Thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học vì sự phát triển bền vững

Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo 'Thúc đẩy công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học vì sự phát triển bền vững'.

Lãnh đạo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học phát biểu tại buổi hội thảo.

Lãnh đạo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học phát biểu tại buổi hội thảo.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025 với chủ đề “Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững”, ngày 22/5, tại Vườn quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình), Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học vì sự phát triển bền vững”.

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, ban quản lý các vườn quốc gia, khu bảo tồn, cùng các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng địa phương.

Phát biểu khai mạc, đại diện lãnh đạo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học khẳng định: Chủ đề năm nay không chỉ là lời kêu gọi con người sống hài hòa với tự nhiên, mà còn là định hướng chiến lược cho phát triển bền vững, trong đó thiên nhiên và đa dạng sinh học được xem là nền tảng thiết yếu. Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các bên liên quan cùng chia sẻ thông tin, thảo luận giải pháp, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, hơn một phần ba số loài động vật có vú tại Việt Nam đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng. Điều này không chỉ là mối lo của một quốc gia mà phản ánh cuộc khủng hoảng toàn cầu về môi trường. Ông nhấn mạnh: “Thiên nhiên không phải là rào cản mà là trụ cột cho phát triển bền vững” và kêu gọi tích hợp bảo tồn vào quy hoạch phát triển, huy động tài chính bền vững như tín dụng xanh, trái phiếu xanh, du lịch sinh thái, chi trả dịch vụ hệ sinh thái....

Các đại biểu trao đổi tại buổi hội thảo.

Các đại biểu trao đổi tại buổi hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về những thách thức như: suy thoái hệ sinh thái, khai thác tài nguyên thiếu bền vững, áp lực từ phát triển kinh tế, cùng với đó là cơ hội hợp tác, sáng kiến bảo tồn từ các khu bảo tồn, vườn quốc gia và tổ chức quốc tế.

Việt Nam hiện là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới, với hơn 112 loài động thực vật mới được phát hiện thời gian qua, nhiều loài đặc hữu quý hiếm chỉ có tại Việt Nam. Cả nước đã thiết lập 178 khu bảo tồn, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 12 vườn di sản ASEAN và 4 công viên địa chất toàn cầu. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 10 triệu ha.

Hội thảo là một trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025, bao gồm Lễ kỷ niệm tại Vườn quốc gia Cúc Phương, triển lãm ảnh, chiến dịch truyền thông và các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng trên toàn quốc.

Thông qua hội thảo, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các đối tác khẳng định cam kết mạnh mẽ thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên, khôi phục các hệ sinh thái bị suy thoái, hướng tới một tương lai nơi con người và thiên nhiên cùng phát triển hài hòa và bền vững.

ĐỨC TÙNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thuc-day-bao-ton-thien-nhien-va-da-dang-sinh-hoc-vi-su-phat-trien-ben-vung-post881677.html
Zalo