Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng khó khăn

Các đại biểu Quốc hội đề nghị sớm có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), góp phần thúc đẩy tăng trưởng ở những vùng đặc biệt khó khăn.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho các địa phương khó khăn về hạ tầng

Tại Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Chính phủ xác định, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiên mục tiêu tăng trưởng là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG; trong đó khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư CTMTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 để thực hiện ngay trong năm 2025.

Đồng tình với giải pháp được Chính phủ đề ra, đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) cho rằng, năm 2025 là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm, cả nước phải tập trung thực hiện một khối lượng công việc rất lớn; vừa phải đảm bảo thực hiện được các công trình, dự án trọng điểm, vừa đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển, chăm lo đời sống người dân, thực hiện các CTMTQG... nên rất cần khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư, huy động vốn đầu tư toàn xã hội.

Vì vậy, đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét đề xuất của Chính phủ về tăng mạnh đầu tư công, chấp nhận bội chi ngân sách cao hơn năm trước và tăng tín dụng trong điều kiện lạm phát đạt mục tiêu dưới 5%.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2024, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an sinh xã hội, y tế, giáo dục, môi trường… tiếp tục được đầu tư, phát triển với kết quả rõ nét hơn. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1%, đạt mục tiêu đề ra. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam xếp thứ 54 thế giới, tăng 11 bậc so với năm 2023; Chỉ số phát triển bền vững (SDGs) xếp thứ 54, tăng 1 bậc.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đánh giá, đối với các địa phương, việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra nhiều thách thức lớn. Đặc biệt, nhiều địa phương khu vực Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc vẫn thiếu hệ thống giao thông kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế lớn, làm giảm tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Để hỗ trợ các địa phương, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành trung ương hoàn thiện thể chế và chính sách phát triển bền vững. Theo đó, cần tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho các địa phương có tiềm năng nhưng còn gặp nhiều khó khăn về hạ tầng, nguồn lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.

Cùng với đó, Trung ương cần ưu tiên ngân sách đầu tư vào hệ thống giao thông huyết mạch, như cao tốc, đường sắt, cảng biển, sân bay để tăng cường kết nối giữa các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm; tiếp tục có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo lao động chất lượng cao theo nhu cầu doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số; xây dựng các cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài, góp phần ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám từ địa phương lên các thành phố lớn hoặc ra nước ngoài.

Đồng thời, đại biểu đề nghị tiếp tục có chính sách hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên, đẩy mạnh đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo, mô hình kinh tế xanh - kinh tế tuần hoàn nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

“Trung ương cần có chính sách hỗ trợ các địa phương phát triển du lịch bền vững, có cơ chế khuyến khích, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt đối với các dân tộc thiểu số” - đại biểu Thạch Phước Bình nói.

Giải quyết các tồn tại trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Nhấn mạnh quan điểm cần làm mới các động lực tăng trưởng cũ bằng những giải pháp quyết liệt hơn để thúc đẩy tăng trưởng, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý đầu tư công; bảo đảm giải ngân được số vốn đầu tư công đã giao dự toán và bổ sung thêm.

“Cần có giải pháp thực chất, hiệu quả để thu hút đầu tư xã hội, thực hiện thành công chủ trương lấy “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; lưu ý giải quyết các tồn tại trong giải ngân đầu tư công và các CTMTQG” - đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị sớm có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các CTMTQG. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị sớm có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các CTMTQG. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Làm rõ hơn vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Nghị quyết 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG, hiện nay nhiều địa phương không dám làm.

“Nhiều địa phương phản ánh không có hướng dẫn của Trung ương thì không dám chuyển nguồn, bởi theo quy định là không được vượt tổng mức đầu tư của chương trình này. Trong khi đó, nhiều dự án, tiểu dự án, nhu cầu, đối tượng không còn nhưng không dám chuyển sang chương trình khác, hoặc chuyển sang dự án khác, nhất là ở các địa phương khó khăn” - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai, nhất là "đất vàng của các Bộ và đất nông, lâm trường, ngay cả hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai cũng chưa kịp thời, chưa đủ thời gian để phát huy hiệu quả".

Hay Luật Địa chất và khoáng sản cũng vướng về thu hồi đất. Theo Luật này, Nhà nước giao đất và cho thuê đất đối với chủ đầu tư để thực hiện khai thác khoáng sản. Thực tế, chúng ta chủ yếu thu hồi đất và giao doanh nghiệp khai thác, sau đó hoàn thổ. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cách làm này rất lãng phí, bởi khai thác lộ thiên hoàn trả rất nhanh, chỉ trong 1-2 năm.

“Thay vì Nhà nước thu hồi đất cho doanh nghiệp thuê hoặc giao đất cho doanh nghiệp thì nên hướng dẫn theo hình thức doanh nghiệp thuê đất của dân. Trong thời gian khai thác, doanh nghiệp bảo đảm sinh kế cho người dân, sau đó hoàn thổ và trả lại đất cho người dân. Như vậy, người dân không mất đất và đất hoàn thổ trả lại cũng rất tốt” - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm và đề nghị, cần sớm tháo gỡ vấn đề này.

Tương tự, Luật Lâm nghiệp cũng có những “ách tắc” như quy hoạch rừng, đất lâm trường, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, sinh kế dưới tán rừng, tín chỉ carbon rừng... Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật này trong năm 2025.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến (Đoàn An Giang) chỉ rõ, việc thực hiện các CTMTQG rất chậm. Vì vậy phải đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, đặc biệt Chính phủ cần sớm tổng kết CTMTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1, chuẩn bị cho triển khai giai đoạn 2 (2025-2030).

“Thực hiện tốt các CTMTQG chính là góp phần thúc đẩy tăng trưởng ở những vùng đặc biệt khó khăn” - đại biểu Hoàng Hữu Chiến nhấn mạnh./.

NGUYÊN AN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/thuc-day-tang-truong-kinh-te-vung-kho-khan-38255.html
Zalo