Thúc đẩy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt
Ngày 28/10/2021, Chính phủ ban hành Quyết định 1813/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025. Đề án kỳ vọng đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân.
Trên cơ sở đó, tỉnh An Giang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại, góp phần thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, hạn chế lượng tiền mặt lưu thông, giảm chi phí liên quan. Đồng thời, ban hành kế hoạch triển khai giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thời gian gần đây, nhiều cơ sở kinh doanh áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là ở khu vực thành thị, dần dần hình thành thói quen đối với người dân nông thôn. Chỉ cần dùng điện thoại thông minh kết nối Internet, tải ứng dụng, đăng ký và kết nối tài khoản ngân hàng, ngay lập tức mọi người có thể thanh toán hầu hết dịch vụ, như: Nhận hoặc chuyển tiền, đóng học phí, phí bảo hiểm, thanh toán viện phí, tiền điện, nước, phí truyền hình, Internet, thanh toán hóa đơn tại quán ăn, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi và nhiều dịch vụ khác.
Chị Nguyễn Ngọc Như (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Chiếc điện thoại được xem là vật bất ly thân của mỗi người, nên rất thuận tiện thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, gia đình tôi chỉ sử dụng tiền mặt khi đi chợ truyền thống, còn hầu hết khi mua sắm ở cửa hàng, siêu thị đều thanh toán bằng thẻ ATM hoặc chuyển khoản, vừa thuận tiện, vừa an toàn”. Chị Lê Kim Ánh (chủ cửa hàng bán quần áo ở TP. Châu Đốc) cho biết: “Trước đây, khách hàng mua sắm đều thanh toán bằng tiền mặt. Đến nay, hầu hết thanh toán qua thẻ ATM hoặc chuyển khoản. Chúng tôi luôn đặt sẵn mã QR ở bàn thu ngân để khách tiện giao dịch”.
Để nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, các cấp, ngành, đơn vị liên quan đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, nhiều tuyến phố thanh toán không sử dụng tiền mặt được thực hiện tại nhiều nơi, thu hút nhiều cơ sở kinh doanh tham gia (kể cả xe bán hàng rong). Các đơn vị chức năng đến từng hộ dân, cơ sở kinh doanh vận động, hướng dẫn thực hiện cài đặt ứng dụng, thao tác, cách mở tài khoản miễn phí và phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo trực tuyến. Sở Công Thương còn phối hợp địa phương tổ chức tập huấn nội dung liên quan “Tuyến phố không dùng tiền mặt” cho cán bộ, công chức phường, xã, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và hộ kinh doanh.
Là lực lượng chiếm số đông, dễ dàng tiếp cận công nghệ, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã tiên phong góp sức vào quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, các cấp bộ đoàn, hội trong tỉnh mạnh mẽ chuyển đổi số trong từng hoạt động. Trong đó, chú trọng sử dụng mạng xã hội để nâng cao hiệu quả tuyên truyền; thành lập đội tình nguyện hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tổ chuyển đổi số cộng đồng, nhằm tuyên truyền, vận động người dân áp dụng công nghệ số vào cuộc sống hàng ngày.
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2022 – 2027) xác định Đề án “Thanh niên An Giang tham gia chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2027” là 1 trong 7 đề án trọng điểm của nhiệm kỳ. Qua đó, phấn đấu đến năm 2027, trên 60% thanh, thiếu nhi toàn tỉnh được tiếp cận hoạt động nâng cao năng lực số do tổ chức đoàn, hội, đội các cấp triển khai thực hiện; tối thiểu 50% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 70% thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử. Tỉnh đoàn yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải thể hiện tinh thần tiên phong, tích cực vận động người thân, gia đình, bạn bè, người dân tiếp cận công nghệ, ứng dụng số vào sinh hoạt, đời sống, học tập hàng ngày; 100% cán bộ đoàn, hội phải đi đầu trong thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ thiết yếu.
Để duy trì niềm tin của người dân trong lĩnh vực này, đòi hỏi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán phải ưu tiên đảm bảo an toàn, bảo mật trong mọi giao dịch tài chính điện tử. Bên cạnh đó, cần triển khai hiệu quả hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đúng quy định, thông suốt, an toàn. Cần nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, tích hợp, kết nối các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng dịch vụ thanh toán tiện ích trên nền tảng số.