Thủ tướng Pháp sắp tham gia phiên điều trần mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp chính trị

Thủ tướng Pháp Francois Bayrou đang đứng trước thử thách lớn trong sự nghiệp chính trị, khi chuẩn bị ra điều trần trước Quốc hội về vụ việc lạm dụng trẻ em liên quan đến một cơ sở giáo dục Công giáo tư thục, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ông trong dư luận.

Thủ tướng Pháp Francois Bayrou. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Pháp Francois Bayrou. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Politico ngày 12/5, ông Bayrou dự kiến sẽ tham gia phiên điều trần vào ngày 14/5 tới, trong khuôn khổ cuộc điều tra của Quốc hội Pháp nhằm làm rõ trách nhiệm và mức độ hiểu biết của ông liên quan đến các cáo buộc lạm dụng xảy ra từ những năm 1990 tại trường tư thục Notre-Dame de Betharram. Ông Bayrou nhiều lần phủ nhận việc nắm rõ bản chất vụ việc vào thời điểm đó.

Vụ việc đã thu hút sự quan tâm của công luận sau khi các cơ quan tư pháp Pháp mở lại điều tra vào năm 2024, dựa trên các cáo buộc mới từ hàng chục cựu học sinh. Những lời khai này được một cựu học sinh thu thập và công bố trong một cuốn sách về vụ việc. Bê bối leo thang sau khi trang tin điều tra Mediapart đăng tải các tài liệu và lời khai cho thấy ông Bayrou khó có thể không biết đến các cáo buộc, trong thời gian ông giữ chức Bộ trưởng Giáo dục Pháp (1993-1997) và đồng thời nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo tại địa phương.

Mặc dù tiếp tục bác bỏ các cáo buộc và tuyên bố sẽ khởi kiện Mediapart, uy tín của Thủ tướng Bayrou tiếp tục bị ảnh hưởng sau khi một điều tra viên và một thẩm phán có liên quan đến vụ án xác nhận rằng ông đã từng được thông báo về các tình tiết cụ thể của vụ việc.

Sức ép đối với ông Bayrou gia tăng sau khi, vào tháng trước, con gái ông công khai cho biết từng bị một linh mục tại trường lạm dụng vào năm 1987. Mặc dù Giáo đoàn Betharram bác bỏ mối liên hệ với linh mục nói trên, nhưng dư luận đặc biệt quan tâm khi bà cho biết chỉ mới chia sẻ sự việc với cha mình ngay trước thời điểm thông tin được công bố rộng rãi.

Theo kết quả thăm dò do Viện IFOP thực hiện, tỷ lệ ủng hộ đối với ông Bayrou sụt giảm đáng kể sau khi các thông tin được công bố từ tháng 2. Chỉ 25% số người được hỏi vào tháng 4 bày tỏ hài lòng với cách điều hành của Thủ tướng, trong khi một khảo sát khác cho thấy tỷ lệ ủng hộ chỉ còn 15%. Giám đốc IFOP, ông Frederic Dabi, nhận định công chúng tỏ ra hoài nghi về phát biểu của ông Bayrou và đặt vấn đề liệu ông có tìm cách bảo vệ những người có ảnh hưởng trong thời kỳ đó.

Giới quan sát nhận định phiên điều trần ngày 14/5 sẽ mang tính bước ngoặt đối với sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Bayrou, trong bối cảnh chính phủ trung hữu do ông đứng đầu không nắm giữ đa số tuyệt đối tại Quốc hội và đang chịu áp lực gia tăng từ các lực lượng đối lập.

Bên cạnh khủng hoảng về uy tín, Thủ tướng Bayrou còn phải đối mặt với thách thức lớn trong việc điều hành ngân sách quốc gia. Kế hoạch cắt giảm 40 tỷ euro (khoảng 43 tỷ USD) trong ngân sách năm 2026, chủ yếu thông qua các biện pháp thắt chặt chi tiêu, nhằm kiểm soát thâm hụt công, đang vấp phải nhiều chỉ trích. Đề xuất tổ chức trưng cầu dân ý về ngân sách của ông cũng gây nhiều tranh luận trong nội bộ liên minh cầm quyền.

Tổng thống Emmanuel Macron, người nắm quyền quyết định cuối cùng về việc tổ chức trưng cầu dân ý, dự kiến sẽ đưa ra quan điểm trong cuộc phỏng vấn truyền hình vào ngày 13/5. Phát biểu của ông được cho là sẽ ảnh hưởng đáng kể đến bối cảnh chính trị hiện nay và sẽ tác động trực tiếp đến vị thế chính trị của Thủ tướng Bayrou.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thu-tuong-phap-sap-tham-gia-phien-dieu-tran-mang-tinh-buoc-ngoat-trong-su-nghiep-chinh-tri-20250512104215207.htm
Zalo