Phụ nữ Cao Bằng xây dựng nông thôn mới dựa vào tiềm năng, thế mạnh địa phương
Nhờ được trang bị kiến thức khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, phụ nữ cơ sở tự tin, mạnh dạn vươn lên khởi nghiệp dựa trên chính những tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Miến dong là sản phẩm nổi tiếng của Cao Bằng
Tại các xã Thành Công, Tĩnh Túc, nhờ lợi thế là vùng trồng cây dong riềng- nguyên liệu sản xuất miến dong ngon nổi tiếng, nhiều phụ nữ dân tộc Dao, Tày, Nùng chọn sản xuất miến dong đạt tiêu chuẩn OCOP chất lượng cao để thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Chị Du Thị Uyên, dân tộc Dao, ở xã Thành Công chia sẻ: Trước đây, xã, xóm có lợi thế trồng cây dong riềng làm miến dong, tôi cũng như nhiều hộ trong xóm tuy chăm chỉ làm miến dong thủ công nhưng chưa chú trọng chất lượng, thương hiệu nên hiệu quả không cao, vẫn là hộ nghèo. Từ năm 2020 - 2022, được sự hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống cây của chính quyền, tôi mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất miến dong đạt sản phẩm OCOP chất lượng cao được các siêu thị, thương lái các tỉnh đến đặt mua tại nhà, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Đến nay, nhiều hộ ở xã Thành Công đã triển khai mô hình này, thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm/hộ trở lên.
Phong trào phụ nữ khởi nghiệp ở Cao Bằng đã tạo ra sự lan tỏa cho các cấp, ngành, đặc biệt là khi chính quyền xã, phường mới vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp “nhìn lại mình”, rà soát tiềm năng thế mạnh từng vùng để khuyến khích chị em xây dựng sản phẩm thế mạnh địa phương để khởi nghiệp.
Hội LHPN tỉnh làm tốt vai trò “người kết nối”, để chị em lựa chọn những cây trồng, vật nuôi thế mạnh, nghề truyền thống, mạnh dạn đầu tư hình thành mô hình sản xuất kinh doanh (SXKD) quy mô vừa và nhỏ, ổn định và phát triển sản phẩm OCOP chất lượng cao.

Các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm sáng tạo, khởi nghiệp tại ngày hội.
Thực hiện Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” đến năm 2025; Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 27/3/2018 của UBND tỉnh, từ năm 2017 - 2025, toàn tỉnh có 171 chủ thể sản phẩm OCOP đạt 4 và 3 sao, thuộc 4 nhóm sản phẩm, gồm: 155 sản phẩm nhóm thực phẩm, 10 sản phẩm nhóm đồ uống, 5 sản phẩm nhóm thủ công mỹ nghệ, 1 sản phẩm dịch vụ du lịch. Trong đó nhóm chủ thể là phụ nữ có 27 HTX, 10 THT, 7 doanh nghiệp, 73 hộ SXKD. Sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng và đánh giá cao.
Ở các xã: Tổng Cọt, Hà Quảng, là những địa phương nơi có truyền thống canh tác ngô, lạc phụ nữ dân tộc Tày, Nùng, Mông thành lập hợp tác xã, hộ SXKD từ phát triển nấu rượu ngô ủ men lá, bánh ngô, dầu lạc, kẹo lạc, bột ngô khô. Các xã Đông Khê, xã Thạch An đẩy mạnh trồng và sản xuất thạch đen thành sản phẩm chủ lực, hình thành nhiều Hợp tác xã chế biến thạch đen do phụ nữ làm chủ, điển hình như Hợp tác xã Đức Long với hơn 30 hộ hội viên tham gia sản xuất sản phẩm, đóng gói đưa vào thị trường trong tỉnh và miền xuôi, xây dựng mã QR truy xuất nguồn gốc.
Các xã: Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Đàm Thủy, Quảng Uyên, nổi tiếng với quýt, rượu men lá, vịt cỏ, bánh khảo, cốm hạt dẻ, rau màu đặc hữu, làng nghề rèn dao, làm hương thơm Phja Thắp, giấy dó thủ công… được phụ nữ xã phát triển thành sản phẩm OCOP gắn với trải nghiệm du lịch cộng đồng. Các tổ phụ nữ vừa trồng cây dẻ, quýt, vừa làm dịch vụ homestay, tổ chức tour trải nghiệm, hướng dẫn du khách nấu ăn, thưởng thức đặc sản. Nhiều chị em còn livestream bán hàng ngay tại vườn quýt, vườn hạt dẻ, làm cốm vò hạt dẻ… thành hình thức phổ biến.
