Người đề ra nhiều sáng kiến phát triển giáo dục vùng khó

Giáo dục Quảng Trị vươn lên từ khó khăn, có bước phát triển vượt bậc về chất lượng có sự đóng góp rất lớn của Nhà giáo Nhân dân Lê Phước Long.

Thầy Lê Phước Long được biết đến là người đã đề ra nhiều chủ trương để phát triển giáo dục vùng khó Quảng Trị.

Thầy Lê Phước Long được biết đến là người đã đề ra nhiều chủ trương để phát triển giáo dục vùng khó Quảng Trị.

Vĩnh biệt nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”

Hôm nay, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị tiễn biệt người thầy giáo được nhiều thế hệ học sinh yêu mến và kính trọng. Đó là Nhà giáo Nhân dân (NGND) Lê Phước Long, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị.

Thầy cũng là Nhà giáo Nhân dân duy nhất của địa phương đến thời điểm này được Nhà nước vinh danh.

Thầy Lê Phước Long được biết đến là người đã đề ra nhiều chủ trương để phát triển giáo dục vùng khó Quảng Trị, người đặt nền móng cho việc đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi.

 TS NGƯT Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT tặng hoa cho thầy Lê Phước Long (bên trái) và các cựu lãnh đạo Sở nhân Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

TS NGƯT Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT tặng hoa cho thầy Lê Phước Long (bên trái) và các cựu lãnh đạo Sở nhân Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Đặc biệt, thầy Long là người khởi xướng chủ trương bỏ thi tốt nghiệp tiểu học với Bộ GD&ĐT và Quảng Trị được chọn làm thí điểm...

NGND Lê Phước Long (SN 1947), ở thôn Sa Nam, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Thầy từ trần khi bước sang tuổi 79 do tuổi cao, sức yếu.

Năm 1969, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh, thầy giáo trẻ Lê Phước Long tình nguyện trở về với quê hương Quảng Trị. Bắt đầu từ đó, thầy gắn bó trọn đời với sự nghiệp “trồng người” trên quê hương.

NGND Lê Phước Long được Bộ GD&ĐT phân công công tác Ty Giáo dục khu vực Vĩnh Linh, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 7/1989, tỉnh Quảng Trị được tái lập, thầy Lê Phước Long đến nhận nhiệm vụ tại Sở GD&ĐT Quảng Trị. Từ năm 2000 đến 2009, thầy là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị.

Trong quá trình công tác, NGND Lê Phước Long đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét đối với ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị và cả nước.

Nhiều sáng kiến đột phá phát triển giáo dục

Lãnh đạo ngành Giáo dục ở một tỉnh mới bước ra từ chiến tranh, điều kiện kinh tế khó khăn, đội ngũ giáo viên và nguồn lực tài chính còn thiếu, ông luôn trăn trở tìm giải pháp sáng tạo để tạo quyết tâm của nội bộ ngành và đột phá bên ngoài để tạo nên nguồn lực mới, tạo cơ chế mới để phát triển sự nghiệp giáo dục.

Năm 2000, khi mới đảm nhiệm Giám đốc Sở GD&ĐT, thầy Long chọn chủ đề “Chấn hưng đội ngũ; chấn chỉnh nề nếp kỷ cương để làm chất lượng”, trong đó tập trung lựa chọn giáo viên giỏi toàn tỉnh bổ sung cho Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của trường, đáp ứng yêu cầu đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh.

Từ đó, chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn của học sinh trường chuyên có nhiều chuyển biến rõ rệt.

 Với 79 năm tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, Nhà giáo nhân dân Lê Phước Long đã có nhiều cống hiến sự nghiệp Giáo dục.

Với 79 năm tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, Nhà giáo nhân dân Lê Phước Long đã có nhiều cống hiến sự nghiệp Giáo dục.

