Thúc đẩy thực hiện dịch vụ công trong các tổ chức thành viên VUSTA

Về cơ bản, tại Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA), các tổ chức thành viên có đủ điều kiện cần thiết để tham gia thực hiện các dịch vụ công.

Hội thảo “Mô hình dịch vụ công ở các hội nghề nghiệp: Thực trạng và giải pháp” do VUSTA tổ chức ngày 22/11.

Hội thảo “Mô hình dịch vụ công ở các hội nghề nghiệp: Thực trạng và giải pháp” do VUSTA tổ chức ngày 22/11.

Tình hình triển khai thực hiện dịch vụ công trong các tổ chức thành viên thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam

Theo Điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam thì Liên hiệp có nhiệm vụ tham gia thực hiện các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển công đồng và xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, về cơ bản Liên hiệp Hội Việt Nam, các tổ chức thành viên có đủ điều kiện cần thiết để tham gia thực hiện các dịch vụ công.

Qua nghiên cứu tìm hiểu hoạt động của các hội nghề nghiệp, thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam cho thấy một số hội ngành đã triển khai các dịch vụ công trong các lĩnh vực giáo dục (Hội Tâm lý giáo dục), đào tạo và dạy nghề (Hội Tự động hóa, Hội KH&KT Nhiệt, Hội KH&KT Cầu đường, một số hội trong Tổng hội Xây dựng, Tổng hội Địa chất,…), tư vấn trong lĩnh vực xây dựng (Tổng hội Xây dựng), tư vấn pháp luật (Hội Luật gia), lập báo cáo tài chính, kiểm toán (Hội kế toán và Kiểm toán), hành nghề y (Một số hội trong Tổng hội Y), đánh giá năng lực để cấp chứng chỉ nghề (Hội Kiểm toán viên hành nghề),….

Những hạn chế và nguyên nhân trong việc chậm chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức hội nghề nghiệp

Nhìn chung trong những năm qua, các cơ quan nhà nước đã tích cực xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển các dịch vụ công. Do vẫn còn nhiều định kiến với các tổ chức hội ngoài Nhà nước nên các cơ chế, chính sách liên quan đến thúc đẩy phát triển dịch vụ công mới chỉ quan tâm và tác động đến các cơ quan công quyền và các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập. Các tổ chức xã hội, ngoài công lập, trong đó có các hội nghề nghiệp thành viên thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam còn khó có cơ hội tiếp cận việc thực hiện các dịch vụ công. Những hạn chế, rào cản và nguyên nhân như sau:

- Nhận thức của các cơ quan nhà nước, của công chức chưa chuyển biến kịp với chủ trương xã hội hóa dịch vụ công của Đảng và Nhà nước. Tư tưởng bao cấp rằng Nhà nước phải có trách nhiệm làm tất cả vẫn còn chi phối rất nặng trong các cơ quan công quyền.

- Trong xã hội, nhất là đối với cơ quan công quyền còn mang nặng tính chất bao cấp, khép kín, chỉ tin tưởng và an tâm khi giao nhiệm vụ cho các cơ quan tron hệ thống công quyền. Các cơ quan chức năng còn chưa tin tưởng vào năng lực, trình độ và còn hoài nghi về tư tưởng chính trị của các tổ chức xã hội, các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập nên khi nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách còn chưa thực sự quan tâm đến các loại tổ chức này.

- Các cơ quan, tổ chức nhà nước dù nhận thức đúng đắn chủ trương nhưng còn chưa sẵn sàng chuyển giao vì liên quan đến thực hiện dịch vụ công là quyền lợi. Vẫn cò năng tư tưởng cho rằng việc chuyển giao sẽ mất quyền lợi vật chất, là một kênh thu nhập quan trọng của công chức, viên chức.

- Việc thể chế hóa còn chậm và lúng túng, vì vậy, thiếu các hành lang pháp lý tạo điều kiện để các tổ chức xã hội thực hiện dịch vụ công. Thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể để tạo cơ hội cho các tổ chức xã hội, tổ chức ngoài công lập tiếp cận và thực hiện các dịch vụ công. Nhà nước chưa xây dựng được lộ trình chuyển giao cho các tổ chức xã hội. mặt khác các cơ quan quản lý sợ khó kiểm soát được chất lượng dịch vụ công do các tổ chức xã hội thực hiện.

- Năng lực thực tế thực hiện các dịch vụ công của các tổ chức hội nghề nghiệp, tổ chức ngoài công lập chưa được xác định rõ ràng. Thiếu các công cụ, tiêu chuẩn, tiêu chí để đo lường, đánh giá năng lực thực hiện dịch vụ công của các loại hình tổ chức này.

