Thủ tướng tương lai của Đức và những thách thức chờ đợi
Cựu doanh nhân, nhà kinh tế Friedrich Merz gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức, đối mặt với bối cảnh chính trị và kinh tế đầy thử thách.

Lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) Đức Friedrich Merz bỏ phiếu tổng tuyển cử trước thời hạn tại Arnsberg, ngày 23/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Friedrich Merz, một nhà kinh tế - tài chính chưa từng tham gia nội các, gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức sau khi liên minh bảo thủ CDU/CSU của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang quan trọng vào ngày 23/2.
Trong chiến dịch, quyết định của ông tìm kiếm chiến thắng trong cuộc bầu cử bằng cách dựa vào sự ủng hộ của phe cực hữu đã chứng tỏ là một bước ngoặt lịch sử và gây nhiều tranh cãi, ngay cả khi Merz khẳng định rằng ông sẽ không bao giờ phá vỡ "bức tường lửa" ("brandmauer") của Đức bằng cách tham gia chính phủ liên minh với đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) chống nhập cư.
Nhưng dù bối cảnh chính trị - và kinh tế trong nước đầy thử thách, nhiều thách thức cấp bách nhất của ông Merz có thể đến từ bên ngoài nước Đức.
Merz sinh năm 1955 trong một gia đình Công giáo bảo thủ tại thị trấn Brilon, Bắc Rhine-Westphalia, miền trung nước Đức, và gia nhập nhóm thanh thiếu niên của CDU khi còn đi học. Ông tham gia chính trường toàn thời gian vào năm 1989, khi được bầu vào Nghị viện châu Âu ở tuổi 33.
Sau khi phục vụ một nhiệm kỳ với tư cách là thành viên Nghị viện châu Âu, Merz được bầu vào Bundestag – Quốc hội Đức – và khẳng định mình là một nhà lãnh đạo trong chính sách tài chính. Năm 2003, ông nổi tiếng với lập luận rằng các quy tắc thuế của Đức phải đủ đơn giản để tính toán trên mặt sau của một chiếc đế lót ly bia.
Tuy nhiên, mối bất hòa ngày càng gia tăng với Thủ tướng Merkel khi đó cuối cùng đã đẩy ông rời khỏi chính trường.
Đến cuối năm 2009, Merz đã hoàn toàn gia nhập khu vực tư nhân. Ông làm luật sư và cố vấn cấp cao tại công ty luật quốc tế Mayer Brown, cùng nhiều vị trí khác. Ông cũng từng là chủ tịch BlackRock Germany (chi nhánh Đức của BlackRock, tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới) từ năm 2016 đến 2020.
Những kinh nghiệm đó có thể đã thuyết phục cử tri rằng Merz là người có thể kinh doanh tốt - một kỹ năng đáng mơ ước đối với bất kỳ ai hy vọng sửa chữa nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn đã suy thoái trong năm thứ hai liên tiếp vào năm 2024.
Friedrich Merz hẳn sẽ muốn tạo dấu ấn của mình ngay từ đầu và sau đây là những thách thức mà ông sẽ phải giải quyết.
Quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Trump
Tự giới thiệu mình là một doanh nhân quyết đoán ngay từ đầu chiến dịch tranh cử, người được trang bị tốt để thực hiện các thỏa thuận trực tiếp với Tổng thống Donald Trump, cựu doanh nhân Merz đã buộc phải thay đổi lập trường của mình chỉ trong vòng vài giờ sau khi tổng thống Mỹ tung chiến thuật “đảo ngược” về cuộc xung đột tại Ukraine.
Người theo chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương từng rất lạc quan này đã nhận được “liều thuốc” thực tế đầu tiên của mình ngay cả trước khi giành được chức vụ cao nhất đất nước. Điều đó dường như biến ông thành một người theo chủ nghĩa hiện thực, với khuôn mặt có phẩn căng thẳng và giọng điệu thay đổi nhanh chóng. Ông Merz không hề che giấu tâm trạng “sốc” của mình sau tuyên bố của Tổng thống Trump đổ lỗi cho Ukraine về cuộc chiến. Ông gọi đó là "sự đảo ngược kinh điển của câu chuyện thủ phạm-nạn nhân".
Tuy nhiên, ông Merz cho biết, sa lầy trong cảm xúc sẽ không đưa châu Âu đến đâu cả. “Điều duy nhất chúng ta có thể làm nếu chúng ta có một ý tưởng khác về… dân chủ… [là] hành động thống nhất ở châu Âu càng nhanh càng tốt”.
Tuy nhiên, thách thức là rất lớn. Sự đổ vỡ trong quan hệ giữa Washington và Berlin chỉ sau một đêm, được ông Merz gọi là “sự chia cắt mang tính thời đại” - có thể sẽ trở thành yếu tố quyết định nhiệm kỳ thủ tướng của ông.
Chắc chắn nó sẽ chi phối những gì vốn đã quá tải. Là người lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cách Friedrich Merz xử lý cuộc khủng hoảng sẽ rất quan trọng đối với cách lục địa này đứng vững trước một trật tự thế giới mới.
Vấn đề kinh tế
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang cần được khởi động lại. Thách thức rất nhiều, từ sự quản lý quá mức và cơ sở hạ tầng yếu kém đến chi phí năng lượng cao, tình trạng thiếu hụt lao động tay nghề cao và dân số già hóa. Nước Đức đang có nhu cầu cấp thiết về đầu tư vào mọi thứ, từ quốc phòng đến cơ sở hạ tầng của đất nước.
