Thúc đẩy tăng trưởng logistics trong tình hình mới
Trong 2 ngày 01 và 02/12, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Diễn đàn logistics Việt Nam 2024, với chủ đề 'Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics'. Đây là dịp để các chuyên gia và doanh nghiệp tìm các giải pháp thúc đẩy ngành logistics trong thời gian tới.
Tận dụng cơ hội thu hút đầu tư
Logistics là ngành dịch vụ quan trọng, hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển dịch vụ logistics gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin... sẽ đem lại giá trị cao, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics với hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp. Những dịch vụ đi kèm cũng đang đáp ứng kịp thời yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu đã cải thiện đáng kể.
Đặc biệt, thời gian gần đây có sự bùng nổ về thương mại điện tử và logistics cho thương mại điện tử. Theo báo cáo năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm trước. Theo đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (tính đến thời điểm hiện tại, theo Statista). Những thay đổi trong thương mại điện tử góp phần thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện phương thức cung cấp dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14% - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng thứ hạng với Philippines). Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 14 - 16%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua. Tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức 681 tỷ USD, bằng 158% GDP cả nước.
Việc triển khai các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và thế hệ mới đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới năm 2024 dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Gia tăng căng thẳng địa chính trị, xung đột phức tạp và kéo dài tại một số khu vực trên thế giới, các cuộc tấn công hoạt động vận tải tại Biển Đỏ đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Ngoài ra, xu hướng phát triển bùng nổ của thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới, cùng với yêu cầu ngày càng cao về logistics xanh, phát triển bền vững vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức với ngành dịch vụ logistics Việt Nam.
Trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn, cơ hội và thách thức đan xen, việc tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 nhằm thảo luận, đề xuất và kiến nghị triển khai nhiều giải pháp phát triển dịch vụ logistics. 2024 là năm chuẩn bị cho việc hoàn thiện và ban hành Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với những định hướng lớn và giải pháp đột phá để tiếp tục tận dụng thời cơ, đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Diễn đàn logistics Việt Nam là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương tổ chức từ năm 2013, nhằm phối hợp đồng bộ các hoạt động để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất và xuất nhập khẩu. Đây cũng là nơi đối thoại, cập nhật thông tin về các vấn đề cấp thiết của dịch vụ logistics tại Việt Nam và thế giới.
Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics như nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực phát triển năng động của thế giới, có nền kinh tế đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, là thị trường mới nổi thứ tám có sức tiêu thụ lớn, thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh, là trung tâm sản xuất mới của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lý hướng biển, thuận lợi cho vận tải quốc tế với bờ biển dài 3.260km, có nhiều cảng nước sâu, sân bay quốc tế, hệ thống đường sắt xuyên quốc gia và mạng lưới giao thông thuận lợi...
Thời gian qua, Việt Nam tích cực nghiên cứu về các khu thương mại tự do trên thế giới. Đây là loại hình khu kinh tế có thể mang lại nhiều lợi ích, góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics. Hiện tại, Việt Nam chưa có khu thương mại tự do. Vừa qua, TP.Đà Nẵng được Quốc hội thông qua cơ chế thí điểm thành lập khu thương mại tự do, là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.
Riêng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi được chọn để tổ chức diễn đàn logistics năm 2024, theo các chuyên gia, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải đã và đang khẳng định vị thế là trung tâm logistics hàng đầu của khu vực Đông Nam Bộ. Đây là một trong những cụm cảng lớn nhất thế giới, có khả năng tiếp nhận tàu siêu trọng tải từ 80 - 250 ngàn tấn, vận chuyển hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước, trở thành đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhờ hệ thống giao thông kết nối cảng biển với sân bay quốc tế Long Thành và các khu công nghiệp lớn, logistics được xác định là một trong bốn trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh những lợi thế về vị trí, hiện ngành logistics của Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đang phải đối mặt với thách thức về hạ tầng và thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, cần thiết phải ứng dụng công nghệ hiện đại và cải thiện đào tạo nhân lực để nâng cao năng lực cạnh tranh. Với chiến lược đầu tư bài bản và tiềm năng lớn, Bà Rịa - Vũng Tàu đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực và quốc gia.
Diễn đàn năm nay góp phần thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và doanh nghiệp liên quan đến việc thành lập, đầu tư, phát triển khu thương mại tự do nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và hội nhập kinh tế quốc tế, định hướng và khuyến khích các tập đoàn logistics đa quốc gia cũng như các doanh nghiệp logistics lớn quan tâm, chủ động hợp tác đầu tư trong việc vận hành chuỗi cung ứng để sớm nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.