Các tổ hợp tác phụ nữ, hộ SXKD vừa giúp nhau sản xuất vừa chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và tìm đầu ra. Ban đầu sản phẩm chỉ phục vụ dân địa phương, sau khi được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ tiếp cận vốn, kết nối thị trường, đào tạo kỹ năng thương mại, marketing sản phẩm và thiết kế bao bì, nhiều tổ hợp tác, hộ SXKD do chị em làm chủ đã đầu tư máy móc, đăng ký thương hiệu. Hiện nay, nhiều sản phẩm hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất do phụ nữ làm chủ đã xuất hiện tại các hội chợ OCOP khu vực miền Bắc, lên sàn Postmart.vn và sàn thương mại điện tử các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh.
Chị Nông Thị Luyến, Hợp tác xã sản xuất bún khô Nước Hai, xã Hòa An chia sẻ: Trước đây tôi chỉ biết làm, không biết nâng cao chất lượng sản phẩm, không biết cách bán hàng. Qua tham gia các diễn đàn khởi nghiệp, tôi có thêm kiến thức để đổi mới, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, chỉ dẫn sản phẩm để người tiêu dùng tin tưởng. Hiện nay, sản phẩm bún của chúng tôi đã cung cấp cho các siêu thị, điểm bán hàng trong tỉnh.

Phụ nữ xã Quảng Uyên khởi nghiệp sản xuất giấy bản và hương thơm, giới thiệu bán hàng tại sự kiện văn hóa của tỉnh.
Điểm nổi bật trong quá trình triển khai Đề án, Hội LHPN tỉnh tổ chức được mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp theo cụm liên kết, tạo điều kiện cho chị em từ khi có ý tưởng xây dựng sản phẩm được chuyên gia, doanh nghiệp hỗ trợ phát triển ý tưởng, đầu tư sản phẩm đưa ra tiếp cận thị trường… Thành lập các tổ hợp tác và Hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, hoạt động trong các lĩnh vực: sản xuất thực phẩm sạch, thảo dược, dệt thổ cẩm, sơ chế nông sản, sản xuất miến dong, rau hữu cơ… Hội LHPN tỉnh còn đồng hành, kết nối xây dựng mô hình, hỗ trợ thủ tục pháp lý, đăng ký thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và đưa sản phẩm do phụ nữ làm chủ mô hình SXKD trên các nền tảng số.
Bà Đoàn Thị Lê An, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cao Bằng, chia sẻ: Qua 8 năm triển khai Đề án (2017 - 2025), Hội LHPN tỉnh đã tập huấn kiến thức đổi mới sáng tạo cho hàng nghìn lượt phụ nữ cơ sở. Từ đó nhiều chị em từng mặc cảm nghèo đói, thiếu tự tin đã thay đổi tư duy “làm nhỏ, bán lẻ” dám chọn lợi thế địa phương để xây dựng sản phẩm cho nhiều mô hình đổi mới sáng tạo, lập kế hoạch tài chính, tìm kiếm đối tác, đưa sản phẩm ra thị trường, tự tin bước trên hành trình làm giàu bằng chính đôi tay, khối óc và sự bền bỉ của mình.
Hàng năm, Hội LHPN tỉnh tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nền tảng số, giúp chị em biết livestream, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, xây dựng gian hàng điện tử theo đúng pháp luật. Nhiều mô hình bán hàng qua Facebook, Zalo, TikTok… đã giúp tăng doanh thu 30 - 40%... Chị em tham gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được tạo điều kiện tham gia các diễn đàn, trưng bày giới thiệu sản phẩm và kết nối với nhiều doanh nghiệp, mô hình đổi mới sáng tạo các tỉnh, thành phố. Qua đó nhiều doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao từ mô hình khởi nghiệp của phụ nữ Cao Bằng như: thu mua thảo dược, thịt lợn đen hun khói, sản phẩm thổ cẩm, rượu ngô men lá, thạch đen, miến dong, gạo nếp hương Xuân Trường, gạo nếp Pì Pất.
Việc mở rộng không gian, dư địa các xã, phường theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là cơ hội để chính quyền xã, phường tiếp tục xem xét lại tiềm năng, lợi thế địa phương để khuyến khích phụ nữ cơ sở tiếp tục đẩy mạnh khởi nghiệp, tăng cường đào tạo chuyển đổi số, liên kết với doanh nghiệp lớn, các tổ chức quốc tế tạo mạng lưới đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp một cách bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.