Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc

Thổ nhưỡng và khí hậu lý tưởng của miền Bắc rất thích hợp cho các loại cây ăn quả như vải, nhãn, cam, bưởi... Việc xuất khẩu nông sản chính ngạch ngày càng mở rộng giúp miền Bắc có tiềm năng trở thành vựa trái cây lớn của cả nước.

Đối mặt với thách thức tiêu thụ

Là một trong những địa phương có diện tích cây ăn quả lớn, Hà Nội hiện sở hữu khoảng 13.000 ha trồng cây ăn quả. Đặc biệt, Thành phố tự hào với 22 giống cây trồng đặc sản, trong đó có 12 giống cây ăn quả nổi bật như: bưởi Diễn, bưởi đường Quế Dương, bưởi đỏ Mê Linh, bưởi Tháng Mười, cam đường Canh, phật thủ Đắc Sở, ổi Đông Dư và nhãn chín muộn.

Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, sản lượng thu hoạch chính của Thành phố tập trung vào cuối năm, đạt khoảng 200.000 tấn quả. Trong đó, riêng bưởi đã chiếm 100.000 tấn, chủ yếu được trồng tại các huyện Chương Mỹ, Phúc Thọ, và Đan Phượng.

Cũng sở hữu tiềm năng lớn với sản phẩm cây ăn quả, tỉnh Hòa Bình hiện có 16.000 ha cây ăn quả, trong đó các loại cây chủ lực như cam, bưởi, và chanh chiếm khoảng 10.000 ha, cùng với 1.200 ha nhãn và 1.500 ha chuối.

Sản phẩm bưởi đỏ của Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Sản phẩm bưởi đỏ của Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Ông Đinh Công Sứ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết hiện tỉnh đã xây dựng 88 mã số vùng trồng, trong đó 53 mã số dành riêng cho xuất khẩu. Đặc biệt, hơn 2.400 ha cây ăn quả đã đạt các chứng nhận an toàn như GlobalGAP, VietGAP và hữu cơ. Nhiều sản phẩm chủ lực như chuối, cam, và bưởi không chỉ tiêu thụ ổn định tại các siêu thị trong nước mà còn được xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ, Canada và châu Âu.

Mặc dù sản lượng lớn và chất lượng ổn định nhưng việc tiêu thụ cây ăn quả tại các tỉnh thành phía Bắc vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường nội địa. Xuất khẩu quả tươi còn gặp khó khăn do thiếu cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Chẳng hạn, Hàn Quốc yêu cầu xử lý quả bằng hơi nước nóng trước khi xuất khẩu, nhưng khu vực phía Bắc chưa có cơ sở hạ tầng phù hợp. Điều này khiến các container xuất khẩu phải vận chuyển vào miền Nam để xử lý, làm tăng chi phí lên đến 30%. Vì thế, thị trường xuất khẩu chủ yếu của các tỉnh thành phía Bắc hiện vẫn là Trung Quốc.

Ngoài ra, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ và hạn chế trong khâu bảo quản sau thu hoạch khiến sản phẩm dễ hư hỏng. Đồng thời, các tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với xuất khẩu ngày càng khắt khe, tạo thêm thách thức lớn cho nông sản khu vực này.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam hiện có khoảng 150 nhà máy chế biến rau quả sử dụng dây chuyền công nghệ hiện đại và khoảng 7.500 cơ sở chế biến, bảo quản nhỏ lẻ. Tuy nhiên, năng lực chế biến hiện tại chỉ đáp ứng được 10 - 17% tổng sản lượng rau, quả hàng năm, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch ở mức đáng báo động, lên tới hơn 20%.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart khu vực Hà Nội cho biết, hệ thống siêu thị luôn sẵn sàng hợp tác với các hợp tác xã và hộ sản xuất để tiêu thụ nông sản. Với yêu cầu cao về vệ sinh và an toàn thực phẩm, Co.opmart đặt tiêu chí minh bạch lên hàng đầu.

“Tất cả các đơn vị cung cấp cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ pháp lý, tránh phụ thuộc vào các khâu trung gian. Nếu gặp khó khăn, siêu thị sẽ đồng hành và hỗ trợ tháo gỡ”, bà Dung khẳng định.

Tăng cường xuất khẩu, mở rộng thị trường

Từ góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết Thành phố đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành trồng cây ăn quả. Trong đó, ưu tiên mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, đồng thời gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng bao tiêu.

Hà Nội cũng đang đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, áp dụng cơ giới hóa và công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Việc tổ chức sản xuất theo quy mô lớn đi đôi với xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Chính quyền địa phương cũng chú trọng đào tạo, tập huấn cho nông dân và hợp tác xã để quản lý mã số vùng trồng hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong vụ thu hoạch cuối năm, ngành nông nghiệp Hà Nội tích cực kết nối với doanh nghiệp nhằm đưa các sản phẩm như bưởi, cam, chuối, và táo vào kênh phân phối hiện đại. Đồng thời, Thành phố đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua hội chợ và các chương trình quảng bá, tìm kiếm thị trường mới. Mục tiêu là tăng cường xuất khẩu các loại quả đặc sản của Hà Nội, từ đó nâng cao giá trị nông sản địa phương.

Ông Trần Anh Hùng, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch 2, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề xuất giải pháp cụ thể cho thị trường tiêu thụ cây ăn quả. Đối với thị trường trong nước, cần xây dựng các sàn giao dịch nông sản trực tuyến để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thông tin.

Về xuất khẩu, ông nhấn mạnh việc duy trì thị trường truyền thống và mở rộng sang các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nga, ASEAN và châu Âu. Riêng với Trung Quốc, cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch nhằm đảm bảo sự ổn định và lâu dài.

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thuc-day-tieu-thu-san-pham-cay-an-qua-cac-tinh-phia-bac-d236241.html
Zalo