Thừa Thiên-Huế: Trung bình 1 ngày CSGT phát hiện hơn 30 'ma men'
Trong 3 tháng cao điểm ra quân, lực lượng CSGT toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế phát hiện, xử lý trung bình mỗi ngày khoảng 33 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Ngày 22/10, thông tin từ Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, đơn vị vừa có báo cáo 3 tháng cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.
Theo đó, trong 3 tháng cao điểm (từ 20/6 đến 20/9/2022), lực lượng CSGT Công an toàn tỉnh tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ; trong đó tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ trên đường bộ, vi phạm về “cới nới” thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ trên đường bộ.
Theo thống kê, sau 3 tháng thực hiện đợt cao điểm TTATGT, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã xử lý 15.718 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt hơn 5.886 trường hợp; tước giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn của 3.243 trường hợp; tạm giữ 261 ô tô và 3.499 mô tô.
Đặc biệt, trong đó đã phát hiện, xử lý 3.008 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Như vậy trong 3 tháng cao điểm ra quân, lực lượng CSGT toàn tỉnh phát hiện, xử lý trung bình mỗi ngày khoảng 33 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Ngoài ra, liên quan vi phạm về “cới nới” thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ trên đường bộ, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 1111 trường hợp vi phạm.
Song song đó, lực lượng CSGT còn tổ chức tuyên truyền, vận động tự giác, cưỡng chế, tháo dỡ phần cơi nới 285 phương tiện thuộc 44 doanh nghiệp, 69 cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải.
Từ sự ra quân quyết liệt này, tình hình TTATGT trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có nhiều chuyển biến tích cực, không xảy ra TNGT đường thủy nội địa; TNGT đường bộ kéo giảm trên 2 tiêu chí: Số vụ và số người bị thương so với thời gian liền kề trước đó.
Đặc biệt, đã tác động mạnh đến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, nhất là đối tượng điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia; các đơn vị kinh doanh vận tải, chặn đứng tình trạng phương tiện vi phạm “cơi nới” thành thùng hoạt động trên các tuyến giao thông; đảm bảo tất cả các trường hợp vi phạm về “cơi nới”, chở hàng quá khổ đều được kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.