Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng hành cùng doanh nghiệp

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, năm 2024, UBND tỉnh Đồng Tháp triển khai Kế hoạch về mục tiêu tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh. Qua đó chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai, bảo đảm thực hiện đạt mục tiêu của Kế hoạch; tiếp tục hoàn thiện và nhất quán chủ trương chính sách về cải thiện môi trường đầu tư, tạo dựng niềm tin đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 từ trái sang) gặp gỡ đại diện doanh nghiệp tại “Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp” - Khu Công nghiệp Sa Đéc (Ảnh: Nhật Khánh)

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 từ trái sang) gặp gỡ đại diện doanh nghiệp tại “Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp” - Khu Công nghiệp Sa Đéc (Ảnh: Nhật Khánh)

ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP

Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 650 doanh nghiệp thành lập mới (đạt kế hoạch) với tổng vốn đăng ký hơn 5.100 tỷ đồng và 160 doanh nghiệp tái hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động khoảng 5.400 doanh nghiệp (vượt chỉ tiêu 5.300 của nhiệm kỳ). Đồng thời, số hộ kinh doanh thành lập mới ước tính đạt trên 5.800 hộ, với tổng vốn đăng ký hơn 1.280 tỷ đồng, có 10 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Các chỉ tiêu liên quan đến cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được tỉnh bảo đảm theo mục tiêu đề ra. Trong đó, cập nhật dữ liệu quy định kinh doanh trên Cổng Tham vấn và Tra cứu quy định kinh doanh đạt 100% chỉ tiêu; cắt giảm, đơn giản hóa quy định, chi phí tuân thủ quy định đạt chỉ tiêu đề ra là 10%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình trên tổng số TTHC có đủ điều kiện trên Cổng DVC quốc gia đạt 100% (vượt chỉ tiêu đạt tối thiểu 80%); tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của DVC đạt 75% (vượt chỉ tiêu đạt tối thiểu 45%)...

UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm về cải cách hành chính (CCHC) trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; yêu cầu các cấp, các ngành thường xuyên rà soát, cắt giảm, kiến nghị đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy định, TTHC một cách thực chất, hiệu quả, nhất là các giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh; thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép ngay sau khi được các cơ quan cấp trên phê duyệt. Hằng năm, tỉnh chỉ đạo ngành nội vụ thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra cải cách TTHC nhằm nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính...

Theo kết quả khảo sát PCI năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố cho thấy công tác CCHC, năng lực thực thi, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại tỉnh Đồng Tháp được doanh nghiệp đánh giá cao: Có 93% doanh nghiệp đánh giá cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả; 90% doanh nghiệp đồng tình với nhận định cán bộ nhà nước thân thiện; 89% doanh nghiệp cho rằng thời gian thực hiện TTHC được rút ngắn hơn so với quy định; 88% doanh nghiệp nhận định thủ tục giấy tờ đơn giản...

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, trong đó, tăng cường triển khai DVC trực tuyến toàn trình, DVC trực tuyến một phần. Tính đến đầu tháng 12/2024, toàn tỉnh có 1.402 TTHC được cung cấp DVC trực tuyến toàn trình và một phần, đạt 78,32%, trong đó, có 841 DVC trực tuyến toàn trình (đạt 46,98%) và 561 DVC trực tuyến một phần (đạt 31,34%). Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh vận hành ổn định, thông suốt 24/7.

Cổng DVC của tỉnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng DVC quốc gia, tích hợp thanh toán trực tuyến đối với các TTHC thuộc lĩnh vực đất đai liên thông giữa Cổng DVC quốc gia, hệ thống thuế và Cổng DVC của tỉnh, tạo thuận tiện cho doanh nghiệp, người dân khi thực hiện nghĩa vụ tài chính; tích hợp thanh toán trực tuyến phí, lệ phí đối với các lĩnh vực còn lại dành cho doanh nghiệp. Ngoài ra, có các hình thức tra cứu, theo dõi tiến độ giải quyết TTHC như: Zalo, tra cứu trực tiếp trên Cổng DVC tỉnh và Cổng DVC quốc gia, Tổng đài Thông tin DVC 1022, ứng dụng di động e - Dong Thap, đáp ứng yêu cầu người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi trong sử dụng các DVC.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 từ phải sang) gặp doanh nghiệp tại Trung tâm Hành chính công tỉnh để tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 từ phải sang) gặp doanh nghiệp tại Trung tâm Hành chính công tỉnh để tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp

