Nghị quyết 68: Tạo xung lực mới giúp kinh tế tư nhân bứt phá

Nghị quyết 68 như 'cú huých' tinh thần cho doanh nhân Việt: Được bảo vệ, được sửa sai, được tin tưởng và yên tâm làm ăn trong khuôn khổ pháp lý rõ ràng.

“Đòn bẩy” cho kinh tế tư nhân bứt phá

Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đang thổi một luồng gió mới vào tâm thế và niềm tin của cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Không chỉ là một văn bản định hướng, nghị quyết lần này được đánh giá là bước chuyển mạnh mẽ về tư duy chính trị, pháp lý và thể chế kinh tế, đặt doanh nhân vào vị trí trung tâm phát triển. Từ nội dung cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, bảo đảm quyền sở hữu tài sản, đến việc cải cách đồng bộ hệ thống pháp luật liên quan, Nghị quyết 68 được ví như “chiếc đòn bẩy” cho kinh tế tư nhân bứt phá trong giai đoạn mới.

Cần các giải pháp hỗ trợ về chính sách thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển

Cần các giải pháp hỗ trợ về chính sách thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển

Trong talkshow “Nghị quyết 68: Những đột phá mới giúp kinh tế tư nhân phát triển” do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH TM Lê Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, không giấu được niềm xúc động khi nhắc đến cụm từ “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự”. Với ông, đây không chỉ là một nguyên tắc pháp lý, mà là chiếc chìa khóa giải tỏa tâm lý e dè vốn đè nặng lên cộng đồng doanh nhân suốt nhiều năm qua.

“Việc Trung ương lần đầu tiên khẳng định rõ ràng và nhất quán tinh thần này không chỉ tạo ra sự an tâm đầu tư, mà còn là lời cam kết mạnh mẽ về một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và dựa trên pháp quyền”, ông Nghĩa khẳng định.

Đi sâu vào nội dung nghị quyết, có thể thấy nhiều quy định cụ thể được đặt ra như việc ưu tiên xử lý các hành vi vi phạm bằng biện pháp hành chính, dân sự thay vì hình sự. Ngoài ra, nghị quyết nhấn mạnh việc không áp dụng hồi tố gây bất lợi cho doanh nghiệp, cũng như bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử. Theo ông Nghĩa, đây là những thay đổi thực chất, góp phần tháo gỡ những vướng mắc lớn nhất về mặt tâm lý và pháp lý, mở ra không gian phát triển an toàn và đáng tin cậy cho khu vực tư nhân.

Đồng quan điểm, ông Phan Đình Tuệ, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, có nhiều doanh nhân đã xúc động đến mức “vui không ngủ được” sau khi đọc toàn văn nghị quyết. Đối với họ, đây không còn là khẩu hiệu, mà là hành động cụ thể, quyết liệt và thể hiện sự lắng nghe từ phía Đảng và Nhà nước. Ông Tuệ cho rằng, trong thực tiễn, không ít trường hợp doanh nghiệp mắc sai phạm không phải vì cố ý, mà vì nhận thức chưa đầy đủ hoặc chưa kịp thích nghi với các quy định pháp luật thay đổi liên tục. Vì vậy, tinh thần của Nghị quyết 68 cho phép “sai thì được sửa”, nếu không có yếu tố cố ý hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, chính là thể hiện tính nhân văn, tạo điều kiện để doanh nhân có cơ hội khắc phục và tiếp tục cống hiến.

Tuy vậy, ông Tuệ cũng khẳng định rõ, việc không hình sự hóa không đồng nghĩa với việc dung túng hay bỏ qua những hành vi sai trái. “Những trường hợp như sản xuất thuốc giả, thực phẩm bẩn… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, vẫn phải bị xử lý nghiêm minh”, ông Tuệ nói.

Đồng thời ông cho rằng, cần phải có ranh giới rõ ràng giữa hành vi vi phạm cần xử lý hình sự và những hành vi có thể khắc phục bằng biện pháp dân sự, hành chính. Chỉ khi pháp luật quy định mạch lạc, cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp mới yên tâm hành động trong khuôn khổ.

