Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thay đổi tư duy từ quản lý sang kiến tạo, phục vụ

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ phải đổi mới căn bản tư duy 'không quản lý được thì cấm' sang tư duy 'chủ động, linh hoạt, để kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân'.

Ngày 22-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5 để xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng liên quan các dự án luật, đề nghị xây dựng luật và phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5. Ảnh: VGP

Theo chương trình, phiên họp sẽ xem xét, cho ý kiến về 7 nội dung, trong đó có 6 nội dung về các dự án luật, đề nghị xây dựng luật: Dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí; đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Dân số; đề nghị xây dựng Luật Giám định tư pháp (sửa đổi).

Cũng trong phiên họp, Chính phủ nghe báo cáo, cho ý kiến xử lý các vướng mắc phát sinh trong xây dựng các nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Phân cấp, phân quyền hơn, chỗ nào làm tốt thì giao việc

Sau khi nghe báo cáo, ý kiến xử lý các vướng mắc phát sinh trong xây dựng các nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian phân tích hàng loạt ví dụ cụ thể từ thực tiễn.

Nhắc lại bài học từ nhiều vụ việc khiến nhiều cán bộ bị xử lý, kỷ luật, kể cả xử lý hình sự, Thủ tướng cho rằng có nguyên nhân từ việc cấp trên "ôm" cả những việc cụ thể mà không phân cấp, phân quyền cho cấp dưới.

Thủ tướng cũng lấy ví dụ, vừa qua Bộ KH&CN đã chuyển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội quản lý và nhấn mạnh, Bộ KH&CN phải thiết kế các chính sách và phân cấp quản lý cho địa phương để cả nước có thêm hàng chục khu công nghệ cao như vậy.

Thủ tướng nêu rõ, phải quán triệt tinh thần phân cấp, phân quyền triệt để từ cấp trên xuống cấp dưới, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; đồng thời chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

 Thủ tướng yêu cầu phân cấp, phân quyền mạnh hơn, chỗ nào làm tốt nhất thì giao việc. Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu phân cấp, phân quyền mạnh hơn, chỗ nào làm tốt nhất thì giao việc. Ảnh: VGP

Cùng với phân cấp, phân quyền cho địa phương, các bộ ngành, cơ quan ở Trung ương giữ vai trò kiến tạo, không làm công việc cụ thể mà tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Cụ thể, đó là nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; xây dựng thể chế, pháp luật để quản lý và kiến tạo phát triển; xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực để phát triển ngành, lĩnh vực nhanh, bền vững; thiết kế công cụ để kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; đánh giá, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, xây dựng lý luận, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; thực hiện công tác thi đua khen thưởng, xử lý kỷ luật kịp thời, chính xác, công bằng, hợp lý, hiệu quả.

Thủ tướng lưu ý, phải quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong các lĩnh vực quản lý và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, không để chồng chéo hoặc khoảng trống pháp lý trong các lĩnh vực quản lý.

Các bộ, ngành Trung ương thiết kế quy định, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, ví dụ quy định về thực phẩm sạch, sản xuất sạch… và tăng cường giám sát, kiểm tra, trên phạm vi cả nước thì cấp bộ kiểm tra, ở cấp tỉnh thì tỉnh làm, cấp cơ sở thì cơ sở làm.

Tiếp tục rà soát để phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho cấp nào sát thực tế hơn, gần dân, sát dân hơn, làm tốt hơn, hiệu quả hơn, chỗ nào làm tốt nhất thì giao việc, cái gì người dân, doanh nghiệp làm tốt thì để người dân và doanh nghiệp làm.

Bổ sung các hành vi lãng phí gồm: lãng phí thời gian và bỏ lỡ thời cơ phát triển

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến về: Dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Giám định tư pháp (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí; đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Dân số.

