Thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương Việt Nam-Singapore

Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ năm 2013, khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược, hợp tác song phương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, kinh tế, thương mại và đầu tư luôn là trụ cột vững chắc, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Singapore phát triển sâu rộng và thiết thực hơn.

Lô hàng 1.200 tấn module được xuất khẩu sang Singapore. (Ảnh: TTXVN)

Lô hàng 1.200 tấn module được xuất khẩu sang Singapore. (Ảnh: TTXVN)

Những con số nổi bật

Theo Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Singapore, đồng thời đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á về cung cấp hàng hóa cho quốc gia này, chỉ sau Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Kim ngạch thương mại song phương giai đoạn 2019-2023 tăng trưởng ổn định, đạt đỉnh vào năm 2022 với 9,15 tỷ USD.

Năm 2023, mặc dù kinh tế toàn cầu suy yếu, thương mại giữa hai nước chỉ giảm nhẹ 1,64%, đạt 9,01 tỷ USD.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Singapore trong giai đoạn 2019-2023 và tốc độ tăng trưởng so với năm liền trước. (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Singapore trong giai đoạn 2019-2023 và tốc độ tăng trưởng so với năm liền trước. (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam đạt 4,29 tỷ USD, nhập khẩu từ Singapore đạt 4,71 tỷ USD. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, và gạo.

Đặc biệt, năm 2024, gạo Việt Nam giữ vị trí dẫn đầu tại Singapore, chiếm phần lớn thị phần đối với các nhóm gạo tẻ trắng, gạo thơm và gạo nếp. Gạo Việt không chỉ tiêu thụ mạnh tại Singapore mà còn được tái xuất đi các thị trường quốc tế khác, khẳng định chất lượng và sức hút đối với người tiêu dùng toàn cầu.

Về đầu tư, Singapore luôn nằm trong tốp những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến tháng 10/2024, Singapore có 3.806 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 81,13 tỷ USD, trải rộng trên 18 lĩnh vực. Các dự án tập trung nhiều vào công nghiệp chế biến, kinh doanh bất động sản, sản xuất và phân phối năng lượng.

Khu công nghiệp VSIP Nghệ An tại xã Hưng Công, huyện Hưng Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

Khu công nghiệp VSIP Nghệ An tại xã Hưng Công, huyện Hưng Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

Một số địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư từ Singapore có thể kể đến như Thành phố Hồ Chí Minh với 1.635 dự án, Hà Nội với 493 dự án, và Bắc Ninh với 93 dự án.

FTA thế hệ mới - đòn bẩy hợp tác kinh tế

Xuất khẩu hàng hóa sang Singapore trong những năm qua có nhiều khởi sắc khi hai nước cùng là thành viên của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, điển hình như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Nhờ đó, hai nước có thêm nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của nhau, cũng như tìm kiếm thông tin, mở rộng các đối tượng khách hàng.

Thời gian qua, Việt Nam và Singapore luôn phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc thúc đẩy toàn diện và sâu sắc mọi nội dung của các FTA thế hệ mới, đồng thời nỗ lực tận dụng có hiệu quả những lợi ích mà các FTA mang lại đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Nhận thức được tính bổ trợ của hai nền kinh tế, Việt Nam và Singapore đã và đang thúc đẩy các FTA cùng tham gia, từ đó tăng cường hợp tác, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của mỗi nước cũng như của khu vực.

Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore đạt 4,35 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực gồm máy vi tính, linh kiện, máy móc, và phương tiện vận tải.

Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế của Singapore được hỗ trợ bởi một số yếu tố, đặc biệt là nhu cầu tăng mạnh về các sản phẩm điện tử cao cấp (như chip liên quan đến AI), dự kiến sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của ngành sản xuất điện tử. Điều này cũng tạo cơ hội cho các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ được xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường này.

Trong chuyến thăm Singapore tháng 12/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và lãnh đạo Singapore nhất trí thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, sớm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Với nền tảng vững chắc về hợp tác kinh tế song phương, hai bên khẳng định quyết tâm thúc đẩy hơn nữa trụ cột hợp tác quan trọng này, thông qua tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm xử lý những vấn đề mới trong phát triển kinh tế-xã hội.

Hai bên cũng sẽ thúc đẩy đầu tư trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi nước, tạo đột phá trong các lĩnh vực tăng trưởng mới như logistics xanh, xây dựng trung tâm dữ liệu, sản xuất chip bán dẫn, năng lượng sạch, tín chỉ carbon, an ninh lương thực, tài chính xanh…

Trong các tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, dự kiến thương mại song phương giữa Việt Nam và Singapore sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế Singapore đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng khả quan với nhu cầu tiêu dùng hồi phục rõ nét hơn nhờ lạm phát giảm tốc.

Để tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường Singapore, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tìm hiểu kỹ thông tin thị trường, nắm bắt những thay đổi của thị trường nhập khẩu để xây dựng chiến lược xuất khẩu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng, hình thức của sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn cao của thị trường Singapore.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần hiểu rõ vai trò trung chuyển quan trọng của Singapore để mở rộng thị trường ra toàn cầu.

TRUNG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thuc-day-hop-tac-kinh-te-song-phuong-viet-nam-singapore-post855622.html
Zalo