Thúc đẩy SME chuyển đổi xanh, đóng góp vào mục tiêu Net Zero

Trong bối cảnh Việt Nam đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nổi lên như một lực lượng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Minh Hải - Phó chủ tịch Cộng đồng Chuyển đổi Xanh và Phát triển Bền vững (GXS), đại diện Sáng kiến Quản trị Khí hậu Việt Nam (CGI Vietnam) về vai trò, cơ hội, cũng như thách thức mà các doanh nghiệp (DN) SME cần vượt qua trong hành trình này.

Ông Huỳnh Minh Hải - Phó chủ tịch Cộng đồng Chuyển đổi Xanh và Phát triển Bền vững (GXS)

Ông Huỳnh Minh Hải - Phó chủ tịch Cộng đồng Chuyển đổi Xanh và Phát triển Bền vững (GXS)

* Nói một cách khái quát ngắn gọn nhất về tác động của biến đổi khí hậu, ông nhận định thế nào?

- Việt Nam đang đối mặt với các thách thức từ biến đổi khí hậu, bao gồm mực nước biển dâng cao, thời tiết cực đoan, hạn hán, lũ lụt và xâm nhập mặn, gây gián đoạn sản xuất nông nghiệp, phá hủy cơ sở hạ tầng và đe dọa sinh kế của người dân. Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới hàng tỷ USD mỗi năm. Nếu không có các biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, trong vài thập kỷ tới, nhiệt độ và mực nước biển dâng cao có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP, buộc hàng triệu người phải di dời và làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng.

Nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự phát triển kinh tế và xã hội thiếu bền vững, biểu hiện qua việc khai thác tài nguyên một cách quá mức, phá rừng, gây ô nhiễm môi trường, và làm suy thoái tài nguyên đất, nước cùng đại dương. Thêm vào đó, lượng khí nhà kính phát thải từ các lĩnh vực công nghiệp, giao thông và nông nghiệp đã làm nhiệt độ toàn cầu gia tăng, góp phần đáng kể vào tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

* Việt Nam cam kết mạnh mẽ giảm phát thải hướng tới Net Zero. Theo ông, các DN SME có vai trò thế nào trong việc thực hiện mục tiêu này?

- Theo tôi, các DN SME đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu Net Zero của Việt Nam vào năm 2050. Với tỷ lệ chiếm tới 98% tổng số DN trên cả nước, đóng góp hơn 40% GDP và tạo việc làm cho một lực lượng lao động đáng kể. Các DN này không chỉ góp phần giảm phát thải khí nhà kính mà còn thúc đẩy phát triển bền vững, tạo nền tảng cho sự chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh.

* Cụ thể, DN SME có thể giảm phát thải như thế nào, thưa ông?

- DN SME có thể thực hiện nhiều biện pháp thiết thực để giảm phát thải và đóng góp vào mục tiêu chung. Một số giải pháp quan trọng bao gồm việc áp dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất và vận hành. Việc triển khai các công nghệ bền vững, từ sản xuất carbon thấp đến nông nghiệp bền vững, cũng là cách để các DN nhỏ và vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, các DN này có thể tập trung vào bảo tồn nguồn nước, sử dụng đất hợp lý và phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt tại các khu vực nông thôn. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội một cách đồng bộ và bền vững.

* Vậy các DN SME gặp phải những khó khăn gì trong quá trình thực hiện vai trò này?

- DN SME đang đối mặt với rất nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi xanh. Đầu tiên là vấn đề thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết để áp dụng các giải pháp xanh, cũng như điều hướng theo các yêu cầu pháp lý ngày càng phức tạp. Nhiều DN chưa được tiếp cận với các thông tin đầy đủ về rủi ro khí hậu hoặc cách triển khai các sáng kiến bền vững.

Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính hạn chế cũng là một trở ngại lớn. Công nghệ xanh thường đòi hỏi chi phí đầu tư cao, trong khi các SME khó tiếp cận được các khoản vay hoặc tài trợ xanh do điều kiện khắt khe. Hơn nữa, khung pháp lý liên quan đến giảm phát thải và báo cáo xanh ở Việt Nam hiện nay còn chưa đủ rõ ràng và đồng bộ, khiến các DN nhỏ lúng túng trong việc thực hiện.

Ngoài ra, các DN SME còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các DN lớn đã áp dụng mô hình kinh tế xanh, trong khi bản thân họ thường có biên lợi nhuận hẹp và không đủ nguồn lực để đầu tư lâu dài cho các sáng kiến xanh.

SME có vai trò quan trọng hướng đến đạt được mục tiêu Net Zero năm 2050

SME có vai trò quan trọng hướng đến đạt được mục tiêu Net Zero năm 2050

* Theo ông, DN SME cần làm gì để nâng cao năng lực thích ứng và đóng góp vào hành động quốc gia về khí hậu?

- Để nâng cao năng lực chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, DN SME cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Một trong những hành động quan trọng nhất là đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và năng lượng gió, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tiết kiệm chi phí dài hạn. Việc triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn, tập trung vào giảm chất thải và tái chế vật liệu, cũng là hướng đi thiết thực giúp bảo vệ môi trường.

Song song đó, DN SME cần đầu tư vào đào tạo và nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý và nhân viên về biến đổi khí hậu cũng như các kỹ năng kinh doanh bền vững. Họ cũng nên hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội ngành, tổ chức quốc tế và các DN lớn để tận dụng nguồn lực và tìm kiếm cơ hội phát triển.

Quan trọng hơn, SME cần cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững bằng cách kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính, tham gia vào các chuỗi cung ứng xanh, và xây dựng các dự án phát triển bền vững nhằm thu hút nguồn tài trợ từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

* Về phía Chính phủ, cần làm gì để hỗ trợ DN SME, thưa ông?

- Chính phủ có vai trò định hướng và hỗ trợ quan trọng để DN SME vượt qua các thách thức. Các chương trình ưu đãi tài chính như cung cấp khoản vay lãi suất thấp hoặc khấu trừ thuế cho các DN áp dụng hoạt động bền vững là rất cần thiết. Đồng thời, cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng năng lượng tái tạo và hệ thống tái chế chất thải để tạo điều kiện thuận lợi cho DN SME chuyển đổi xanh.

Việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng, nhất quán và đưa ra các tiêu chí cụ thể cho hoạt động xanh cũng sẽ giúp các DN nhỏ và vừa dễ dàng tuân thủ và tiếp cận nguồn lực tài chính xanh. Chính phủ cũng cần khuyến khích đổi mới sáng tạo bằng cách hỗ trợ các DN trong việc phát triển và áp dụng công nghệ xanh, đồng thời thiết lập các mục tiêu giảm phát thải chi tiết cho từng ngành.

* Xin cảm ơn ông!

Ngọc Quỳnh

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/thuc-day-sme-chuyen-doi-xanh-dong-gop-vao-muc-tieu-net-zero-315788.html
Zalo