Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025

Sáng 20/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025. Dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành chức năng.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số vốn năm 2025 được Quốc hội quyết nghị là 829.365,421 tỷ đồng, trong đó đã phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương 825.922,269 tỷ đồng.

Đến ngày 30/4/2025, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2025 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 817.968,261 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm: Vốn ngân sách Trung ương (NSTƯ) là 342.881,257 tỷ đồng, đạt 97,9%; vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 475.087,005 tỷ đồng, đạt 99,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn chưa thực hiện phân bổ 7.954,008 tỷ đồng của 17 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương (7.313,712 tỷ đồng vốn NSTƯ, 949,372 tỷ đồng vốn NSĐP của 3 địa phương).

Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/4/2025 là 128,5 nghìn tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2024 giải ngân 110,5 nghìn tỷ đồng, đạt 16,64%. Như vậy, về giá trị tuyệt đối, năm 2025 giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2024 khoảng 18 nghìn tỷ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân so với số vốn Thủ tướng Chính phủ giao thì thấp hơn.

Các điểm cầu dự hội nghị (ảnh chụp màn hình).

Các điểm cầu dự hội nghị (ảnh chụp màn hình).

Về giải ngân vốn NSTƯ đạt khoảng 46.694 tỷ đồng, đạt 13,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,79%); giải ngân vốn NSĐP khoảng 81.818,9 tỷ đồng, đạt 17,20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2024 (16,56%). Giải ngân vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là 4.707,3 tỷ đồng (đạt 21,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

So với kết quả giải ngân 3 tháng đầu năm, đến hết tháng 4, tiến độ giải ngân bắt đầu có sự tăng tốc, bắt kịp tiến độ so với cùng kỳ năm 2024.

Đặc biệt, trong 4 tháng năm 2025, có 10 bộ, cơ quan Trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 20% như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (86,43%); Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%); Bộ Xây dựng (32,50%); Phú Thọ (44,39%); Lào Cai (43,45%); Thanh Hóa (39,14%)... Tuy nhiên, còn một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp như: Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Phước...

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Trên cơ sở nội dung báo cáo cũng như từ thực tiễn của mỗi đơn vị, địa phương, thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã phân tích làm rõ thêm những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp và thể hiện quyết tâm thúc đẩy hoàn thành mục tiêu, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời nêu rõ: Đầu tư công luôn được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng yếu, giữ vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và ổn định chính trị; đầu tư công vừa mang tầm chiến lược dài hạn, vừa mang tính cấp thiết trước mắt, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo nền tảng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, có vai trò “mở đường”, khơi thông các điểm nghẽn, tạo động lực mới, không gian phát triển mới. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, công diện chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, bên cạnh các ngành, địa phương đạt kết quả tốt, tiến độ giải ngân ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn chậm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị (ảnh chụp màn hình).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị (ảnh chụp màn hình).

Thủ tướng biểu dương những bộ, ngành, đơn vị, địa phương có kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt; biểu dương sự đóng góp của các tập, thể cá nhân, người dân đối với hoạt động đầu tư công. Đồng thời yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có kết quả giải ngân vốn đầu tư công chưa tốt nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, phân tích nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, từ đó đề ra các giải pháp để cải thiện hoạt động giải ngân của đơn vị mình.

Thủ tướng phân tích và nhấn mạnh một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu cần nỗ lực cao hơn nữa, nâng cao ý thức chấp hành, thái độ với công việc, thể hiện tinh thần, trách nhiệm với quê hương, đất nước. Quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, làm việc nào ra việc đấy, làm việc nào dứt việc đó, làm có trọng tâm, trọng điểm. Khi phân công cần quán triệt sâu sắc phương châm “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền và rõ kết quả.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành Trương ương, các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoàn thiện thể chế, chính sách; công tác giải phóng mặt bằng; nguồn nguyên vật liệu; công tác quy hoạch... Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, thẩm quyền, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, sát sao, đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay tại địa phương, đơn vị, tại hiện trường dự án nhằm tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động giải ngân vốn đầu tư công đạt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thuc-day-dong-luc-tang-truong-dau-tu-cong-nam-2025-nbsp-249365.htm
Zalo