Thủ tướng yêu cầu siết kỷ cương, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp

Các yếu tố về pháp lý, an ninh trật tự, minh bạch thông tin và cải thiện thủ tục hành chính đều có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp có ý định mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng cao, cho thấy niềm tin vào môi trường kinh tế đang được khơi thông.

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ngày 12/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 63/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong quản lý nhà nước, tạo dựng môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động.

Theo báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, môi trường kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục ghi nhận nhiều điểm sáng. Các yếu tố về pháp lý, an ninh trật tự, minh bạch thông tin và cải thiện thủ tục hành chính đều có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp có ý định mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng cao, cho thấy niềm tin vào môi trường kinh tế đang được khơi thông. Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ, báo cáo cũng chỉ rõ một số xu hướng đáng lo ngại như: Chi phí không chính thức có dấu hiệu quay trở lại; tính năng động của chính quyền địa phương suy giảm; khó khăn trong tiếp cận đất đai tăng lên; quy mô hoạt động của doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19 chưa phục hồi như kỳ vọng. Các biến động kinh tế toàn cầu đầu năm 2025 tiếp tục đặt ra nhiều thách thức mới cho khối doanh nghiệp.

Trước thực trạng này, Thủ tướng yêu cầu: Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, nghiên cứu kỹ lưỡng báo cáo PCI 2024, tham mưu, đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm khắc phục tồn tại, chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, giải quyết dứt điểm các phản ánh, kiến nghị nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng điều hành, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Chấn chỉnh kỷ luật, xử lý tiêu cực: Các cơ quan phải nghiêm túc kiểm điểm thái độ, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức. Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp, gợi ý hoặc nhận chi phí không chính thức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Thiết lập đường dây nóng hiệu quả: Các bộ, ngành, địa phương cần duy trì hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp theo đúng quy định. Mọi trường hợp vi phạm, đòi hỏi chi phí không chính thức đều phải được xử lý triệt để, công khai minh bạch.

Cải cách thể chế và thủ tục hành chính: Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính năm 2025 - 2026 và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 08/01/2025 về cải thiện môi trường kinh doanh. Những lĩnh vực có thủ tục phức tạp như thuế, hải quan, xây dựng, điện năng… cần được ưu tiên cải cách, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa: Các bộ, ngành cần triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, chú trọng đào tạo kỹ năng chuyên môn và quản lý cho lực lượng lao động, thông qua hợp tác với các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp;

Đổi mới tư duy phục vụ và tuyên truyền minh bạch: Thủ tướng yêu cầu cơ quan nhà nước phải chuyển từ tư duy “quản lý - kiểm soát” sang “phục vụ - kiến tạo”, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức pháp lý, không tiếp tay cho tiêu cực, không chi trả chi phí không chính thức và chủ động phản ánh nếu bị gây khó dễ;

Bên cạnh các biện pháp hành chính, Công điện cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm và dịch vụ mới, cơ cấu lại hoạt động để phù hợp với bối cảnh mới. Doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, tham gia kinh tế xanh, kinh tế số, và chuyển đổi năng lượng để thích ứng với các yêu cầu phát triển bền vững.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với VCCI và các cơ quan liên quan tiếp tục đề xuất các giải pháp cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, trình Chính phủ tại kỳ họp tháng 6/2025. Đồng thời, yêu cầu VCCI phát huy vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, tiếp tục cung cấp thông tin khách quan về môi trường đầu tư tại Việt Nam, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách phát triển; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của kinh tế tư nhân.

Nguyệt Hà

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thu-tuong-yeu-cau-siet-ky-cuong-tao-moi-truong-thuan-loi-cho-doanh-nghiep.html
Zalo