Hà Lan xem xét đầu tư vào lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam
Sáng 22-1 theo giờ địa phương, tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof. Thủ tướng Hà Lan cho biết, sẽ xem xét đầu tư vào lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 55 của Thủ tướng, theo baochinhphu.vn.
Thủ tướng Hà Lan cho biết, nước này luôn quan tâm và sẽ xem xét đầu tư vào lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam. Thủ tướng Hà Lan chúc mừng Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD vào cuối năm 2025.
Tại đây, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị thúc đẩy quan hệ chính trị - ngoại giao; tăng cường trao đổi đoàn cấp cao; cụ thể hóa hai khuôn khổ Đối tác chiến lược ngành về ứng phó với biến đổi khí hậu và nông nghiệp bền vững thông qua việc triển khai các chương trình, dự án hợp tác cụ thể, đặc biệt là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng ven biển.
Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục triển khai các cơ chế hợp tác song phương hiện có, đồng thời xem xét mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mà Hà Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu. Một số lĩnh vực này là công nghệ cao, thiết kế và sản xuất chip bán dẫn và các lĩnh vực khoa học công nghệ khác.
Ông Phạm Minh Chính đề nghị Hà Lan sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và thúc đẩy EU sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU đối với thủy sản Việt Nam, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hợp tác kinh tế - thương mại song phương.
Hà Lan hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Âu và là nhà đầu tư lớn nhất của Cộng đồng châu Âu (EU) tại Việt Nam. Năm 2024, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 13,77 tỉ đô la, tăng 26% so với năm 2023.
Việt Nam hướng tới gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới
Cùng ngày, Thủ tướng đã tiếp Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới (OECD) Mathias Cormann, theo Baochinhphu.vn.
Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam muốn nghiên cứu tham gia OECD và đề nghị Tổng thư ký chỉ đạo các Ban chuyên môn của OECD chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chính sách và hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới việc đáp ứng các chuẩn mực quản trị toàn cầu của OECD; hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện và công bố các báo cáo kinh tế quan trọng để làm cơ sở tham khảo hữu ích cho việc hoạch định các chính sách phát triển dài hạn của Việt Nam. Thủ tướng đề nghị OECD tạo điều kiện để Việt Nam cử các chuyên gia, cán bộ làm việc tại Ban Thư ký OECD.
OECD mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam; sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong tư vấn chính sách và những vấn đề Việt Nam cần. Đồng thời nhất trí sẽ hỗ trợ Việt Nam tham gia Tuyên bố của OECD về Đầu tư Quốc tế và Doanh nghiệp Đa quốc gia, tăng cường kết nối giữa các Ban chuyên môn của OECD và các bộ, ngành của Việt Nam.
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) là một diễn đàn dành cho chính phủ của các nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới cùng nhau bàn bạc, giải quyết các vấn đề kinh tế của chính các nước và của thế giới. Hiện nay, OECD có 38 thành viên.