Thúc đẩy sự tham gia chủ động của trẻ em

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo thành lập 36 Câu lạc bộ 'Thủ lĩnh của sự thay đổi', với sự tham gia của gần 1.000 em học sinh. Qua đó, các em không chỉ được trang bị kiến thức bổ ích để tự bảo vệ mình, mà còn thúc đẩy sự tham gia chủ động của trẻ em vào quá trình xây dựng, phản biện các chính sách, chương trình liên quan đến trẻ em.

Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là mô hình của Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Tại Thái Nguyên, Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được xây dựng theo hướng là nơi chia sẻ thông tin, giúp học sinh vùng khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số có thêm kiến thức về tâm lý lứa tuổi, giới tính, kỹ năng giao tiếp.

Cuộc thi sinh hoạt mẫu Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường Tiểu học và THCS Xuất Tác (huyện Võ Nhai) năm 2024.

Cuộc thi sinh hoạt mẫu Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường Tiểu học và THCS Xuất Tác (huyện Võ Nhai) năm 2024.

Nhằm thực hiện mục tiêu huy động sự tham gia của trẻ em vào hoạt động thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em và bình đẳng giới tại các trường học, cộng đồng nơi các em sinh sống, từ năm 2022 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo thành lập 36 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cấp tỉnh thành lập 12 Câu lạc bộ, cấp huyện thành lập 24 Câu lạc bộ, với sự tham gia của gần 1.000 em học sinh.

Câu lạc bộ hoạt động với sự định hướng thông tin, hướng dẫn cách thức hoạt động của các dẫn trình viên là giáo viên, Tổng phụ trách Đội trong các nhà trường và cán bộ Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên ở cộng đồng. Các thành viên Câu lạc bộ được chia sẻ thông tin kiến thức bổ sung về tâm lý lứa tuổi, giới tính, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp ngoài các buổi học chính khóa tại trường…

Thông qua các hoạt động trên góp phần thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, bồi dưỡng các kỹ năng sống về tự khám phá nhận thức, kỹ năng giao tiếp ứng xử trong gia đình, nhà trường, cộng đồng. Bên cạnh đó, thành viên của các Câu lạc bộ là những hạt nhân tiên phong trong thực hiện thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, hủ tục trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được xây dựng theo hướng là nơi chia sẻ thông tin, giúp học sinh vùng khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số có thêm kiến thức về tâm lý lứa tuổi, giới tính, kỹ năng giao tiếp.

Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được xây dựng theo hướng là nơi chia sẻ thông tin, giúp học sinh vùng khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số có thêm kiến thức về tâm lý lứa tuổi, giới tính, kỹ năng giao tiếp.

Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của Trường THCS Đông Bo (xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) được thành lập từ tháng 1/2023 với 30 thành viên gồm các học sinh DTTS từ lớp 6 đến lớp 9, CLB sinh hoạt mỗi tháng 1 lần với những chủ đề khác nhau như: Bạo lực họ đường, luật bình đẳng giới, quyền của trẻ em, đặc biệt là vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, các vấn đề về sức khỏe sinh sản, tảo hôn. Qua thảo luận nhóm, nhập vai vào tiểu phẩm, trò chơi kết nối… các em được tạo điều kiện để giao lưu, trải nghiệm và phát huy sở trường, thế mạnh của mình.

Trường Phổ thông bán trú THCS xã Tân Long (huyện Đồng Hỷ) với trên 90% học sinh là người dân tộc thiểu số, hầu hết các em cũng như người thân chưa quan tâm và hiểu về vấn đề bình đẳng giới. Vì thế, hoạt động Câu lạc bộ đã thực sự giúp đổi thay nhận thức giúp các em tự tin mạnh dạn hơn. Tham gia Câu lạc bộ, các em đều chia sẻ bản thân đã tự tin hơn, mạnh dạn trước đám đông, đặc biệt các em được thoải mái chia sẻ những điều khó nói với thầy cô và các bạn trong Câu lạc bộ. Đặc biệt, các em còn được tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường, vấn đề chăm sóc sức khỏe vị thành niên... đó là những vấn đề rất hữu ích với mỗi học sinh.

Tại buổi sinh hoạt có chủ đề "An toàn trên không gian mạng cho trẻ em" của Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại Trường THCS Bàn Đạt (xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) mới đây đã thu hút sự chú ý, tham gia của nhiều em học sinh.

Thông qua buổi sinh hoạt, các em đã được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước những thông tin xấu, thông tin độc hại trên mạng xã hội. Các em đã biết được các thông tin cảnh báo lừa đảo, các thủ đoạn lừa đảo qua mạng và cảnh báo người thân của mình tỉnh táo, cảnh giác trước những hành vi lừa đảo trên không gian mạng.

Em Lục Thị Kiều Chinh - học sinh lớp 9A, Trường THCS Bàn Đạt chia sẻ, các hoạt động của Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" đã trang bị cho chúng em những kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em, giúp chúng em nhận thức và có hành vi ứng xử đúng đắn trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em. Em thấy các chủ đề hoạt động, các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ rất gần gũi, thiết thực, chúng em đều mạnh dạn hơn khi trình bày quan điểm, ý kiến của mình.

Thầy Nguyễn Minh Thảo - Hiệu trưởng Trường THCS Bàn Đạt, cho biết: "Trước đây, Bàn Đạt là xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Bình. Hiện tại, đời sống chung của người dân, của học sinh đã tốt hơn, điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ giáo dục của trường cũng đã tốt hơn. Với đặc điểm có nhiều học sinh người dân tộc, bên cạnh việc học tập, các em còn cần được trang bị thêm những kiến thức và kĩ năng sống. Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" đã hoạt động hiệu quả, giúp các em thay đổi sâu sắc cách nghĩ, cách học, cách làm, giúp các em có thêm sự tự tin, dám nói lên tiếng nói của chính mình".

Có thể nói, mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi" do các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh Thái Nguyên phối hợp với một số đơn vị trường học thành lập đã tạo nên một sân chơi, một diễn đàn bổ ích dành cho trẻ em ở vùng dân tộc và miền núi. Việc tổ chức đa dạng các hoạt động dưới hình thức tổ chức trò chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, phù hợp với lứa tuổi là cách tuyên truyền hiệu quả đã được thực hiện tại Thái Nguyên.

Thành Phát

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/thuc-day-su-tham-gia-chu-dong-cua-tre-em-d5748.html
Zalo