Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các dự án đường sắt
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, các tuyến đường sắt tại Hà Nội và TPHCM.
Sáng 26/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.
Ghi nhận kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao, Thủ tướng biểu dương Bộ Xây dựng, các địa phương TP Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM đã chủ động, tích cực triển khai công việc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu không thay đổi là phải khởi công dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP
Theo đó, các cơ quan khẩn trương hoàn thiện nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4 để trình Quốc hội trước ngày 5/5.
Liên quan 24 nhiệm vụ Thủ tướng đã giao tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo ngày 29/3, báo cáo cho thấy, 19 nhiệm vụ theo tiến độ, có 12 nhiệm vụ chưa đến hạn, đã hoàn thành 6 nhiệm vụ, còn 1 nhiệm vụ chậm; cùng với 5 nhiệm vụ thường xuyên.
Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, các tuyến đường sắt tại Hà Nội và TPHCM.
Về vốn, Thủ tướng yêu cầu huy động đa dạng các nguồn vốn, gồm vốn tự có của Trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu của Chính phủ và doanh nghiệp, hợp tác công tư… Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp cần khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4 và trình Quốc hội trước ngày 5/5.
Thủ tướng yêu cầu phải huy động các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân có năng lực công nghệ và sản xuất tham gia các dự án và phát triển công nghiệp đường sắt. Trong đó, giao các tập đoàn như VNPT, Viettel nghiên cứu tiếp nhận, phát triển, làm chủ công nghệ hệ thống thông tin, tín hiệu và hệ thống điều khiển của các dự án đường sắt.