Thực hiện công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 với chủ đề 'Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS -Hướng tới chấm dứt dịch bệnh HIV vào năm 2030' diễn ra từ ngày 10/11 đến ngày 10/12 được tỉnh Ninh Bình xác định là đợt cao điểm huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt AIDS tại Ninh Bình vào năm 2030, giảm tối đa tác động của AIDS đến sự phát triển kinh tế-xã hội.

Ảnh trên: Pa-nô tuyên truyền Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh dưới: Ra quân tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện Nho Quan. Ảnh: Minh Quang

Ảnh trên: Pa-nô tuyên truyền Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh dưới: Ra quân tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện Nho Quan. Ảnh: Minh Quang

Đang làm công việc là nhân viên tiếp cận cộng đồng ở xã Đồng Hướng (Kim Sơn), chị Đặng Thị L chia sẻ: Cũng là một người nhiễm HIV và được điều trị ARV nhiều năm nay nên sức khỏe của tôi luôn ổn định, tham gia lao động, sản xuất bình thường như mọi người. Điều may mắn của tôi là khi được tiếp cận điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong quá trình mang thai nên con tôi sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Đây là động lực lớn để tôi nỗ lực hơn trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân, lao động tốt. Tôi tham gia làm công việc của nhân viên tiếp cận cộng đồng với mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, tuyên truyền để họ và những người xung quanh có kiến thức, hiểu biết để phòng chống căn bệnh này, góp phần làm giảm lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.

Chị Đặng Thị L là một trong nhiều trường hợp nhiễm HIV được điều trị từ Chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV đã triển khai tại 8 huyện, thành phố là những điểm nóng về ma túy, mại dâm và HIV/AIDS, thông qua 25 nhân viên tiếp cận cộng đồng và 3 nhóm tự lực CBOs thuộc Dự án thành phần VUSTA thực hiện.

Chương trình đã phát 87.028 chiếc bao cao su, 162.845 chiếc bơm kim tiêm; 294 hộp an toàn; chất bôi trơn là 8.605 gói; thu gom bơm kim tiêm đã sử dụng để tiêu hủy là 79.725 chiếc. Bên cạnh đó, hoạt động điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được chú trọng.

Toàn tỉnh có 6 cơ sở điều trị tại các Trung tâm y tế và 1 điểm cấp thuốc tại xã Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan) với số người bệnh hiện đang điều trị là 834 người, đạt 95,8% so với chỉ tiêu Sở Y tế giao, trong đó có 737 người điều trị liều duy trì đạt 88,3%. Điều trị nghiện bằng Methadone đã đáp ứng phần nào nguyện vọng của người nghiện ma túy, gia đình họ và của cộng đồng, giúp giảm tỷ lệ lây truyền các bệnh qua đường máu, giảm sử dụng lại heroin, giảm tội phạm do người nghiện gây ra, người bệnh sống ngoài cộng đồng vẫn tham gia lao động tăng nguồn thu nhập cho gia đình, ổn định các mối quan hệ với gia đình và xã hội…

Hoạt động xét nghiệm, theo dõi, giám sát dịch HIV/ AIDS được đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức xét nghiệm sàng lọc HIV như: xét nghiệm nhanh bằng dịch miệng, xét nghiệm máu đầu ngón tay qua các hình thức xét nghiệm tại cơ sở y tế, xét nghiệm tại cộng đồng, xét nghiệm lưu động và người có hành vi nguy cơ tự xét nghiệm (xét nghiệm HIV online) tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao tiếp cận tư vấn, xét nghiệm HIV.

Đồng thời triển khai ứng dụng các kỹ thuật xét nghiệm phát hiện nhiễm mới HIV giúp cho việc phát hiện sớm để khống chế dịch tránh lây nhiễm ra cộng đồng. Test và sinh phẩm được phân bổ và điều chuyển linh hoạt đáp ứng kịp thời công tác lấy mẫu xét nghiệm.

10 tháng năm 2024, đã thực hiện xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế cho 717/1.650 trường hợp, đạt 43,46%; xét nghiệm HIV lưu động cho 642/1.000 trường hợp, đạt 64,2%; xét nghiệm HIV tại cộng đồng do nhân viên tiếp cận cộng đồng thực hiện cho 360/710 trường hợp, đạt 50,7%... Đồng thời, mở rộng các phòng xét nghiệm khẳng định HIV xuống tuyến huyện nhằm tạo điều kiện cho người bệnh thuận tiện tiếp cận dịch vụ xét nghiệm.

Nhân viên tiếp cận cộng đồng cung cấp kim tiêm miễn phí cho đối tượng nghiện ma túy, góp phần làm giảm lây nhiễm HIV/AIDS.

Nhân viên tiếp cận cộng đồng cung cấp kim tiêm miễn phí cho đối tượng nghiện ma túy, góp phần làm giảm lây nhiễm HIV/AIDS.

Toàn tỉnh hiện có 3 phòng xét nghiệm khẳng định HIV là: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện đa khoa huyện Kim Sơn và Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn. Hiện tại, Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư, Tam Điệp, Bệnh viện đa khoa huyện Nho Quan đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục thẩm định đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định HIV. Đã triển khai xét nghiệm cho 25.887 lượt người; số người xét nghiệm có kết quả khẳng định dương tính với HIV là 109 trường hợp...

Đồng chí Phan Khắc Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Tại Ninh Bình, những năm qua đã triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp về xã hội, về chuyên môn kỹ thuật y tế trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai rộng rãi như: Truyền thông thay đổi hành vi, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình xét nghiệm phát hiện HIV tại các cơ sở y tế và cộng đồng; điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV; điều trị thuốc kháng vi rút HIV (ARV); triển khai khám, điều trị HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế..., qua đó đã góp phần từng bước kiểm soát tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Cùng với các hoạt động chuyên môn được triển khai để điều trị, xét nghiệm, giám sát dịch, các hình thức truyền thông cũng được đa dạng hóa với những nội dung, thông điệp phù hợp để nâng cao nhận thức trong cộng đồng, đặc biệt với người nhiễm HIV/AIDS, người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV, người nghiện chích ma túy về tác hại của ma túy và lợi ích điều trị thay thế các chất nghiện dạng thuốc phiện bằng methadone; lợi ích và hiệu quả của điều trị ARV sớm để họ tích cực tham gia điều trị; giảm kỳ thị phân biệt đối xử người nhiễm HIV, người nghiện chích ma túy để họ hòa nhập cộng đồng, từ đó nâng cao hiệu quả chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/ AIDS-Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”, tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS như: dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện HIV, điều trị sớm HIV/ AIDS và đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV hướng tới tăng tiếp cận dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân.

Đồng thời, quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Bài, ảnh: Bùi Diệu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thuc-hien-cong-bang-binh-dang-trong-tiep-can-dich-vu-phong-585110.htm
Zalo