Thủ tướng yêu cầu có giải pháp hỗ trợ lao động mất việc

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước có khoảng 294 nghìn người lao động (LĐ) bị giãn việc, hơn 149 nghìn người LĐ bị mất việc. Số LĐ bị giãn việc giảm, nhưng số mất việc lại tăng, tập trung nhiều ở địa phương trọng điểm công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang…

Trước thực tế một số doanh nghiệp (DN) bị cắt giảm đơn hàng phải giảm việc, cắt LĐ, ngày 4/5, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH nắm chắc tình hình thực tế người LĐ mất việc làm để chủ động, kịp thời thực hiện các giải pháp theo quy định; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng với nội dung vượt thẩm quyền. Bộ LĐ-TB&XH cũng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án ban hành chính sách hỗ trợ người LĐ, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/5 này.

Thực hiện chỉ đạo trên, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản đề nghị các tổ chức, hiệp hội DN, địa phương khảo sát, báo cáo thực tế tình hình LĐ việc làm trên địa bàn. Từ đó, các cơ quan, đơn vị đề xuất giải pháp hỗ trợ người LĐ, DN để bộ này tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Lao động trong ngành dệt may, da giày bị giảm, mất việc làm nhiều nhất do thiếu đơn hàng. Ảnh minh họa: Phạm Thanh

Lao động trong ngành dệt may, da giày bị giảm, mất việc làm nhiều nhất do thiếu đơn hàng. Ảnh minh họa: Phạm Thanh

Về tình hình LĐ việc làm, trong báo cáo mới nhất gửi Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp báo cáo các địa phương cho thấy, từ quý 4/2022, một số ngành, lĩnh vực gặp khó trong sản xuất, kinh doanh, phải giảm việc làm. Quý 1/2023, dù LĐ có việc làm tăng, thất nghiệp giảm, nhưng ảnh hưởng của sụt giảm kinh tế toàn cầu, vẫn có DN phải thu hẹp sản xuất, giảm LĐ, tập trung vào ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ...

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, cả nước có gần 294 nghìn LĐ bị giãn việc (giảm nhẹ so với cuối năm trước). Đa số LĐ bị giãn việc tập trung ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài làm da giày, dệt may, điện tử. Một số địa phương có LĐ bị giãn việc nhiều nhất, gồm: Thanh Hóa (hơn 62 nghìn người), Bình Dương (hơn 36 nghìn người), Đồng Nai (khoảng 35 nghìn người), Tây Ninh (gần 22 nghìn người), TPHCM (gần 20 nghìn người), Bắc Ninh (gần 19 nghìn người), Bắc Giang (16 nghìn người)...

Cùng thời gian, cả nước có hơn 149 nghìn LĐ bị mất việc làm (tăng 39 nghìn người so với cuối năm trước), tập trung trong ngành dệt may, da giày, điện tử và linh kiện điện tử... LĐ bị mất việc tập trung chủ yếu ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, như: Đồng Nai (trên 32 nghìn người), Bình Dương (trên 21 nghìn người), Bắc Ninh (14 nghìn người), Bắc Giang (hơn 7 nghìn người)...

Cũng trong quý 1/2023, cả nước có hơn 205 nghìn người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (giảm hơn 1% so với cùng kỳ năm trước). Bên cạnh đó, các DN vẫn có nhu cầu tuyển khoảng 377 nghìn LĐ mới trong giai đoạn đầu năm; dự kiến nhu cầu tuyển dụng cả năm khoảng 1 triệu LĐ...

Về giải pháp ổn định thị trường LĐ thời gian tới, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cơ quan quản lý sẽ tăng cường giải pháp kết nối cung - cầu LĐ, giới thiệu việc làm; đề xuất giải pháp hỗ trợ LĐ bị mất việc, thiếu việc, hỗ trợ DN bị thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai hiệu quả công cụ bảo hiểm thất nghiệp trong hỗ trợ LĐ mất việc làm.

LÊ HỮU VIỆT

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thu-tuong-yeu-cau-co-giai-phap-ho-tro-lao-dong-mat-viec-post1532619.tpo
Zalo