Nhằm tiếp tục xây dựng bộ máy chính quyền năng động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, mô hình Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp, chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp được UBND tỉnh thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở theo nhiều phương thức (qua các kỳ sinh hoạt Câu lạc bộ, sinh hoạt Hội quán, họp mặt doanh nghiệp, doanh nhân...) chủ động tiếp xúc và tăng cường tương tác để nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hằng tuần, lãnh đạo UBND tỉnh đều tổ chức gặp gỡ người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Qua các buổi họp mặt, chính quyền tỉnh nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp, phát huy những điểm mạnh, khắc phục ngay những mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

UBND tỉnh tiếp tục nỗ lực xây dựng và triển khai các mô hình CCHC hiệu quả và việc làm thiết thực như các mô hình: Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp; Điểm hẹn doanh nhân; Ngày thứ Sáu nghe dân nói; Đề án chuyển giao nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công; Tổng đài thông tin Dịch vụ công 1022... với mục tiêu hỗ trợ, tư vấn khởi nghiệp và lập nghiệp, qua đó từng bước cải thiện chất lượng điều hành, hỗ trợ thiết thực cho khu vực kinh tế phát triển.

Kết quả khảo sát PCI năm 2023 cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp tại tỉnh đặt niềm tin cao vào việc triển khai các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh, thể hiện qua các chỉ tiêu: có đến 85% cho rằng UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; có 81% nhận định UBND tỉnh rất năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh...

Cán bộ, công chức tỉnh Đồng Tháp thân thiện, phục vụ người dân, doanh nghiệp

Cán bộ, công chức tỉnh Đồng Tháp thân thiện, phục vụ người dân, doanh nghiệp

ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

UBND tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC. Qua đó, công khai, minh bạch các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin quan trọng như: thông tin về quy hoạch sử dụng đất, các kế hoạch đầu tư công, chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương. UBND tỉnh thực hiện chuyển đổi số theo 3 trụ cột: chính quyền số; kinh tế số; xã hội số với 5 nội dung: xây dựng dữ liệu số; xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, phấn đấu năm 2024 Đồng Tháp xếp vị trí thứ 29 trở lên về Chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh.

Hệ thống Thông tin chính quyền điện tử tỉnh từng bước được hoàn thiện, đang triển khai xây dựng kho dữ liệu dùng chung và nền tảng dữ liệu mở của tỉnh, dự kiến hoàn thành trong năm 2024 để phục vụ nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu cho các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng. Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo Trung tâm Chuyển đổi số triển khai vận hành có hiệu quả Cổng DVC và điều hành tác nghiệp nội bộ của tỉnh, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC); hệ thống hạ tầng phục vụ chính quyền số... nhằm hiện đại hóa công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường điện tử hóa trong giải quyết TTHC nhằm bảo đảm đến năm 2025, 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức DVC trực tuyến toàn trình.

Cùng với đó, triển khai có hiệu quả Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng hiện đại, chuyển đổi công nghệ mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng vùng phủ sóng..., đồng bộ với các hạ tầng liên quan khác. Đến nay, 100% khóm, ấp trên địa bàn tỉnh được phủ sóng thông tin di động, có đường truyền internet tốc độ cao đáp ứng tốt nhu cầu học tập, lao động sản xuất, kinh doanh; cung cấp trên các fanpage, Zalo OA của cơ quan nhà nước, cổng dữ liệu mở, bản đồ số... Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận, giải quyết tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả theo quy định...

Thanh Trúc

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/cai-cach-hanh-chinh/cai-thien-moi-truong-dau-tu-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-128103.aspx
Zalo