Thừa Thiên Huế: Khai thác thế mạnh du lịch đầm phá
Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho Huế, với diện tích hơn 22 nghìn ha, dài gần 70 km chạy dài theo hướng tây bắc - đông nam, song song bờ biển chảy qua các huyện Phong Điền, Quảng Điền, TP Huế, Phú Vang và Phú Lộc.
Di tích chờ khai phá
Nhiều chuyên gia nhận định vùng đầm phá này có tính đa dạng sinh học cao ở cả ba cấp độ sinh thái, loài và nguồn gien. Không chỉ vậy, những năm qua, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được nhìn nhận là tài nguyên của ngành “công nghiệp không khói” khi có rất nhiều lễ hội dân gian, hệ thống di tích phong phú đa dạng có thể kết hợp với các điểm dừng chân trên các đầm để tạo nên tour du lịch trải nghiệm hấp dẫn, mới lạ.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cho hay, các lễ hội dân gian như lễ hội Cầu ngư, lễ hội Nghênh Ông, lễ hội Cầu an gắn với các tín ngưỡng thờ thần Cá ông, thờ thành hoàng, thờ nữ thần của một số làng nằm dọc theo hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai chứa đựng những giá trị truyền thống tốt đẹp. Ngoài ra, với di tích phong phú và đa dạng, các địa phương thuộc vùng đầm có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.
Theo ông Hải, tính đến năm 2023, tổng số di tích tại vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được xếp hạng là 30 di tích, trong đó có một di tích quốc gia đặc biệt, 13 di tích quốc gia và 16 di tích xếp hạng cấp tỉnh. “Để nâng cao hiệu quả trong việc khai thác, phát huy giá trị di tích tại vùng đầm phá, chính quyền địa phương cần xác định rõ mục tiêu, vai trò của việc phát triển du lịch gắn với giá trị các di tích là mang lại lợi ích cho cộng đồng xã hội”, ông Hải gợi ý.
TS Nguyễn Thị Tâm Hạnh (Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế) trầm trồ khi bàn về cảnh quan với sự hòa quyện giữa thiên nhiên hùng vĩ với những làng nông, làng ngư phát triển từ lâu đời. Đó chính là điều kiện lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng, du lịch học tập, nghiên cứu, du lịch sinh thái với các hoạt động chèo thuyền, tham quan khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước, tham quan các khu di tích và đặc biệt là du lịch kết hợp với sáng tạo ảnh nghệ thuật. “Cùng với các lễ hội, các thành tố văn hóa dân gian được hình thành từ đời sống sản xuất của cư dân đầm phá chính là cơ sở cho việc phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa trải nghiệm, khám phá các hoạt động gắn liền với sinh hoạt của người dân như đánh bắt cá, chế biến, thưởng thức ẩm thực trên thuyền, cùng tham gia các hoạt động làng nghề, mua sắm thổ sản đặc trưng của địa phương”, TS Hạnh nhận định.
Để thương hiệu đầm phá đi xa
Hai năm nay, trước lượng khách du lịch tăng cao và nhu cầu được trải nghiệm, khám phá vùng sông nước đầm phá tăng, một số địa phương tại đây đã tận dụng tốt thời cơ và tiềm năng để phát triển các loại hình kinh tế, đặc biệt là du lịch dịch vụ. Điển hình trong số đó không thể không kể đến khu vực đầm Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang) với diện tích hơn 100 ha mặt nước. Khu vực này đã trở thành điểm phải đến trên bản đồ du lịch Việt Nam với cảnh sắc thơ mộng, hệ thống các nhà hàng trên đầm phá cùng với món ngon nuôi trồng được chế biến ngay tại chỗ. Tuy nhiên, tất cả mới là kinh doanh tự phát trong dân. Theo các chuyên gia, để xây dựng được các sản phẩm du lịch chất lượng cao, cần phải có sự hợp tác liên ngành để phát triển hạ tầng gắn liền với hệ thống di sản, di tích, làng nghề, danh lam thắng cảnh phục vụ cho phát triển du lịch. Trong đó, cần phải theo nguyên tắc phát triển bền vững dựa trên ba tiêu chí về kinh tế, xã hội, môi trường.
Mới đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt đề cương “Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030”. Đề án này xác định ưu tiên các nhiệm vụ và giải pháp về phát triển thủy sản, phát triển nông nghiệp, phát huy giá trị văn hóa dân gian vùng đầm phá trong phát triển du lịch sinh thái phù hợp đặc thù của vùng, đưa du lịch thành ngành kinh tế chủ lực. Đây sẽ là hành lang pháp lý hiệu quả, cũng như tạo nguồn lực tốt để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh chưa đánh thức của vùng Tam Giang - Cầu Hai theo hướng đi đúng và bền vững.
Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, từ năm 2010 đến nay “thương hiệu” đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã trở thành sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng có tiếng, điển hình là “Tour du lịch đầm phá Tam Giang” được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích. Đây cũng là sản phẩm du lịch chủ yếu của vùng và đã được các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh khai thác với số lượng tour đặt hàng lớn. Chương trình này cũng là một trong những sản phẩm du lịch chủ chốt tại các kỳ Festival Huế gắn với các lễ hội như “Thuận An biển gọi”, “Lăng Cô huyền thoại biển”, “Sóng nước Tam Giang”.
Bài và ảnh: Minh An/ Báo Nhân dân