Tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Chiều 22-5, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Ban Chỉ đạo) tổ chức phiên họp chuyên đề với Tổ giúp việc và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Tham dự phiên họp về phía thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thành phố. Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông; đại diện lãnh đạo các sở, ngành của thành phố.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Trung ương đến các điểm cầu của 6 tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan.

Kiểm điểm làm rõ các nhiệm vụ chậm, muộn

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc cho biết, sáng 28-5 tới, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo sẽ chủ trì cuộc họp với Thường trực Ban Chỉ đạo để phục vụ cho cuộc họp giao ban 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo. Tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo ngày 4-3 vừa qua, Ban Chỉ đạo đã thống nhất lộ trình thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025.

Theo đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, đến nay, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo phải ký gửi 44 nhiệm vụ cho các đơn vị đang chậm, muộn và có nguy cơ khó hoàn thành theo tiến độ. Ngay trước phiên họp này, Tổ giúp việc đã tổng hợp báo cáo 19/44 đầu việc mà các đơn vị phải trả lời ngay để Ban Chỉ đạo báo cáo trong cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 28-5 tới đây.

Trên tinh thần đó, đồng chí Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các đơn vị tập trung trao đổi làm rõ 5 nhóm nội dung, đầu việc cụ thể gồm: Mô hình hợp tác “3 Nhà”; khu công nghiệp công nghệ cao; xây dựng đô thị thông minh, thành phố thông minh; lựa chọn, thu hút 100 chuyên gia giỏi để tham gia những chương trình phát triển trí tuệ nhân tạo trọng điểm quốc gia; kiểm điểm 44 nhiệm vụ còn chậm muộn.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh và các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu trụ sở UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: Đình Hiệp

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh và các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu trụ sở UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: Đình Hiệp

Hà Nội kiến nghị đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị số 5

Tại phiên họp, các đơn vị liên quan đã báo cáo, trao đổi làm rõ 6 nhóm nội dung, đầu việc trên.

Nêu kiến nghị liên quan đến việc phát triển Khu công nghiệp Công nghệ cao Hòa Lạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, đến nay, khu công nghiệp này được đầu tư hạ tầng - kỹ thuật cơ bản. Thành phố cũng gặp khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư, chuyên gia đến làm việc ở đây. Hà Nội kiến nghị Trung ương mở rộng khu công nghệ cao thành khu đô thị khu công nghệ cao với diện tích đủ lớn, đáp ứng được các yêu cầu của một khu đô thị và đầy đủ các tiện ích thiết yếu phục vụ các chuyên gia.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cũng kiến nghị các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn để triển khai sớm tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc) theo mô hình TOD, tạo đột phá về giao thông - kết nối đô thị và phát triển dịch vụ hỗ trợ khu công nghệ cao.

Về việc xây dựng thành phố thông minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông nêu 4 kiến nghị với các đơn vị liên quan. Cụ thể, về hoàn thiện thể chế và vận hành, thành phố mong muốn Trung ương sớm ban hành quy chế phối hợp chia sẻ dữ liệu, đồng bộ kiến trúc đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử 4.0; đẩy nhanh phổ cập định danh điện tử, chữ ký số cá nhân; xây dựng kho dữ liệu mở và chuẩn hóa kết nối dữ liệu.

Đồng chí Nguyễn Trọng Đông cũng kiến nghị các nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng và Trung tâm điều hành thông minh (IOC). Trong đó, ưu tiên đầu tư hệ thống IOC vận hành liên thông; tích hợp dữ liệu thiết yếu phục vụ điều hành thời gian thực; thí điểm mô hình đô thị thông minh tại Tây Hồ Tây, Đông Anh, Hòa Lạc.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng làm rõ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển khu công nghiệp công nghệ cao tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nhà nước không khuyến khích thu hút các doanh nghiệp sản xuất đại trà vào đây, mà chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm mới.

Cho rằng thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư lớn vào khu công nghệ cao này, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh khó khăn nhất hiện nay vẫn là hạ tầng xã hội.

“Nếu hạ tầng xã hội không có, các khu công nghệ cao không phát triển được. Hiện nay, ở khu công nghệ cao Hòa Lạc có gần 3.000 kỹ sư làm việc nhưng không ai ở lại”, đồng chí Nguyễn Chí Dũng nêu thực tế.

Trên tinh thần đó, đồng chí Nguyễn Chí Dũng đề nghị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thực hiện một quy định chung về phát triển khu công nghệ cao. Đồng thời, thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5 cùng với hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại đây.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Nguyễn Duy Ngọc cho biết, thời gian từ nay đến ngày 28-5 không còn nhiều nên các bộ, ngành, địa phương liên quan cần tập trung hoàn thiện báo cáo về 5 nhóm nội dung, đầu việc đã được đề cập.

Hiện có 21/44 nhiệm vụ đã hoàn thành và thực hiện theo lộ trình gồm: 5 đầu việc của Văn phòng Trung ương Đảng; 3 đầu việc của Bộ Khoa học và Công nghệ; 3 đầu việc của các cơ quan đảng ở Trung ương; 2 đầu việc của Bộ Nội vụ; 2 của Bộ Tài chính; 1 của Quân ủy Trung ương; 1 của Ban Tổ chức Trung ương; 1 của Thành ủy Hà Nội và Thành ủy Đà Nẵng; 1 của Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; 1 nhiệm vụ của Bộ Công an, 1 của Ban Cơ yếu Chính phủ.

“Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành. Vì thế, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần làm rõ nguyên nhân vì sao chậm muộn, đưa ra các kiến nghị, giải pháp với các cấp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các phần việc theo kế hoạch đề ra. Các công việc này phải hoàn tất trước ngày 28-5 tới”, đồng chí Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Phó Trưởng ban Chỉ đạo khẳng định, việc đầu tư xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao còn vướng mắc về cơ chế, do nhận thức khác nhau của cán bộ từng địa phương. Do vậy, Chính phủ cần có hướng dẫn chung cho 6 thành phố trực thuộc Trung ương để tháo gỡ kịp thời.

Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì tập trung rà soát lại các luật liên quan để báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo trước ngày 28-5, qua đó nhanh chóng đưa Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị vào cuộc sống.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tap-trung-thao-go-kho-khan-de-thuc-day-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-703182.html
Zalo