Thuận lợi cho quản lý đất đai
Kê khai, đăng ký đất đai để hoàn thiện hồ sơ địa chính là nhiệm vụ trọng tâm được huyện Thanh Thủy tập trung thực hiện nhằm đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, phục vụ quản lý Nhà nước về đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội.

Công chức xã Hoàng Xá hướng dẫn người dân kê khai, đăng ký đất đai để hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch và các văn bản đôn đốc thực hiện đăng ký đất đai lần đầu đối với người sử dụng đất và người được Nhà nước giao đất để quản lý. Giao chỉ tiêu thực hiện công tác đăng ký đất đai trên địa bàn huyện cho UBND các xã, thị trấn thực hiện. Đồng thời, huyện chỉ đạo triển khai rà soát lại chi tiết từng thôn, xóm, khu phố để có số liệu các thửa đất chưa thực hiện đăng ký.
UBND huyện cũng đã thành lập tổ công tác, xây dựng kế hoạch cụ thể việc đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện kê khai đăng ký đất đai đối với các xã thực hiện dự án; tổ chức hội nghị tuyên truyền, thông tin, phổ biến dự án, kế hoạch thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính huyện Thanh Thủy giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo đến đơn vị tư vấn, địa phương; chỉ đạo các địa phương phối hợp đơn vị tư vấn triển khai tốt công tác kê khai, đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính...
Đồng chí Đào Ngọc Kỳ- Trưởng Phòng TN&MT huyện cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Thủy có 8 xã đang thực hiện việc kê khai, đăng ký đất đai theo dự án đo đạc bản đồ địa chính, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và triển khai kế hoạch số hóa hồ sơ đất đai. Quá trình triển khai thực tế còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất của mỗi thửa đất khác nhau, hồ sơ giấy tờ về quyền sử dụng đất của người sử dụng đất không đầy đủ.
Bên cạnh đó, các tài liệu như bản đồ địa chính có sự biến động ảnh hưởng đến việc kê khai đăng ký quyền sử dụng đất; khối lượng thửa đất cần đăng ký lớn, thời gian giải quyết ngắn, trong khi đội ngũ công chức địa chính của các xã, thị trấn mỏng... đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kê khai, đăng ký đất đai. Khắc phục những khó khăn, huyện đã chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân lập hồ sơ kê khai, đăng ký đất đai; tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp làm nhiệm vụ kê khai, đăng ký đất đai.
Huyện cũng đã đẩy mạnh cải cách hành chính; chỉ đạo phòng, bộ phận chuyên môn thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn cán bộ địa chính trong công tác kê khai, đăng ký đất đai; hướng dẫn, phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết những tồn tại, vướng mắc ngay tại cơ sở...
Trên cơ sở kế hoạch, chỉ đạo của UBND huyện, các xã, thị trấn đã chủ động tổ chức thực hiện, tập trung rà soát, xác định số lượng các thửa đất, chủ sử dụng các thửa đất chưa đăng ký lần đầu. Thành lập các tổ tuyên truyền, thông báo đến người sử dụng đất, người được Nhà nước giao đất để quản lý mà chưa thực hiện kê khai, đăng ký đất đai phải thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của huyện, vào cuộc của chính quyền địa phương, công tác kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất của huyện Thanh Thủy đạt kết quả quan trọng. Đến nay, toàn huyện đã cơ bản hoàn thành công tác kê khai, đăng ký theo Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo với tổng số hồ sơ đã xác nhận, đăng ký đất đai khoảng 4.000 hồ sơ của tổng số 12.100 thửa đất. Trong công tác đối soát, tích hợp dữ liệu vào hệ thống, thực hiện ký số vào sổ địa chính (điện tử), Thanh Thủy đã hoàn thành rà soát, tích hợp dữ liệu và ký sổ địa chính điện tử và đưa vào vận hành khai thác cơ sở dữ liệu với tổng số gần 170.000 thửa.