra nhiều giải pháp nhằm tăng tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thực hiện chuyển đổi số. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hạ tầng, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, quan tâm triển khai các giải pháp kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu dân cư.

Bài, ảnh: Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thuc-hien-de-an-06-lam-giau-du-lieu-so-dap-ung-nhu-cau-cua-nguoi-dan-doanh-nghiep-postid410051.bbg
Zalo