Thúc đẩy phát triển du lịch ẩm thực Hà Nội từ công nghệ số

Trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024, chương trình 'Phở số Hà thành' trở thành một sáng tạo độc đáo kết hợp giữa ẩm thực truyền thống và công nghệ.

Đông đảo du khách kiên trì xếp hàng để được trải nghiệm bát phở được phục vụ bởi robot. Ảnh: Tuyết Linh

Đông đảo du khách kiên trì xếp hàng để được trải nghiệm bát phở được phục vụ bởi robot. Ảnh: Tuyết Linh

Hơn 1.000 bát “Phở số Hà Thành” do robot tự động chế biến và phục vụ

Ẩm thực Hà Nội đang ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ ẩm thực thế giới khi liên tục đạt được những danh hiệu nổi bật: “Thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á” năm 2023, “Thành phố ẩm thực hàng đầu thế giới” năm 2024 tại Giải thưởng Ẩm thực thế giới. Không ít món ăn đặc sắc đã được các kênh truyền thông quốc tế nổi tiếng điểm danh như: phở, bún chả, bún riêu cua, bánh tôm, chả cá Lã Vọng…

Ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” trong đó, du lịch được xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển. Ngoài ra, Nghị quyết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước.

Tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024, lần đầu tiên “Phở số Hà thành” do robot thông minh tự động chế biến và phục vụ là điểm nhấn đặc biệt nhằm vinh danh Phở Hà Nội đã được ghi vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, chương trình là sự kết hợp giữa chuyển đổi số với mô thức ẩm thực truyền thống giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ khi được robot phục vụ món phở truyền thống.

Những sản phẩm robot thành thục chuẩn bị một bát phở bò tái chín qua một số công đoạn: trần phở, cho thịt và rau vào bát, chan nước dùng và cuối cùng là đặt thành phẩm lên một sản phẩm robot phục vụ khác để đem tới cho thực khách. Robot phục vụ phở sẽ được lập trình sẵn tự động di chuyển những tô phở nóng hổi đến các bàn đã được đánh số. Thực khách sẽ nhận bát phở từ khay của robot phục vụ để thưởng thức.

Cùng với robot, nhân viên vẫn xuất hiện trong quầy để thực hiện một số khâu định khẩu phần như cân, chia nguyên liệu... Các kỹ thuật viên cũng phải giám sát hoạt động của robot để đảm bảo điều khiển robot khi có lỗi xảy ra.

 Robot vươn tay tới, kẹp lấy các khay nguyên liệu để đổ vào bát phở. Ảnh: Tuyết Linh

Robot vươn tay tới, kẹp lấy các khay nguyên liệu để đổ vào bát phở. Ảnh: Tuyết Linh

Tuy là “Phở số” nhưng công đoạn nấu nước dùng đều do các nghệ nhân thực hiện. Vì vậy, bát phở vẫn được giữ nguyên hương vị đậm đà, trọn vị truyền thống. Cán bộ Trung tâm Hội nghị TP Hà Nội, đại diện Ban tổ chức Nguyễn Thanh Hà khẳng định: “Chuyển đổi số làm mới mẻ hơn du lịch ẩm thực truyền thống khi thực khách được phục vụ theo hình thức hiện đại, mới lạ. Tuy nhiên, robot không thể thay thế con người trong toàn bộ quy trình nấu phở. Chúng tôi vẫn đảm bảo mang đến hương vị phở truyền thống đến thực khách để giữ gìn tính di sản của phở. Ban tổ chức mong rằng chương trình sẽ nâng cao trải nghiệm của thực khách, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch ẩm thực Thủ đô vừa truyền thống, vừa hiện đại tới đông đảo người dân và du khách quốc tế”.

Chị Mai Phương (quận Ba Đình, Hà Nội): “Việc sử dụng robot để chế biến và phục vụ phở là hình thức vô cùng thú vị. Những trải nghiệm mới lạ như vậy sẽ thu hút được sự quan tâm của người dân và khách du lịch, nâng cao trải nghiệm ẩm thực đối với thực khách”.

Với sức hút và ý nghĩa văn hóa sâu sắc, chương trình “Phở số Hà thành” nhận được hàng nghìn người dân đón nhận và lan tỏa. Khởi động từ tối 29/11, tính đến sáng 1/12/2024, hơn 1.000 bát phở do robot chế biến đã được phục vụ. “Phở số Hà thành” là minh chứng rõ ràng cho thấy việc kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại đã giúp món phở không chỉ được bảo tồn mà còn được nâng tầm, trở thành một sản phẩm văn hóa sáng tạo, phù hợp với xu hướng của thời đại.

