Lời giải cho bài toán giao thông thông minh - xanh và bền vững?

Để thúc đẩy phát triển giao thông xanh, bền vững, các chuyên gia cho rằng cần có sự chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp, và quan trọng nhất là ý thức tham gia giao thông…

Trong khuôn khổ Hội nghị “Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á” 2024, Hội thảo “Di chuyển xanh, thông minh cho đô thị thông minh, phát triển bền vững” đã diễn ra với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông.

Sự kiện là cơ hội để các chuyên gia cùng nhau thảo luận, xây dựng những giải pháp trong quản lý hệ thống giao thông thông minh cho đô thị thông minh, từ đó hướng tới phát triển bền vững.

Hội thảo "Di chuyển xanh, thông minh cho đô thị thông minh, phát triển bền vững" trong khuôn khổ Hội nghị "Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á" năm 2024.

Hội thảo "Di chuyển xanh, thông minh cho đô thị thông minh, phát triển bền vững" trong khuôn khổ Hội nghị "Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á" năm 2024.

6 trụ cột chính của mô hình giao thông thông minh

Ông Đỗ Việt Hải - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, Hà Nội - một trong những thành phố lớn và có mật độ dân cư cao nhất Việt Nam, đang đối mặt với những thách thức lớn trong việc phát triển và quản lý hệ thống giao thông đó là: ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, với quy mô diện tích rộng lớn và dân số ngày càng tăng, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại và xây dựng một hệ thống giao thông thông minh (ITS) trở nên cấp thiết. Điều này không chỉ giúp cải thiện tình trạng ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống con người.

Trong những năm gần đây, Hà Nội đã có những giải pháp như giám sát giao thông bằng camera, giám sát hành trình, xây dựng ứng dụng phục vụ đỗ xe… đây là tiền đề hết sức quan trọng trong việc triển khai hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Từ thực tế trên và tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới, mô hình giao thông thông minh được xây dựng trên 6 trụ cột chính: Quản trị thông minh, kinh tế thông minh, giao thông thông minh, môi trường thông minh, người dân thông minh, cuộc sống thông minh.

Theo đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng cho biết về đề xuất lộ trình cho các giai đoạn đến sau năm 2030 qua tham vấn của các chuyên gia trong và ngoài nước, các tập đoàn hàng đầu.

“Trong khi nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt và nguồn tài nguyên số đang ngày càng giàu lên, làm thế nào để khai thác toàn bộ dữ liệu thông tin giao thông đưa ra bài toán tối ưu cho quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô”, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhấn mạnh.

Ông Đỗ Việt Hải - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Ông Đỗ Việt Hải - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Thúc đẩy phát triển giao thông thông minh xanh, bền vững ra sao?

Ông Nguyễn Đức Quế - Giám đốc kinh doanh kênh Đối tác, Intel, cũng cho biết, với áp lực to lớn từ mật độ dân số, mật độ giao thông, nhu cầu phương tiện di chuyển cũng tăng lên, gây nên sự tắc nghẽn giao thông, đồng nghĩa với ô nhiễm môi trường từ khí thải phát ra từ xe và ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta.

“Đối với các đơn vị phát triển các giải pháp công nghệ như chúng tôi, chúng tôi luôn phát triển các giải pháp công nghệ đáp ứng nhu cầu trong thành phố thông minh này. Tất cả những giải pháp iot (internet of things) giúp sản sinh ra dữ liệu vô cùng lớn cho phép chúng ta xây dựng hệ thống, mô phỏng giao thông thông minh bằng AI”, Giám đốc kinh doanh kênh Đối tác, Intel chia sẻ.

Song, ông Quế cũng nhấn mạnh thêm: "Bên cạnh việc chúng ta ứng dụng các giải pháp công nghệ, thì còn phải nâng cao ý thức tham gia giao thông. Cho nên, chính con người thông minh mới có thể xây dựng thành phố thông minh, chứ không phải ngược lại, chúng ta xây dựng thành phố thông minh trước rồi mới xây dựng con người thông minh”.

