Thúc đẩy công nghệ sinh học trong nông nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Vấn đề thúc đẩy công nghệ sinh học trong nông nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên rất được quan tâm trong thời gian gần đây.

Hội thảo “Xây dựng và phát triển mạng lưới trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ sinh học trong nông nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên". (Ảnh: Đại Dương)
Chiều 18/7, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế tổ chức Hội thảo “Xây dựng và phát triển mạng lưới trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ sinh học trong nông nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên".

Nhiều đại biểu từ 20 cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý và doanh nghiệp tham dự Hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của ông Trần Nam Tú – Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Bộ GD&ĐT; TS Bùi Văn Lợi – Phó Giám đốc phụ trách Đại học Huế; lãnh đạo các Trường Đại học thành viên, Khoa trực thuộc Đại học Huế; đại diện hơn 20 cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Nhiều vấn đề sát sao về thúc đẩy công nghệ sinh học trong nông nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên được bàn luận.
Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn chiếm vị trí quan tâm hàng đầu ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang tiến hành đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ở Việt Nam, với 60% dân số sống ở nông thôn, gắn bó với nông nghiệp nên nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn trở thành vấn đề hệ trọng của quốc gia.
Vai trò là “trụ đỡ” nền kinh tế của nông nghiệp đã và đang ngày càng được khẳng định trong thực tiễn phát triển đất nước. Nông nghiệp đang bảo đảm sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; chiếm 30% lực lượng lao động cả nước và chiếm tỷ trọng gần 12% GDP.
Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 19/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ về "Phê duyệt Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 đến năm 2030" ra đời có ý nghĩa chiến lược hết sức to lớn. Việc hình thành các mạng lưới trung tâm xuất sắc, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ sinh học nông nghiệp, chính là chìa khóa để tạo ra những đột phá, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Trần Nam Tú – Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Bộ GD&ĐT phát biểu.
Cùng với đó, Quyết định số 452/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp được định hướng là một trong những lĩnh vực đào tạo trọng điểm tại khu vực miền Trung. Điều này thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự nhất quán trong chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong việc phát triển lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

TS Bùi Văn Lợi, Phó Giám đốc phụ trách Đại học Huế.
PGS.TS Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế nhấn mạnh, thực tiễn đã chứng minh, không một chủ thể đơn lẻ nào có thể giải quyết được các bài toán lớn của sự phát triển mà đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống, của chúng ta ngày hôm nay. Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đồng thời gắn kết với Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân cũng đã lần nữa khẳng định cần liên kết chặt chẽ, cộng hưởng giữa 3 nhà giữa ba thành phần là nhà nước, nhà khoa học (trường đại học, viện nghiên cứu) và doanh nghiệp.

PGS.TS Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế trao đổi.
Trong đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, ban hành các cơ chế, chính sách đột phá, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và đầu tư nguồn lực xứng tầm. Nhà trường, các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu là hạt nhân của tri thức, nơi đào tạo, nghiên cứu, sản sinh ra các ý tưởng và công nghệ lõi. Doanh nghiệp là nơi ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, đồng thời đặt ra những bài toán thực tiễn cho các nhà khoa học.

Các đại biểu chăm chú theo dõi nhiều nội dung quan trọng chuyển tải tại Hội thảo. (Ảnh: Đại Dương)
Chính vì thế, việc hình thành 1 mạng lưới đào tạo và nghiên cứu xuất sắc về công nghệ sinh học nông nghiệp tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn hoàn toàn phù hợp với định hướng chiến lược quốc gia, đặc biệt trong khuôn khổ hội thảo hôm nay.

Các đại biểu thuộc Mạng lưới tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ sinh học trong nông nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên ra mắt.
Cuối hội thảo đã ra mắt Mạng lưới tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ sinh học trong nông nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với sự tham gia nhiều đơn vị trên toàn quốc.