Chuyển đổi số gắn liền với giữ gìn ẩm thực truyền thống

Mặc dù mang đến trải nghiệm mới lạ, song mô hình robot phục vụ vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Một số người dân trải nghiệm phải cảm thán về sự chậm chạp quy trình từ khi xếp hàng cho đến lúc tận tay được nhận bát phở.

Để thưởng thức “Phở số”, người dân phải xếp hàng đợi bàn trống. Sau khi nhân viên thông báo đã có bàn, thực khách phải báo lại nhân viên số lượng phở và thực hiện thanh toán bằng mã QR. Sau đó, người dân sẽ chờ đợi một khoảng thời gian nhất định để robot chế biến và phục vụ phở.

Chị Hương Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ: “Đây là một trải nghiệm thú vị nhưng tôi phải đợi khá lâu. Tôi mất 50 phút xếp hàng và chờ tại bàn khoảng 20 phút để có thể thưởng thức được bát phở. Với mức giá 50.000 đồng/bát, tôi nghĩ rất đáng để trải nghiệm nhưng tôi vẫn lựa chọn các quán phở truyền thống vì khâu phục vụ nhanh chóng. Công nghệ số này nếu đưa vào cuộc sống sẽ rất thú vị nhưng cần phải cải tiến”.

Theo Ban tổ chức, lần đầu tiên đưa mô hình robot thông minh vào chế biến và phục vụ đã tạo sức hút lớn cho người dân và du khách. Lượng khách đến rất đông, tuy nhiên do là mô hình thí điểm thời gian ngắn nên tốc độ của robot chưa thao tác thành thục như con người và chưa mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Sau khi được thưởng thức bát “phở số”, chị Phương Thanh (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Mô hình còn tồn tại khá nhiều công tác thủ công. Tôi không được quét mã và lựa chọn luôn số lượng phần ăn mà phải thông báo cho nhân viên sau đó mới được quét mã thanh toán. Tôi nghĩ có thể cài đặt thêm chức năng phục vụ khách hàng bằng robot thì trải nghiệm sẽ số hóa hơn. Robot phục vụ có thể thiết kế thêm cánh tay để bưng bát phở tại bàn cho khách. Công đoạn nào có thể số hóa thì cố gắng số hóa”.

Nhiều công đoạn robot chưa thể thực hiện, cần sự hỗ trợ của con người. Ảnh: Tuyết Linh

Nhiều công đoạn robot chưa thể thực hiện, cần sự hỗ trợ của con người. Ảnh: Tuyết Linh

Chương trình “Phở số Hà thành” chỉ là những bản thực nghiệm cho khởi đầu áp dụng các giải pháp công nghệ vào phát triển du lịch ẩm thực. Trên thực tế, dù công nghệ không thể thay thế được nghệ nhân và một số công đoạn thủ công đặc thù, nhưng nó có thể hỗ trợ và thực hiện đắc lực vai trò phục vụ khách hàng.

Nghiên cứu về các công nghệ robot của Nhật Bản, bạn Phú Quý (sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: “Dưới góc nhìn về công nghệ, chương trình là bước tiến mới của việc áp dụng công nghệ vào cuộc sống thực tế. Bước đầu, robot sẽ giúp tự động hóa một số công đoạn cho con người, giảm bớt chi phí nhân công mà vẫn hoạt động trơn tru. Tuy nhiên, có thể là do những bước tiến đột phá mang tính khởi đầu nên robot vận hành còn chậm. Tôi khá mong chờ về những bước cải thiện mới về công nghệ này trong tương lai”.

Từ câu chuyện của “Phở số”, định hướng chuyển đổi số gắn liền với du lịch ẩm thực mở ra nhiều cơ hội phát triển, quảng bá du lịch Thủ đô. Đồng thời, xu thế này cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi du lịch ẩm thực thành phố không ngừng nỗ lực xây dựng, sáng tạo và đổi mới để vừa lưu giữ các sản phẩm văn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa nhằm giữ vững được vị thế ẩm thực Hà Nội trên bản đồ du lịch thế giới.

Mộc Miên - Tuyết Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thuc-day-phat-trien-du-lich-am-thuc-ha-noi-tu-cong-nghe-so-402905.html
Zalo