Thủ tướng Pháp đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
Chính phủ Pháp đứng trước nguy cơ sụp đổ sau khi các đảng cực hữu và cánh tả ngày 2/12 đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm nhằm vào Thủ tướng Michel Barnier.
Động thái trên được đưa ra sau khi ông Barnier tìm cách thông qua một phần ngân sách của chính phủ vào năm 2025 bằng cách sử dụng một điều khoản Hiến pháp cho phép ông bỏ qua việc bỏ phiếu tại cơ quan lập pháp.
Phát biểu trước báo giới tại Quốc hội (Hạ viện) Pháp, lãnh đạo đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) Marine Le Pen cho rằng Thủ tướng Michel Barnier, người vừa được bổ nhiệm vào tháng 9/2024, đã làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. RN và các đảng cánh tả, bao gồm đảng Nước Pháp bất khuất đã đủ số phiếu để buộc Thủ tướng Michel Barnier và chính phủ của ông từ chức trong cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào 4/12.
Về phần mình, Thủ tướng Barnier thể hiện coi trọng lợi ích quốc gia hơn lợi ích đảng phái. Ông tuyên bố sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của bản thân.
Hôm 5/9, Tổng thống E. Macron đã chỉ định ông Barnier, cựu trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU), làm Thủ tướng mới của Pháp. Ông Barnier đã nhanh chóng thành lập chính phủ liên minh ngay sau đó trong bối cảnh Pháp đang đứng trước một thời kỳ bất định, đối mặt nhiều thách thức cả về đối nội và đối ngoại.
Nếu chính phủ của ông ông Barnier bị buộc phải từ chức, đây sẽ là lần đầu tiên từ năm 1962 một chính phủ ở Pháp bị "hạ bệ" bởi kiến nghị bất tín nhiệm. Tình hình này sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực ở châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh Đức đang trong giai đoạn bầu cử và Mỹ chuẩn bị cho sự trở lại của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Nếu bị buộc phải từ chức, ông Barnier vẫn có thể được yêu cầu tạm quyền trong khi Tổng thống Macron tìm kiếm một Thủ tướng mới.