Thúc đẩy doanh số trên sàn thương mại điện tử, cần chiến lược sản phẩm có chọn lọc

Thời điểm giữa năm mang lại cơ hội tăng trưởng doanh số cho các doanh nghiệp Việt kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới, nếu nắm bắt các xu hướng tiêu dùng của khách hàng toàn cầu...

Thương mại điện tử xuyên biên giới giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận khách hàng toàn cầu. Ảnh minh họa

Thương mại điện tử xuyên biên giới giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận khách hàng toàn cầu. Ảnh minh họa

Bằng cách nhận ra những xu hướng sản phẩm đang thu hút khách hàng quốc tế, doanh nghiệp Việt có thể thúc đẩy doanh số thương mại điện tử, thích ứng và mở rộng sự hiện diện của mình trên thị trường toàn cầu.

NHỮNG SẢN PHẨM CÓ TIỀM NĂNG LỚN TRÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Theo thống kê của Amazon Global Selling, số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon tăng hơn 300% trong 5 năm qua. Hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện đang xuất khẩu thông qua Amazon, với số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD tăng vọt gần gấp 10 lần.

Thời điểm giữa năm đang là một trong những thời điểm mang lại cơ hội tăng trưởng doanh số cho các doanh nghiệp Việt kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới, nếu doanh nghiệp nắm bắt được các xu hướng tiêu dùng của khách hàng toàn cầu.

Theo đó, để không bỏ lỡ cơ hội mùa mua sắm cao điểm giữa năm, các doanh nghiệp Việt Nam cần tối ưu hóa và phát triển chiến lược sản phẩm có chọn lọc.

Một thống kê của Amazon Global Selling cho thấy những danh mục sản phẩm tiềm năng mà doanh nghiệp Việt Nam có thể chú trọng để thúc đẩy doanh số bán hàng xuyên biên giới qua nền tảng thương mại điện tử là những sản phẩm phụ kiện công nghệ, quà tặng, dụng cụ ngoài trời cho mùa hè, dụng cụ học tập…. Đây là những sản phẩm được người tiêu dùng quốc tế ưa chuộng. Nắm bắt xu hướng này sẽ giúp các nhà bán hàng Việt Nam thúc đẩy doanh số thương mại điện tử.

Theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Hoa Kỳ, chi tiêu cá nhân cho mua sắm mùa tựu trường đã tăng đáng kể trong hai năm qua, thậm chí vượt qua cả chi tiêu mua sắm cho mùa lễ hội cuối năm. Để không bỏ lỡ cơ hội mùa mua sắm cao điểm giữa năm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cần tối ưu hóa và phát triển chiến lược sản phẩm có chọn lọc.

Những danh mục sản phẩm tiềm năng có thể kể đến như các sản phẩm ngoài trời cho mùa hè, dụng cụ học tập, phụ kiện công nghệ và quà tặng mùa tựu trường - tất cả đều mang lại cơ hội hấp dẫn cho các nhà bán hàng thương mại điện tử trong giai đoạn quan trọng này.

Theo báo cáo của Statista, thị trường làm vườn đang phát triển mạnh mẽ, dự kiến đạt 80,86 tỷ USD giá trị thị trường cuối năm 2024. Một nghiên cứu khác cũng ghi nhận hơn 80% các hộ gia đình ở Mỹ tham gia vào các hoạt động làm vườn, cho thấy tiềm năng lớn đối với thị trường này.

Đây là một xu hướng mà các doanh nghiệp Việt cần lưu ý, để tùy biến sản phẩm phục vụ thị trường toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp Việt đã nhận ra nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm sân vườn và bắt đầu khai thác thị trường mới nổi này.

Bằng việc tận dụng các nguyên liệu địa phương phong phú như tre, xơ dừa, rêu rừng và nhựa tái chế, các nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon đã phát triển một loạt các sản phẩm làm vườn thân thiện với môi trường, như các loại chậu cây phân hủy sinh học, cọc leo cây và phân bón hữu cơ nằm trong những mặt hàng phục vụ nhu cầu của nhóm tiêu dùng quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường.

Thông qua việc khai thác các nguồn tài nguyên tái tạo này và thực hành sản xuất bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam đang nắm lợi thế để đáp ứng nhu cầu đối với xu hướng các giải pháp sân vườn xanh và thân thiện với thiên nhiên ngày càng tăng cao trên thị trường quốc tế.

TÍCH HỢP “GIÁ TRỊ CẢM XÚC” VÀO SẢN PHẨM, ĐA DẠNG HÓA DANH MỤC

Bên cạnh đó, người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử cũng rất quan tâm đến giá trị cảm xúc của các sản phẩm, từ các sản phẩm quà tặng đến các thiết bị điện tử. Chính vì thế, để tạo dựng những kết nối về mặt cảm xúc với người tiêu dùng, các doanh nghiệp có thể tập trung vào các sản phẩm có thiết kế tinh tế, trải nghiệm cá nhân hóa và xây dựng câu chuyện thương hiệu phản ánh giá trị sâu sắc.

Các nhà sản xuất, thương hiệu và nhà bán hàng có khả năng tích hợp giá trị tình cảm một cách hiệu quả vào các sản phẩm của mình sẽ có cơ hội thành công trong các mùa mua sắm cao điểm như giai đoạn giữa năm này.

Phân tích 10.000 sản phẩm quà tặng bán chạy nhất trên Amazon trong năm 2023 cho thấy sự xuất hiện một loạt các sản phẩm khác nhau, từ các thiết bị điện tử cao cấp đến sản phẩm chăm sóc cá nhân và các vật dụng gia đình thiết yếu.

Top 5 sản phẩm quà tặng bán chạy nhất trên Amazon 2023. Nguồn: Amazon Report

Top 5 sản phẩm quà tặng bán chạy nhất trên Amazon 2023. Nguồn: Amazon Report

Các nhà bán hàng Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn khai thác các xu hướng quà tặng mới nổi để phát triển trong tương lai. Nếu đa dạng hóa được danh mục sản phẩm để đáp ứng các nhu cầu quà tặng khác nhau này, các doanh nghiệp thương mại điện tử sẽ có thể tối đa hóa tiềm năng doanh số trong mùa mua sắm cho ngày tựu trường.

Thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo báo cáo thương mại điện tử năm 2023, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2023 tăng 25% so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD. Qua đó, đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu. Bộ Công Thương đang đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh thu thương mại điện tử đạt 35 tỷ USD, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến và 50% thanh toán không dùng tiền mặt

Bảo Bình

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thuc-day-doanh-so-tren-san-thuong-mai-dien-tu-can-chien-luoc-san-pham-co-chon-loc.htm
Zalo