Nhưng để làm được như vậy, ông Merz có thể phải nới lỏng một quy tắc được bảo vệ theo hiến pháp, được gọi là "phanh nợ" - trong nhiều năm đã được Berlin sử dụng để khẳng định vị thế hình mẫu của kỷ luật tài chính.
Theo quy tắc “phanh nợ” - được cựu Thủ tướng Angela Merkel đưa ra vào năm 2009 để chứng minh rằng Đức cam kết cân bằng sổ sách sau cuộc khủng hoảng ngân hàng - chính phủ liên bang được yêu cầu phải giới hạn mức vay hàng năm ở mức 0,35% GDP.
Ông Merz có thể nới lỏng quy định đó và đổi lại sẽ giải phóng các khoản tiền rất cần thiết để đầu tư vào mọi thứ, từ nhà ở đến cơ sở hạ tầng đường sắt, vốn được hơn một nửa người Đức ủng hộ. Nhưng điều này không phải là không có tranh cãi. Trên thực tế, chính cuộc tranh cãi về "phanh nợ" cuối cùng đã khiến chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ.
Vấn đề Ukraine
Ukraine đã là một vấn đề gây tranh cãi lớn ở Đức. Có một sự chia rẽ rõ ràng trong dân chúng giữa những người tin rằng việc ủng hộ Kiev sẽ khiến mối đe dọa chiến tranh đến gần Đức hơn và những người tin rằng việc không ủng hộ Kiev và tỏ ra yếu đuối trước Nga thậm chí còn nguy hiểm hơn.
Merz rõ ràng thuộc phe thứ hai. Ông đã cảnh báo ông Scholz không nên áp dụng "chính sách xoa dịu" đối với Nga, và đã đến thăm Kiev thậm chí trước cả thủ tướng Scholz khi đó.
Đức là nước cung cấp vật tư quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, và Merz đã nhiệt thành ủng hộ điều này, nói rằng ông muốn tiến xa hơn nữa bằng cách cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình Taurus tầm xa. Ông cũng có khả năng phải đối mặt với các lời kêu gọi gửi quân đội Đức đến Ukraine như một phần của lực lượng răn đe hoặc gìn giữ hòa bình - một cuộc thảo luận mà Thủ tướng mãn nhiệm Scholz đã mô tả là "quá sớm".
Liên minh với đảng cực hữu Đức?
Câu hỏi về việc ông Merz sẽ tìm cách liên minh với ai và liệu ông có tiếp tục loại trừ khả năng thành lập chính phủ với đảng cực hữu AfD hay không, là điều quan trọng nhất trong tâm trí của cử tri Đức.
Quyết định của ông Merz vào tháng 1 nhằm báo hiệu sự chấp nhận phá vỡ điều cấm kỵ đối với sự ủng hộ của AfD đối với "kế hoạch năm điểm" không ràng buộc về việc kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn là một bước ngoặt bùng nổ trong chiến dịch bầu cử vốn khá nghiêm túc.
Kể từ đó, ông liên tục nhấn mạnh rằng liên minh CDU-AfD không nằm trong kế hoạch.
Nhưng nhiều người lo ngại rằng một chính phủ liên minh bất ổn, chia rẽ sẽ dẫn đến sự lặp lại những bế tắc và xung đột đã định hình nên chính quyền "đèn giao thông" (liên minh gồm 3 đảng với 3 màu biểu trưng đỏ, vàng, xanh) tiền nhiệm.
Và nỗi lo sợ là điều đó vô tình có thể mở đường cho liên minh CDU-AfD dưới sự lãnh đạo mới, ít miễn cưỡng hơn tại cuộc bầu cử tiếp theo có khả năng diễn ra vào năm 2029.
Mối quan hệ với bà Merkel
Friedrich Merz từng bị cựu nữ Thủ tướng Angela Merkel gạt ra ngoài lề khi ông tìm cách bước vào các cấp bậc cao nhất của CDU vào đầu những năm 2000 và hai người chưa bao giờ có mối quan hệ tốt đẹp.
Ông được những người ủng hộ ca ngợi là ứng cử viên "trở về cội nguồn", một đảng viên Dân chủ Thiên chúa giáo khuôn mẫu. Merz đã bày tỏ rõ ràng cảm xúc của mình về 16 năm lãnh đạo của bà Merkel, gọi sự lãnh đạo của bà là "nhàn rỗi" và tuyên bố rằng có một "màn sương mù" bao phủ chính sách "mở cửa" của bà đối với người tị nạn vào năm 2015.
Trong hồi ký được phát hành vào năm ngoái, cựu Thủ tướng Merkel cho biết bà "không ghen tị" với đối thủ cũ của mình về vị trí thủ tướng, nói rằng bà nhận ra ở ông "mong muốn vô điều kiện để có quyền lực".
Nhưng sau đó, vào tháng 1 năm nay, bà Merkel đã có lần chỉ trích công khai hiếm hoi, về việc ông Merz "ve vãn" AfD.
Hiện nay, cựu Thủ tướng Angela Merkel vẫn nhận được rất nhiều sự kính trọng từ nhiều người Đức nên đánh giá của bà về khả năng lãnh đạo tương lai của ông Merz sẽ đáng để mọi người theo dõi.