Trong đó, với đề nghị xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng nêu rõ việc xây dựng luật này nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Bộ Chính trị, của đồng chí Tổng Bí thư trong đẩy mạnh phòng chống lãng phí; chuyển đổi trạng thái từ bị động xử lý sang chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi lãng phí. Thủ tướng đề xuất bổ sung các hành vi lãng phí gồm cả lãng phí thời gian và bỏ lỡ thời cơ phát triển.

Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị thống nhất lấy ngày 31-5 hằng năm phát động phong trào thi đua toàn quốc về tiết kiệm, chống lãng phí.

"Lấy luôn vào ngày 31-5 năm nay phát động phong trào thi đua tiết kiệm, chống lãng phí, đây là vấn đề nóng hổi thời sự hiện nay. Vấn đề thứ hai là phải phân cấp, phân quyền để chống lãng phí. Nếu cái gì cũng Chính phủ, các bộ, ngành thì không được. Cái gì thuộc phạm vi quản lý, như lãng phí ở phường, xã thì cấp đó phải chịu trách nhiệm và ban hành các chính sách chống lãng phí" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Nghiên cứu mở rộng chính sách nhà ở xã hội với các gia đình đông con

Về đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), Thủ tướng cho rằng cần khẳng định lĩnh vực an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người dân. Do đó, Bộ Y tế phải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khác trong công tác này, bảo đảm quản lý được nhưng đáp ứng yêu cầu phát triển.

Thủ tướng đề nghị trước mắt nhanh chóng ban hành sửa Nghị định 15/2018 để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay mà nhân dân đang đòi hỏi, quá trình quản lý đang sơ hở, thực tế còn bất cập... nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Đề nghị các bộ, ngành phối hợp với Bộ Y tế hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 diễn ra vào tháng 10-2025 và thông qua trong quy trình 1 kỳ họp.

Về đề nghị xây dựng Luật Dân số, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển từ quan điểm "dân số kế hoạch hóa" sang quan điểm "dân số phát triển và ứng phó già hóa dân số". Vì vậy, các chính sách phải thúc đẩy điều này, vừa quan tâm số lượng, vừa nâng cao chất lượng dân số, có chính sách khuyến khích phù hợp với việc sinh con và phát triển con người toàn diện cả về đức - trí - thể - mĩ, như: nghiên cứu mở rộng chính sách nhà ở xã hội cho cả các gia đình đông con, các đối tượng yếu thế khi có con…

Sửa đổi, bổ sung các luật theo tinh thần 6 rõ

Kết luận chung, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá phiên họp được tổ chức với tư duy, cách làm tiếp tục đổi mới nên đạt hiệu quả cao hơn.

Đánh giá cao các Bộ và các cơ quan liên quan đã tích cực chuẩn bị các dự án luật, nghiêm túc tiếp thu và giải trình, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng chỉ đạo các bộ chủ trì soạn thảo khẩn trương hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật, ưu tiên thời gian, tập trung nguồn lực cao nhất để hoàn thiện các hồ sơ, trình Quốc hội bảo đảm tiến độ.

Thủ tướng giao các Phó Thủ tướng phụ trách quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện các hồ sơ.

Ngoài ra, Thủ tướng giao các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật theo quy định; nếu còn quan điểm khác nhau thì chủ động trao đổi, thống nhất nhận thức, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Song song với đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất, trình Quốc hội ban hành các nghị quyết để kịp thời xử lý một số vấn đề cấp bách nổi lên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong thời gian chưa ban hành các luật.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, quyết tâm cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những "điểm nghẽn" do quy định pháp luật. Nhấn mạnh một số quan điểm quan trọng, Thủ tướng yêu cầu quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật phải bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung các luật phải được thực hiện theo tinh thần 6 rõ. Nghĩa là làm rõ những nội dung kế thừa, lược bỏ, vì sao; những nội dung sửa đổi, hoàn thiện, vì sao; những nội dung bổ sung, vì sao; những nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, vì sao; những nội dung phân cấp, phân quyền, cụ thể là gì, cho ai, vì sao. Và những vấn đề còn ý kiến khác nhau và những vấn đề khác cần báo cáo Thường trực Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Cùng với đó, xây dựng các luật mới trên tinh thần 7 rõ: Đường lối, chính sách của Đảng được cụ thể hóa như thế nào; những vấn đề thực tiễn pháp luật chưa quy định là gì; những vấn đề gì pháp luật đã quy định nhưng chưa phù hợp; những nội dung vướng mắc cần tháo gỡ là gì; việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính như thế nào; việc phân cấp, phân quyền như thế nào; các vấn đề còn ý kiến khác nhau cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đổi mới tư duy xây dựng luật

