Thừa Thiên Huế thiếu hụt lao động nghề biển
Thời gian qua, nghề đi biển thu nhập bấp bênh, lắm rủi ro nên nhiều ngư dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế tìm nghề mới mưu sinh nên lao động nghề cá ngày canthiếu hụt. Hiện đang vào mùa đánh cá vụ Nam nhưng nhiều tàu cá ở các xã ven biển đành cho tàu nằm bờ. Nguồn lợi hải sản không còn dồi dào, giá xăng dầu tăng cao, đánh bắt không mấy hiệu quả cũng là nguyên nhân làm nhiều tàu cá năà̀ng
Những ngày đầu tháng 3, thời tiết thuận lợi nhưng tàu cá của ông Ngô Đức Trật, ở thôn An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang vẫn nằm bờ vì thiếu lao động đi biển. Tàu ông Trật có công suất 710 CV, mỗi chuyến đi biển phải mất nửa tháng, cần từ 9 đến 12 lao động. Tuy nhiên, hiện ông Trật mới tìm được 4 bạn thuyền, không thể vươn khơi. Ông Trật than thở, gần 30 năm làm nghề đi biển chưa lúc nào lao động nghề biển lại thiếu hụt như lúc này.
“Chừ tháng nào kiếm được người thì mình sản xuất tháng đó, còn không có người nhiều lúc mình cũng đi 4 người rứa, cũng chạy ra tới biển xa để câu. Đến hết tháng 3 âm lịch ni thì khi đó mới đủ người để sản xuất. Nói chung kiếm người mà không có thì tàu mình đậu ở nhà ”.
Hàng chục tàu cá công suất lớn của ngư dân xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, thị trấn Thuận An, thành phố Huế cũng đang trong tình trạng nằm bờ do thiếu hụt lao động đi biển. Ngư dân Ngô Đức Tâm, một chủ tàu cá tâm sự, hiện lao động đi biển phần lớn là người địa phương nằm trong độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi, chỉ số ít là người ở các xã lân cận được chủ tàu thuê mướn. Bình quân mỗi chuyến biển kéo dài từ 1 tuần đến nửa tháng. Theo ông Ngô Đức Tâm, một số tàu cá do đánh bắt hải sản không đạt sản lượng, doanh thu thấp nên không thể kêu gọi được bạn tàu đi biển.
“Trước đây lao động nhiều, sau này nghề khai thác thủy sản bị hạn chế nhiều cho nên một số bà con ngư dân làm bạn thuyền họ chuyển qua các công việc khác, họ đi làm ăn. Ở đây là mình có hai nghề, nghề vây rút chì và nghề phụ nghề câu. Nghề vây rút chì thì đòi hỏi lao động phải từ 10 đến 12 lao động. Nghề câu 4-5 người, là có thể đi câu được rồi, cho nên bà con cũng linh động".
Thiếu hụt lao động đi biển, nhiều tàu cá của ngư dân các xã ven biển Thừa Thiên Huế nằm bờ, dẫn đến giảm sản lượng khai thác hải sản. Bà Nguyễn Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Vang cho biết: Trước đây, xã có 54 tàu cá xa bờ nhưng đến nay giảm còn 49 tàu, ngoài ra còn có 129 phương tiện ghe bãi ngang và thuyền hoạt động vùng đầm phá. Với số lượng tàu cá này cần có khoảng 600 lao động đi biển nhưng vào dịp đầu năm đang thiếu hụt khoảng 30%. Nguyên nhân do nhiều tàu làm ăn không hiệu quả, không giữ chân được lao động. Số người nằm trong độ tuổi lao động nghề biển chuyển sang làm các nghề khác hoặc đi lao động ở nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Oanh cho biết thêm, phần lớn lớp trẻ bây giờ rất ít người theo nghề biển của bố mẹ.
“Hiện nay, tình hình bạn thuyền trên địa bàn thiếu rất nhiều. Lý do thiếu là đánh bắt của địa phương ngày càng khan hiếm. Thứ hai, đa số lao động đi lao động nước ngoài. Có một số tàu thì đang nằm bờ, một số tàu đang dồn nhau để cho đủ bạn thuyền đi biển”- bà Oanh nói.
Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 2.400 tàu cá, cần tới hàng ngàn lao động để vươn khơi bám biển. Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Trong đó có nguyên nhân tàu cá đánh bắt không hiệu quả, lao động nghề biển vất vả, nhiều lao động chuyển sang nghề khác. Hiện ngành Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế đang vận động bà con ngư dân cải hoán tàu thuyền, hiện đại hóa các khâu đánh bắt để nâng cao sản lượng, thu hút lao động đi biển.
“Lao động biển ngày càng khó khăn. Bản chất là lao động tự do nên do chủ tàu, rồi khả năng đầu tư của tàu, khả năng huy động nguồn lực của các chủ tàu thị trường. Ngành thủy sản thì chúng tôi không can thiệp về thị trường lao động. Tuy nhiên, về góc độ quản lý thì cũng khuyến cáo các chủ tàu, thuyền trưởng cơ giới hóa, hiện đại hóa các khâu trong quá trình khai thác thủy sản, phải đầu tư các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại như là máy thả lưới, máy thu lưới, cẩu, nâng…Như thế thì năng suất lao động sẽ tăng lên, bản thân người lao động sẽ được có giá trị cao hơn và chủ tàu thu nhập nhiều hơn”- ông Bình nói.