Kiến nghị các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức hội nghề nghiệp, tổ chức ngoài công lập

Theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” có nêu rõ chủ trương: “Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường và thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công”. Để thực hiện chủ trương đó, cần thực hiện các giải pháp sau:

- Xây dựng hành lang pháp lý: Để hoàn thiện chính sách cung ứng dịch vụ công, cần sớm xây dựng luật về cung ứng dịch vụ công, bởi tính bao quát, đa ngành đa lĩnh vực với sự tham gia của nhiều chủ thể cả khu vực nhà nước và xã hội. Luật cần tập trung giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và cơ sở cung ứng dịch vụ công, cơ sở cung ứng dịch vụ công và xã hội, người dân, doanh nghiệp; chấn chỉnh những hành vi các chủ thể nhà nước, xã hội, doanh nghiệp và người dân cản trở cung ứng hoặc làm giảm đi chất lượng dịch vụ công. Do môi trường hoạt động của khu vực ngoài nhà nước còn chưa ổn định nên cần phải nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn khuyến khích, tạo điều kiện, thiết lập môi trường hoạt động bình đẳng, cạnh tranh cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

- Ban hành danh mục dịch vụ công: Mỗi lĩnh vực, ngành, địa phương cần phải ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và không sử dụng ngân sách. Dựa trên danh mục dịch vụ công, lập quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập được giao thực hiện dịch vụ công. Bên cạnh các đơn vị công lập sẽ có các tổ chức ngoài công lập tham gia theo phương thức xã hội hóa dưới các hình thức Nhà nước chuyển giao trách nhiệm cung ứng dịch vụ công cho một số tổ chức ngoài nhà nước có điều kiện thực hiện có hiệu quả hoặc Nhà nước ủy quyền cho các tổ chức xã hội hay các công ty tư nhân cung ứng một số dịch vụ mà Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm. Nhà nước ban hành danh mục các dịch vụ công được tư nhân hóa.

- Nâng cao nhận thức trong xã hội về quyền và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc thực hiện các dịch vụ công vì cộng đồng, vì xã hội. Cần thống nhất nhận thức rằng thực hiện dịch vụ công không chỉ của các cơ quan, tổ chức của Nhà nước mà là của tất cả các loại pháp nhân có đủ điều kiện thực hiện. Nhà nước chỉ làm những gì xã hội không thể, những loại dịch vụ nào mà xã hội có thể làm tốt hơn, hiệu quả hơn thì cần giao cho các tổ chức xã hội hực hiện.

- Thực hiện các chương trình khuyến khích xã hội hóa các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công. Đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa,… có đủ điều kiện thành doanh nghiệp, bao gồm cả hình thức công ty cổ phần.

- Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách liên quan đến ổn định cơ sở vật chất, kỹ thuật để các tổ chức xã hội thực hiện dịch vụ công hoạt động. Khuyến khích bằng cho thuê mặt bằng; giao đất lâu dài, cho thuê đất để thực hiện cung ứng dịch vụ công; xây dựng cơ sở vật chất cho các tổ chức xã hội thuê để sử dụng; giảm lệ phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi về tín dụng cho đơn vị cung ứng dịch vụ công; trợ giúp trong huy động vốn; khuyến khích đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; khen thưởng, tôn vinh các đơn vị cung ứng dịch vụ công ngoài xã hội; xử lý tài sản giúp thúc đẩy quá trình xã hội hóa đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Các kiến nghị để thúc đẩy việc tiếp nhận và thực hiện dịch vụ công trong các hội nghề nghiệp thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam

Để thúc đẩy việc thực hiện các dịch vụ công trong các hội nghề nghiệp trong hệ thống, LHHVN và các hội cần triển khai các hoạt động sau:

- Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên cần tích cực, chủ động đề xuất với các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh việc xã hội hóa dịch vụ công, tham gia đề xuất danh mục cụ thể các dịch vụ công cần chuyển giao và lộ trình chuyển giao phù hợp.

- Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên cần lựa chọn, xác định cụ thể các loại hình dịch vụ công mà tổ chức mình có khả năng thực hiện tốt nhất. Trước mắt, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên cần tập trung vào các lĩnh vực tư vấn và trong hoạt động đào tạo, kiểm tra, đánh giá phục vụ việc cấp chứng chỉ hành nghề. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định chuyên nghiệp theo đặt hàng là một một nội dung quan trọng cần đẩy mạnh trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.

Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên cần tăng cường cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để có đủ năng lực thực hiện dịch vụ công dược giao. Cần củng cố tổ chức theo hướng chuyên nghiệp với đội ngũ nhân lực tinh thông nghiệp vụ. Tích cực xây dựng tổ chức theo hướng mở để thu hút thêm nhiều chuyên gia, cán bộ giỏi tham gia hoạt động này theo các hình thức chuyên trách, kiêm nhiệm hoặc cộng tác viên. Tích cực thu hút cán bộ trẻ có năng lực chuyên môn tốt tham gia vào hoạt động hội.

- Tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa Liên hiệp Hội và các tổ chức thành viên là các Hội ngành toàn quốc trong việc thực hiện dịch vụ công, đặc biệt khi được giao việc quản lý hành nghề.

- Chủ động hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, chủ động đề xuất nhiệm vụ dịch vụ công và kịp thời phản ánh những vướng mắc, chủ động kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền các đề xuất giải quyết. Tăng cường, chủ động phối hợp, hợp tác với các tổ chức khác cùng hoạt động trong lĩnh vực để tạo thành mạng lưới hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vức dịch vụ công.

- Thường xuyên tổng kết thực tế, rút kinh nghiệm và bài học từ hoạt động này, đồng thời kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền từng bước hoàn thiện thể chế chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội, trong đó có Liên hiệp Hội và các hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.

TS Phạm Văn Tân

Ủy viên HĐTW Liên hiệp Hội Việt Nam

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thuc-day-thuc-hien-dich-vu-cong-trong-cac-to-chuc-thanh-vien-vusta-95032.html
Zalo