Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em
Để thiếu nhi, học sinh trên địa bàn tỉnh có điều kiện bày tỏ tâm tư, nguyện vọng về những vấn đề liên quan đến chính mình, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức các diễn đàn, mô hình để các em được nêu lên ý kiến, nguyện vọng. Từ đó, có những định hướng, giúp các em thiếu nhi phát triển toàn diện về thể chất, kỹ năng, định hình lối sống đẹp.
Nhằm cụ thể hóa những quy định theo các văn bản của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ngày 22/4/2024, Tỉnh đoàn ban hành Kế hoạch 213-KH/TĐTN-TTNTH về việc triển khai đề án “Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan về trẻ em năm 2024”. Theo đó, các hoạt động của đoàn, đội được triển khai thực hiện theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn, phù hợp nhu cầu chính đáng của trẻ em, thiếu niên, nhi đồng, giúp các em rèn luyện đạo đức, nhân cách, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội, góp phần phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ. Điển hình, việc tổ chức tập huấn trẻ em nòng cốt tham gia các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và Phiên họp mô hình Hội đồng Trẻ em tỉnh An Giang.
Phiên họp mô hình Hội đồng Trẻ em tỉnh An Giang là chương trình do Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh chủ trì, phối hợp sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh tổ chức, nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của trẻ em về những vấn đề xã hội liên quan đến độ tuổi thiếu nhi, học sinh. Từ đó, định hướng những giải pháp thích hợp để trẻ em được học tập, vui chơi, sống trong môi trường an toàn, phát triển toàn diện.
Trong năm 2024, mô hình Hội đồng Trẻ em tỉnh An Giang đã thực hiện 2 phiên họp. Tại mỗi phiên họp, các nhóm học sinh là thành viên của Hội đồng Trẻ em tỉnh và thiếu nhi đã chia sẻ những ý kiến xoay quanh những chủ đề, như: Vấn đề vi phạm quyền của trẻ em; an toàn vệ sinh thực phẩm tại trường học; các phương pháp giáo dục trẻ đúng cách; hoạt động vui chơi, trau dồi kỹ năng sống và phòng, chống tai nạn thương tích; tham gia phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại trẻ em; bảo đảm an toàn giao thông; kỹ năng giao tiếp, chia sẻ cảm xúc với người thân; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; vấn đề về biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai...
Tại Phiên họp mô hình Hội đồng Trẻ em tỉnh An Giang lần thứ II, ngoài 25 học sinh là thành viên của Hội đồng Trẻ em tỉnh, còn có sự tham gia của 50 thiếu nhi trên địa bàn TP. Long Xuyên. Tại đây, các học sinh, thiếu nhi đã mạnh dạn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình đến lãnh đạo các cấp, thầy cô giáo, người thân, gia đình và đề xuất, chia sẻ các sáng kiến, giải pháp phù hợp với mong muốn chính đáng của các em; phản ánh những điều mà các em đã chứng kiến hoặc trải qua trong cuộc sống; đưa ra các thông điệp, kiến nghị về những vấn đề mà các em quan tâm để được hỗ trợ.
Em Minh Quân (huyện Châu Thành) cho rằng: “Tình trạng bạo lực học đường là vấn đề cần quan tâm hiện nay. Do tính bốc đồng và chưa ý thức được hậu quả nghiêm trọng của bạo lực học đường nên học sinh ở lứa tuổi “nổi loạn” dễ gây ra bạo lực”. Em Bảo Thy (huyện Chợ Mới) băn khoăn về vấn đề tai nạn giao thông: “Khi ra đường, chúng ta thường bắt gặp tình trạng các bạn học sinh và anh, chị đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chạy xe với tốc độ cao, lái xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi. Em nhận thấy cần có biện pháp chấn chỉnh nghiêm khắc hơn đối với tình trạng này”.
Trong khi đó, em Mỹ Nương (huyện An Phú) mong muốn được giải đáp về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Mỹ Nương bày tỏ: “Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã giúp trẻ em dễ dàng tiếp cận Internet, mạng xã hội. Tuy nhiên, ở độ tuổi này, các em chưa được trang bị đủ những kỹ năng “tự vệ”, nên dễ có nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân và bị người khác sử dụng vào các mục đích xấu hoặc dễ bị lôi kéo, kích động vi phạm pháp luật, bị lừa đảo qua các trò chơi trên nền tảng mạng xã hội”. Ngoài ra, còn có nhiều ý kiến của các học sinh xoay quanh vấn đề về khoảng cách thế hệ giữa phụ huynh và con cái trong gia đình, dẫn đến tình trạng không đồng quan điểm, khó chia sẻ về suy nghĩ, tâm tư, dẫn đến không hiểu nhau, khó cảm thông, ảnh hưởng mối quan hệ gia đình…
Từ những thắc mắc, đề xuất của các em học sinh, thiếu nhi, đại diện các cơ quan chuyên môn, như: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn đã giải đáp thỏa đáng. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích cho học sinh, thiếu nhi trong việc nâng cao năng lực, kỹ năng tự bảo vệ chính bản thân trước những ảnh hưởng, nguy hại từ cuộc sống xã hội.