Từ góc nhìn học thuật, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nhấn mạnh, nền kinh tế thị trường chỉ có thể phát triển khi quyền tài sản được bảo hộ tuyệt đối. Nếu quyền tài sản không được đảm bảo, các giao dịch kinh tế sẽ thiếu cơ sở pháp lý, dẫn đến tranh chấp không thể xử lý, làm xói mòn niềm tin thị trường. Theo ông Tuấn, Nghị quyết 68 không chỉ chạm đến vấn đề pháp lý, mà còn tác động đến cả bốn trụ cột: Chính trị, kinh tế, xã hội và pháp luật. Từ đó, mở ra một thể chế cải cách sâu rộng, đi vào thực tiễn, thay vì chỉ nằm trên giấy.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp tư nhân từng lâm vào cảnh “kêu trời không thấu” khi bị hồi tố hợp đồng, thu hồi tài sản hoặc bị xử lý oan sai chỉ vì những quy định chồng chéo, bất cập. Vì vậy, nghị quyết lần này cũng đặt mục tiêu cao hơn: Phân định rõ giữa trách nhiệm hình sự, hành chính và dân sự; Phân biệt rõ giữa cá nhân và pháp nhân; Giữa tài sản hợp pháp và tài sản vi phạm. Đây chính là những nguyên tắc nền tảng để tái thiết lại niềm tin cho khu vực kinh tế tư nhân, nhất là trong bối cảnh doanh nhân vẫn còn tâm lý “làm nhiều sai nhiều”.

Đề xuất xây dựng luật về phát triển kinh tế tư nhân

Một đề xuất đáng chú ý từ các chuyên gia là việc cần xây dựng một bộ luật về phát triển kinh tế tư nhân riêng biệt, nhằm thể chế hóa tinh thần và nội dung của Nghị quyết 68 một cách đầy đủ và nhất quán. Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, nếu chỉ cắt nhỏ tinh thần của nghị quyết để đưa vào các luật chuyên ngành hiện hành thì sẽ thiếu tính hệ thống. Trong khi đó, một bộ luật riêng sẽ giúp xác lập rõ ràng những gì doanh nghiệp được làm, được bảo hộ và những gì bị cấm, thay vì để doanh nhân “đoán già đoán non” trong môi trường pháp lý còn mù mờ.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn nhấn mạnh, doanh nhân đã, đang và sẽ tiếp tục là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”. Điều quan trọng hiện nay là cần nhanh chóng thể chế hóa nghị quyết bằng các văn bản pháp luật rõ ràng, nhất quán và thực thi hiệu quả. Ông Vũ chia sẻ, nhiều doanh nghiệp từng mất rất nhiều thời gian chỉ để xử lý các thủ tục hành chính do sự chồng chéo giữa các quy định của địa phương và trung ương. Chẳng hạn, chỉ riêng lĩnh vực đất đai, mỗi tỉnh, mỗi văn phòng đăng ký đất đai lại có một cách làm khác nhau, khiến doanh nghiệp mệt mỏi, tốn kém và mất niềm tin.

Vì vậy, theo các chuyên gia, việc quan trọng nhất sau khi ban hành Nghị quyết 68 là phải có sự vào cuộc đồng bộ từ Chính phủ, các bộ, ngành đến chính quyền địa phương. Không thể để tình trạng “trên bảo dưới không nghe” hoặc thực thi nửa vời, tùy tiện theo nhận thức của từng cán bộ. Ông Phan Đình Tuệ nhấn mạnh, nếu cán bộ địa phương không được tuyên truyền, tập huấn đầy đủ, rất dễ dẫn đến hiểu sai tinh thần của nghị quyết. Đó là lý do vì sao cần thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ, ban hành các chỉ số thực thi cụ thể để đánh giá tiến độ và hiệu quả triển khai nghị quyết tại các địa phương.

Không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cũng cần thay đổi. Theo ông Tuệ, Nghị quyết 68 giống như một đường cao tốc, còn doanh nghiệp là chiếc xe. Muốn đi nhanh, đi xa, doanh nghiệp phải tự nâng cấp phương tiện của mình, tức là phải đổi mới quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động thích nghi với biến động thị trường và tận dụng thời cơ từ quá trình chuyển đổi số. Nếu cứ chờ “mọi thứ thuận lợi mới làm” thì doanh nghiệp sẽ luôn tụt hậu.

Các chuyên gia nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội chưa từng có trong hơn ba thập kỷ đổi mới. Nhưng để biến Nghị quyết 68 thành động lực thực sự, cần sự cam kết chính trị mạnh mẽ đi cùng hành động quyết liệt trong xây dựng luật pháp và tổ chức thực thi. Khi những rào cản lớn nhất về pháp lý, tâm lý và thể chế được tháo gỡ, kinh tế tư nhân sẽ không chỉ là một thành phần quan trọng, mà thực sự trở thành động lực chủ đạo, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững và hội nhập sâu rộng trong kỷ nguyên mới.

Hiện tại, khu vực kinh tế tư nhân có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách, sử dụng khoảng 82% lao động trong nước.

Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, trong đó có 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân và có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% ngân sách, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% lao động trong nước.

Đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam có thể chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghi-quyet-68-tao-xung-luc-moi-giup-kinh-te-tu-nhan-dot-pha-386650.html
Zalo