Đồng thời, ông Quế trình bày về các giải pháp công nghệ để quản lý giao thông thông minh, chẳng hạn vỉa hè thông minh, bằng cách hội tụ tất cả “công việc” của giao thông vào trên cột đèn đường, điều này cho phép tính toán được lưu lượng giao thông để không bị lãng phí thời gian, giảm phát thải CO2.

Ông Nguyễn Đức Quế - Giám đốc kinh doanh kênh Đối tác, Intel phát biểu tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Đức Quế - Giám đốc kinh doanh kênh Đối tác, Intel phát biểu tại Hội thảo.

Bà Đặng Thùy Trang - đại diện Grab Việt Nam đã trình bày những chiến lược hành động của Grab trong việc phát triển các giải pháp di chuyển bền vững, hướng đến giao thông thông minh, thân thiện với môi trường và người tiêu dùng.

Tính năng gợi ý lộ trình của Grab ra đời để đi cung đường ngắn nhất, tiết kiệm thời gian, nguồn lực và quan trọng nhất là giúp giảm lượng phát thải.

Với grabfood, ứng dụng giải pháp công nghệ giảm thiểu phát thải carbon với tính năng ghép đơn hàng, một xe sẽ đi đến 2 cửa hàng để giao cho 2 khách hàng, quãng đường sẽ ngắn hơn.

“Việc này cũng có thiệt thòi cho khách hàng thứ hai là phải đợi lâu hơn tuy nhiên chúng tôi cũng có chính sách đền bù, người tiêu dùng có thể chọn tính năng giao hàng lâu hơn, chi phí sẽ ít hơn, điều này có tác dụng cho tất cả các bên khi tài xế sẽ có thêm thu nhập từ 2 đơn hàng, người dùng có thể tiết kiệm hơn”.

Tính năng này đã góp phần giảm 27000 tấn CO2 , góp phần cho sự phát triển bền vững của đất nước. Bên cạnh đó, một sáng kiến khác với grabcar được triển khai tại nhiều tỉnh thành du lịch, đó là lắp đặt ghế đá có đánh số có hỗ trợ mã QR cho khách du lịch quét mã đặt xe để tài xế đến đón nhanh chóng, không phải đi lòng vòng.

Nhắc đến giao thông xanh không thể không nói đến việc chuyển sang xe điện, Grab cũng có những biện pháp hỗ trợ chương trình triển khai để tài xế chuyển đổi sang xe điện.

Bà Đặng Thùy Trang - đại diện Grab Việt Nam trình bày về các chiến lược giao thông xanh mà Grab đã thực hiện.

Bà Đặng Thùy Trang - đại diện Grab Việt Nam trình bày về các chiến lược giao thông xanh mà Grab đã thực hiện.

Còn ông Lê Quang Hiệp - Giám đốc thương mại, Phenikaa-X giới thiệu mô hình xe tự hành với tính năng như khử khuẩn đối với trang trại chăn nuôi, vệ sinh đường phố… đã áp dụng phổ biến ở Singapore, Trung Quốc, hay trong logistics, xe tự hành cũng có thể được áp dụng chuyên chở hàng hóa.

Đại diện Phenikaa-X cũng cho biết thêm, mô hình xe tự hành đã được công ty này triển khai tại một số địa phương, khu đô thị tại Việt Nam.

Ông Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc Ban Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) nhấn mạnh rằng công nghệ đến cuối cùng vẫn phải đi vào đời sống con người và phục vụ con người. Công nghệ cũng mở ra rất nhiều cơ hội cho đất nước chúng ta, đó là con đường tất yếu chúng ta phải đi.

Để thúc đẩy phát triển giao thông thông minh xanh và bền vững, đi vào cuộc sống của người Việt Nam, các chuyên gia đều đồng ý rằng các giải pháp công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ cho con người, quan trọng là cần phải có ý thức tham gia giao thông của con người. Ngoài ra, vĩ mô từ Chính phủ hỗ trợ về mặt chính sách, tín dụng, cung cấp cho doanh nghiệp sự đồng hành, ưu tiên khối tư nhân,...

Thùy Dương

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/loi-giai-cho-bai-toan-giao-thong-thong-minh-xanh-va-ben-vung-95277.html
Zalo