Thủ tướng: Phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu
Để triển khai Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng cho biết mới đây đã chỉ đạo và Bộ Nội vụ sẽ phát động phong trào 'toàn dân thi đua làm giàu'.
XEM CLIP:
Bộ Chính trị, Ban Bí thư sáng nay tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN).
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Hội nghị được tổ chức trực tiếp, kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu tại các ban, bộ, ngành, đơn vị Trung ương, các đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy và điểm cầu cấp huyện, cấp xã trong toàn quốc.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự tại điểm cầu chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68.
Thủ tướng nêu rõ, KTTN ngày càng có vai trò quan trọng, thể hiện rõ qua Nghị quyết của các kỳ Đại hội. Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển về KTTN.
"KTTN liên tục phát triển, khẳng định vị thế là một động lực quan trọng của nền kinh tế; là kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước.
KTTN tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Số lượng doanh nghiệp thành lập tăng mạnh, đến nay có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế ở tất cả lĩnh vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.
KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP.
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang hình thành, phát triển, vươn tầm khu vực, quốc tế. Thủ tướng chia sẻ, ngay sau khi ban hành nghị quyết 68 thì tinh thần lan tỏa rất lớn, phong trào khởi nghiệp được đẩy lên cao.
Đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên ngày càng mạnh mẽ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân. Với các bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN là một động lực quan trọng nhất và là trụ cột chính của nền kinh tế quốc gia. Bảo đảm KTTN được đối xử công bằng, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
Ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, tiên phong dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI; hỗ trợ DNTN vươn ra thị trường quốc tế, xây dựng thương hiệu quốc tế.
Thủ tướng dẫn chứng, một cái áo sản xuất như nhau với những nguyên liệu đó, sản xuất bởi người Việt Nam nhưng mang thương hiệu khác nhau là giá trị khác nhau hàng chục lần, "May 10 khác, Nike khác, Adidas khác".
Những đột phá để phát triển kinh tế tư nhân
Thủ tướng nêu rõ, Nghị quyết 68 đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển KTTN. Đây là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Phát triển KTTN nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về KTTN; coi doanh nhân là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế, "thương trường là chiến trường thì doanh nhân phải là chiến sĩ".
Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh: "Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và phát huy vai trò của KTTN tham gia các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của quốc gia, vươn tầm khu vực".
Để triển khai Nghị quyết, Thủ tướng cho biết mới đây đã chỉ đạo Bộ Nội vụ phát động phong trào "toàn dân thi đua làm giàu".
Thủ tướng cũng lưu ý việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh.
Nghị quyết 68 nêu các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ, bảo đảm bám sát 3 đột phá chiến lược (về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng).
Thủ tướng khẳng định, cần đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển KTTN.
Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của KTTN và bảo đảm thực thi hợp đồng của KTTN.

Thủ tướng cho biết, doanh nghiệp quan tâm nhiều phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự để củng cố niềm tin, thúc đẩy phát triển KTTN. Bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của KTTN.
Nghị quyết cũng nêu quan điểm tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm. Thủ tướng phân tích, trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án.
Thủ tướng đề nghị tạo thuận lợi cho KTTN tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. Theo Thủ tướng cần triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành. Thúc đẩy giáo dục, đào tạo các kỹ năng sáng tạo, STEM, ngoại ngữ, kỹ năng số trong tất cả các bậc học.
Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong KTTN. Nghị quyết 68 bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá.
Tăng cường kết nối giữa các DNTN, DNTN với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Thủ tướng cho rằng nội dung này làm chưa tốt nên cần có kiến tạo.
Hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn KTTN tầm cỡ khu vực và toàn cầu. "Làm sao doanh nghiệp lớn trở thành lớn hơn, doanh nghiệp toàn cầu; doanh nghiệp vừa và nhỏ phải trở thành doanh nghiệp lớn...", Thủ tướng kỳ vọng.
Hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.
Về kế hoạch hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 68, Thủ tướng nêu phương châm "quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết định, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm". Trong phân công nhiệm vụ phải bảo đảm cụ thể, rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện với tinh thần “6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”.
Tại hội nghị, Thủ tướng đã giải đáp, làm rõ một số ý kiến, kiến nghị mà đại biểu doanh nhân nêu về tầm quan trọng, vai trò của Nghị quyết; một số giải pháp trong tiếp cận thể chế, chính sách của doanh nghiệp...

Trước khi bắt đầu hội nghị, tại điểm cầu chính Nhà Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tham quan triển lãm "Những thành tựu trong xây dựng và thực thi pháp luật" và "Những thành tựu trong phát triển KTTN và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân".




Chủ tịch nước Lương Cường quan tâm tới CMC AI Vision (Tập đoàn công nghệ CMC) bao gồm CMC AI camera, CMC AI Box xử lý AI tại biên, sử dung pin năng lượng mặt trời phục vụ trong giám sát an ninhbiên giới hải đảo
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Geleximco chia sẻ những cảm xúc của giới doanh nhân nói chung về những thay đổi chiến lược trong Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.
"Doanh nghiệp có Nghị quyết 68 như nắng hạn gặp mưa rào. Nhiều lúc bị bó tay bó chân, nhưng nay đã được Bộ Chính trị và Tổng Bí thư giải phóng điều này", ông Tiền nói.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Geleximco
Ông kiến nghị giao một cơ quan độc lập thực hiện giám sát, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số tuân thủ và thực thi của các bộ ngành địa phương. Đây cũng sẽ là kênh tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp để gửi lên Tổng Bí thư và Thủ tướng.
Thủ tướng khẳng định chủ trương, đường lối đã cởi mở, còn việc tổ chức thực hiện sẽ phân công, rà soát cụ thể. Ông mong cả phía cơ quan quản lý và bản thân doanh nghiệp cùng quyết tâm đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện và đã làm phải có kết quả cụ thể.
Đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hỏi Chính phủ về lộ trình số hóa để doanh nghiệp thuận lợi theo dõi việc giải quyết các vấn đề pháp lý.

Đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam
Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Tư pháp xây dựng cổng pháp lý số, trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, doanh nhân sẽ tiếp cận các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước thuận lợi hơn, giảm chi phí.
Đây cũng sẽ là kênh để doanh nhân, doanh nghiệp đóng góp xây dựng chính sách và hoàn thiện thể chế.