Thúc đẩy phát triển chăn nuôi quy mô lớn

Theo định hướng phát triển ngành chăn nuôi gia súc và gia cầm đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa đề ra mục tiêu chủ động về giống và thức ăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi quy mô lớn và an toàn dịch bệnh. Đây là bước đi cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành Nông nghiệp của địa phương.

Cán bộ thú y kiểm tra một cơ sở chăn nuôi gà tại huyện Cam Lâm.

Cán bộ thú y kiểm tra một cơ sở chăn nuôi gà tại huyện Cam Lâm.

Từng bước hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ

Ông Huỳnh Kim Khánh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 74.000 con trâu, bò; 253.000 con heo và hơn 3,1 triệu con gia cầm. Những năm qua, người chăn nuôi đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống chuồng trại, áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh. Đến nay, đã có 80% đàn heo và 50% đàn gà được nuôi ở quy mô trang trại. Mô hình phổ biến là các trại lạnh nuôi heo với quy mô 1.000 con/trại và nuôi gà an toàn sinh học quy mô 10.000 con/trại. Đối với hoạt động chăn nuôi bò, ngoại trừ trang trại quy mô hơn 1.200 con ở xã Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh), còn lại vẫn chủ yếu ở quy mô nông hộ, nhỏ lẻ. Những trang trại này chủ yếu chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH CJ Vina Agri Bình Dương... Trong đó, các doanh nghiệp cung cấp giống, thức ăn, quy trình nuôi và bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi.

Bên trong một trang trại nuôi heo hàng nghìn con ở huyện Khánh Vĩnh.

Bên trong một trang trại nuôi heo hàng nghìn con ở huyện Khánh Vĩnh.

Đối với con giống, những năm qua, nhiều cơ sở cung cấp giống heo, gà trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng nhu cầu con giống đạt chuẩn phục vụ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Trong đó, giống gà Phùng Dầu Sơn (gà ri Ninh Hòa) được đưa vào bộ giống gốc quốc gia, được người chăn nuôi ưa chuộng bởi chất lượng thịt dai, ngọt đặc trưng. Đối với chăn nuôi heo, đã xuất hiện các trang trại chăn nuôi heo giống ở quy mô hàng nghìn con heo sinh sản/trại, với quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt. Những trang trại này cung cấp con giống chất lượng cao cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh các trang trại chăn nuôi cơ bản đáp ứng đầy đủ quy định về an toàn thực phẩm, môi trường, phòng, chống dịch bệnh động vật, hoạt động chăn nuôi vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần được giải quyết. Theo thống kê, hiện nay, trên toàn tỉnh có khoảng 3.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi. Đó là những khu vực thuộc các phường của TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa; các thị trấn: Vạn Giã (huyện Vạn Ninh), Diên Khánh (huyện Diên Khánh) và Cam Đức (huyện Cam Lâm); những khu dân cư nằm trong khu quy hoạch trung tâm của các xã; khu quy hoạch trung tâm của thị trấn Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh) và thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn); các khu quy hoạch không phù hợp là đất chăn nuôi. Đây hầu hết là những cơ sở chăn nuôi heo, gà, bò có tính chất tự phát và còn ở quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn thừa và phụ phẩm nông nghiệp. Hiện nay, chính quyền địa phương đang tiến hành các bước triển khai việc chấm dứt chăn nuôi đối với những cơ sở này. Đến nay, đã có hàng trăm cơ sở trong toàn tỉnh chấm dứt chăn nuôi trong vùng không được phép hoặc di dời đến địa điểm phù hợp. Các cấp, ngành cũng đang tập trung triển khai xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại huyện Khánh Vĩnh để phục vụ nhu cầu giết mổ của các địa phương: Khánh Vĩnh, Diên Khánh và TP. Nha Trang, góp phần hoàn thiện chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn tại những địa phương này.

Hình thành vùng chăn nuôi tập trung

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đầu năm 2025, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về: Phát triển con giống, thức ăn, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu phát triển chăn nuôi theo định hướng các vùng chăn nuôi tập trung. Trong đó, trọng tâm là tổ chức quy hoạch sử dụng đất dành cho chăn nuôi tập trung; phát triển chăn nuôi theo vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi theo Nghị định số 106 ngày 1-8-2024 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi và các chính sách khác có liên quan.

Theo ông Huỳnh Kim Khánh, cùng với việc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, tỉnh cũng đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để hình thành vùng sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi, con giống, công nghiệp chuồng trại và hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi. Mục tiêu đến năm 2030, đảm bảo 100% cơ sở sản xuất giống vật nuôi đáp ứng điều kiện sản xuất giống theo quy định; chủ động sản xuất được 30% giống heo cấp bố mẹ và đáp ứng đàn nuôi thương phẩm tối thiểu 75% nhu cầu đàn heo, 90% nhu cầu đàn bò và 40% nhu cầu đàn gia cầm; đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong chế biến các loại phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp, chế biến thực phẩm... làm thức ăn chăn nuôi; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt từ 60.000 đến 65.000 tấn/năm, đáp ứng tối thiểu 45% tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; chăn nuôi trang trại quy mô vừa và quy mô lớn sử dụng chuồng trại với trang thiết bị hiện đại đạt 70 - 80%. Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong việc chọn tạo giống vật nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chuồng trại… đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, hướng tới chăn nuôi bền vững.

HỒNG ĐĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202502/thuc-day-phat-trien-chan-nuoi-quy-mo-lon-52d0a71/
Zalo