Năm sau đó, thầy Long thống nhất chủ trương xây dựng Đề án: “Năm Giáo dục Quảng Trị” trình Tỉnh ủy, HĐND và UBND thông qua. Đề án đã để lại dấu ấn sâu sắc không chỉ đối với ngành Giáo dục mà còn đối với toàn xã hội. Nhiều trường học cao tầng kiên cố và hàng trăm công trình được xây dựng.

Đặc biệt, có 38 trường học cao tầng kiên cố và hơn 200 công trình mang tên “Công trình Năm Giáo dục- 2001” được xây dựng từ nguồn vốn của các huyện, các trường, vốn xã hội hóa và vốn chương trình dự án nước ngoài tổng cộng gần 45 tỉ đồng.

Vào thời điểm đó, việc đầu tư hàng chục tỉ đồng cho giáo dục ở một địa phương nghèo, hậu quả chiến tranh còn rất nặng nề như Quảng Trị mang ý nghĩa to lớn.

Năm 2003, Đề án “Thành lập Đoàn giáo viên tình nguyện chi viện giáo dục vùng khó thực hiện phổ cập THCS” do thầy Long đề xuất được thông qua.

Chủ đề trọng tâm ngành GD&ĐT tập trung chỉ đạo quyết liệt là: “Toàn tỉnh hợp lực giúp vùng khó miền núi thực hiện phổ cập giáo dục THCS” đã tạo phong trào sôi nổi góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phổ cập Giáo dục THCS của tỉnh Quảng Trị vào năm 2005 (về đích trước thời gian 5 năm so với kế hoạch của cả nước và kế hoạch của tỉnh).

NGND Lê Phước Long cũng đã là người khâu nối và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa ngành và xã hội, giữa Quảng Trị và các tỉnh bạn, làm cho hình ảnh của giáo dục Quảng Trị được biết đến nhiều hơn với một dấu ấn rất riêng và những thành quả nổi bật.

Khởi xướng chủ trương bỏ thi tốt nghiệp tiểu học

Năm 2002, trên cương vị Giám đốc Sở GD&ĐT , thầy Long là người khởi xướng, đề xuất với Bộ GD&ĐT chủ trương bỏ thi tốt nghiệp Tiểu học.

Đề xuất này được Bộ GD&ĐT chấp nhận cho Quảng Trị thí điểm. Đây là cơ sở thực tiễn rất quan trọng để Quốc hội sửa Luật Giáo dục cho bỏ thi, thay bằng việc xét tốt nghiệp cấp Tiểu học.

Chỉ tính riêng tỉnh Quảng Trị, sáng kiến này của Nhà giáo Lê Phước Long đã tiết kiệm cho ngân sách địa phương hàng năm trên 1,7 tỉ đồng.

TS.NGƯT Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, NGND Lê Phước Long là một tấm gương điển hình toàn diện, là người lãnh đạo sáng suốt, tận tâm; một người thầy với trái tim yêu thương, chân tình và độ lượng.

Những bài giảng của thầy không chỉ là kiến thức, mà còn là bài học về cuộc sống, về tình yêu thương và lòng nhân ái. Các thế hệ học trò đều nhắc về thầy với sự kính trọng và biết ơn sâu sắc.

“Nói đến NGND Lê Phước Long là nói đến một nhân cách sống đẹp đẽ, hội tụ những tiêu chuẩn đạo đức thẩm mỹ của dân tộc. Đó là sự chân thành, bao dung, lòng vị tha, nhân từ và hết lòng thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp và các thế hệ học trò”, TS Lê Thị Hương cho hay.

Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, NGND Lê Phước Long được trao tặng nhiều Huân, huy chương và các danh hiệu cao quý, như Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng; Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; 2 Huân chương lao động hạng Ba, Bằng khen của Bộ GD&ĐT và rất nhiều Bằng khen, Kỷ niệm chương, danh hiệu khác.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-de-ra-nhieu-sang-kien-phat-trien-giao-duc-vung-kho-post710206.html
Zalo