Thúc đẩy các động lực, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, trong đó tỉnh Cao Bằng được giao chỉ tiêu tăng trưởng 8% (đây cũng là mục tiêu tăng trưởng đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 11/12/2024), tỉnh có sự chủ động trong kịch bản tăng trưởng, xác định các động lực và giải pháp tăng trưởng để chỉ đạo, điều hành thực hiện đảm bảo đạt mục tiêu đề ra.
Để thực hiện kịch bản tăng trưởng 8% trở lên, bên cạnh việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như: khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh..., tỉnh xác định tập trung vào việc tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong đó, huy động, sử dụng, phát huy triệt để nguồn lực đầu tư công; đẩy mạnh thương mại, dịch vụ, thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch; thúc đẩy đầu tư tư nhân, công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng, thủy điện; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện kịch bản tăng trưởng 8% trên cơ sở rà soát kịch bản đã xây dựng, lên phương án chi tiết chỉ tiêu tăng trưởng các ngành, các lĩnh vực theo từng quý, hệ thống các giải pháp và phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện cho các sở, ban, ngành, địa phương.
Đến nay, việc thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng 8% của tỉnh đã đạt được một số kết quả. Về sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, diện tích một số cây trồng chủ lực của tỉnh tăng so với cùng kỳ như: cây thuốc lá tăng 23,5%; cây dong riềng tăng 24,8%; các đàn vật nuôi được duy trì ổn định. Tổng sản lượng thủy sản trong quí I/2025 ước tăng 0,2% so với cùng kỳ. Về sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) quý I/2025 ước đạt 1.975,49 tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 24,8% kế hoạch. Về thương mại, dịch vụ và du lịch, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 9,99% so với cùng kỳ năm trước, đạt 24,2% kế hoạch. Tổng lượt khách du lịch ước đạt 467.890 lượt, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 18,8% kế hoạch. Về thu ngân sách, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 114% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, thu nội địa tăng 82% so với cùng kỳ năm trước; thu xuất nhập khẩu tăng 172% so với cùng kỳ năm trước. Về tình hình phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1508/QĐ-TTg ngày 4/12/2024 là 4.391 tỷ 909 triệu đồng, đến nay, tỉnh đã phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư thực hiện 100% vốn được giao, giải ngân vốn đạt 234,4 tỷ đồng, bằng 5,1% kế hoạch năm 2025 và tăng 25,56% so với năm 2024. Công tác chăm lo đời sống cho nhân dân được quan tâm thực hiện, các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu,vùng xa được thực hiện đầy đủ theo quy định; công tác quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Xác định tăng trưởng kinh tế phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tỉnh ban hành Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 29/2/2025 về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Quyết định số 2193-QĐ/TU ngày 27/2/2025 thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Kế hoạch số 274/KH-UBND ngày 3/3/2025 thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025 của Chính phủ về Chương trình hành động đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo thống nhất với các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch vùng.

Dự án khai thác Niken - Đồng tại xã Quang Trung (Hòa An) góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, một số lĩnh vực còn đạt thấp so với cùng kỳ. Mặc dù số thu ngân sách từ xuất nhập khẩu tăng nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, lũy kế đến ngày 15/3/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (bao gồm cả kim ngạch giám sát) đạt 153,596 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2024. Thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, sức đầu tư của các thành phần kinh tế còn hạn chế. Số lượng nhà tạm, nhà dột nát cần phải xóa bỏ theo Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 9/11/2024 của Thủ tường Chính phủ còn khá lớn.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8%, tỉnh xác định tiếp tục huy động, sử dụng, phát huy triệt để nguồn lực đầu tư công. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm tuyến Cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), chiếm khoảng 46% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của tỉnh. Đẩy mạnh thương mại, dịch vụ, thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch. Trên đà phát triển, tăng trưởng tốt của hoạt động thương mại, dịch vụ năm 2024, năm 2025 lĩnh vực thương mại, dịch vụ phấn đấu tăng trưởng khoảng 8,5%. Trong đó, dự báo tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, thu hút du khách, đặc biệt là các điểm di tích lịch sử do năm 2025 là năm chẵn, kỷ niệm nhiều sự kiện lớn của đất nước; nhiều sản phẩm du lịch mới sẽ được đưa vào khai thác trong năm như: Bảo tàng tỉnh, đập dâng nước trên sông Bằng (Thành phố)…, cùng với các chính sách mới về xuất nhập cảnh, cư trú và các giải pháp phát triển du lịch, quảng bá, thu hút du khách của địa phương được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, mục tiêu thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 200.000 lượt.
Kinh tế cửa khẩu tiếp tục có dư địa phát triển, chỉ tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt khoảng 710 triệu USD, tổng số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt khoảng 690 tỷ đồng. Thúc đẩy đầu tư tư nhân, công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng, thủy điện. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi duy trì công suất các doanh nghiệp công nghiệp lớn, đưa vào hoạt động mới một số dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, thủy điện, khai khoáng, trong đó có 2 nhà máy thủy điện với tổng công suất trên 30MW; 2 dự án khai thác Bauxit tổng công suất trên 1,7 triệu tấn/năm sẽ là những động lực tăng trưởng mới của lĩnh vực công nghiệp, phấn đấu chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 8.000 tỷ đồng, trong đó riêng công nghiệp chế biến, chế tạo khoảng 6.000 tỷ đồng. Nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Tiếp tục mở rộng diện tích, năng suất, sản lượng các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao của địa phương như: cây thuốc lá, cây thạch đen, mía, dong riềng, các loại cây lâm nghiệp, cùng với việc nâng cao chất lượng vùng trồng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP...); đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh là động lực tăng trưởng chính của lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở Tài chính Lưu Công Hữu cho biết: Bên cạnh nguồn lực đầu tư công, tỉnh tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng từ các doanh nghiệp, khu vực dân cư, tạo điều kiện hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thiện các dự án đầu tư tư nhân đưa vào hoạt động sản xuất trong năm; huy động nguồn lực xã hội hóa xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; vốn đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp và dân cư đầu tư sửa chữa, xây dựng mới nhà ở, trang trại chăn nuôi, nhà máy, xưởng sản xuất, lò sấy… với khoảng trên 7.000 tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.