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, khơi thông nguồn lực phát triển. Luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động, linh hoạt kiến tạo sự phát triển. Cải cách triệt để, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của địa phương theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", xóa bỏ cơ chế xin - cho và tư duy "không biết mà vẫn quản, không quản được thì cấm".

Đồng thời, xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, tăng cường tính dự báo, phù hợp với thực tiễn, giải quyết hiệu quả, kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra và yêu cầu của sự phát triển nhanh chóng.

 Thủ tướng yêu cầu xóa bỏ cơ chế xin - cho và tư duy 'không biết mà vẫn quản, không quản được thì cấm'. Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu xóa bỏ cơ chế xin - cho và tư duy 'không biết mà vẫn quản, không quản được thì cấm'. Ảnh: VGP

Các quy định của luật phải mang tính ổn định, khả thi cao, giá trị lâu dài, bền vững; luật cần quy định theo hướng khung, mang tính nguyên tắc, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; với những nội dung mà tình hình còn nhiều thay đổi trong thực tiễn thì giao Chính phủ quy định chi tiết.

Tập trung rà soát các quy định pháp luật hiện hành để đề xuất một luật sửa nhiều luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm thông suốt, hiệu quả, không để khoảng trống pháp lý, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm và tập trung ưu tiên mọi nguồn lực trong xây dựng và hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và bảo đảm tính nhân đạo, nhân văn của Nhà nước ta trong việc thực thi các chính sách pháp luật.

Ưu tiên nguồn lực và có chế độ, chính sách đặc thù, vượt trội cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đặc biệt là đội ngũ nhân lực trực tiếp, thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ này. Tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, các công cụ trợ lý ảo, cơ sở dữ liệu… trong xây dựng, thi hành pháp luật.

Lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, người dân. Tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu những nội dung phù hợp với điều kiện nước ta. Tăng cường truyền thông chính sách, nhất là truyền thông trong quá trình xây dựng, ban hành pháp luật, tạo sự đồng thuận và hiệu quả trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật.

Luật hóa lao động phạm nhân là biện pháp để phạm nhân cải tạo tốt

Cho ý kiến vào dự án Luật thi hành về án hình sự (sửa đổi); dự án Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú và Đề nghị xây dựng Luật giám định tư pháp (sửa đổi), Thủ tướng đồng tình với quy định luật hóa lao động phạm nhân, đây là một biện pháp để phạm nhân cải tạo.

Trong đó, quy định nộp tiền tại trại giam, Thủ tướng cho rằng phải linh hoạt, có hóa đơn của cấp có thẩm quyền. Đối với quy định phạm nhân nhận quà nên đề xuất lưu ký bằng tiền. Đối với phạm nhân tâm thần phải có chỗ chữa bệnh và giam giữ riêng.

Vấn đề giám định tư pháp, Thủ tướng thống nhất với các đề xuất Bộ Công an với những vấn đề có tính chất chuyên ngành; khó thì các cơ quan đang làm tốt tiếp tục làm, còn lại xã hội hóa về công tác giám định. Đồng thời, Thủ tướng cho rằng, giám định tư pháp là một nghề; vì vậy phải được quy định chặt chẽ, có chế độ chính sách với người làm giám định.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-thay-doi-tu-duy-tu-quan-ly-sang-kien-tao-phuc-vu-post851151.html
Zalo