Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, làm việc tại Lào: Nối mạch cho những 'trái tim' tạo thêm xung lực

Ngay khi năm 2024 dần khép lại, từ những khâu chuẩn bị cho Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào, hai nước đã ấp ủ quyết tâm để đạt được kết quả to lớn hơn trong năm 2025, đặc biệt là tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại - đầu tư. Chuyến thăm Lào của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ khởi động quyết tâm đó với những 'giai điệu đầu Xuân' và hy vọng về một năm rực rỡ hơn nữa của hợp tác song phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone. (Nguồn: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone. (Nguồn: VGP)

Chuyến thăm Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào (9-10/1) là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam và cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phía Lào đón tiếp trong năm 2025, thể hiện mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào. Chuyến thăm tiếp tục khẳng định quan điểm, chủ trương của Việt Nam là coi trọng, ưu tiên hàng đầu trong quan hệ hợp tác với Lào trong bối cảnh mới.

Thời gian qua, hai Đảng, hai nước tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước, trong đó phấn đấu hoàn thành các mục tiêu chiến lược đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ. Do đó, chuyến thăm sẽ “lên dây cót” cho hợp tác Việt Nam-Lào phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

Cùng đứng vững, cùng phát triển

Có thể thấy, cùng đứng vững, cùng phát triển trước các rủi ro, thách thức do tác động của cạnh tranh địa chính trị ngày càng quyết liệt là một bài toán đặt ra đối với hợp tác Việt Nam - Lào trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, mỗi nước sẽ luôn có nhau bên cạnh trong hành trình tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh phát triển, đó cũng là “sứ mệnh” của các cơ chế hợp tác song phương, trong đó nổi bật là vai trò của cơ chế Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào.

Đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone ngoài việc đánh giá về tình hình thực hiện các thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực trong 2024, sẽ phác họa các định hướng hợp tác lớn, mang tính chiến lược giữa hai Chính phủ trên các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, kinh tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề... trong năm 2025.

Chia sẻ với TG&VN về chuyến thăm, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm cho rằng, kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững, ổn định của cả hai nước ở hiện tại và tương lai nằm ở quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước trong việc không ngừng làm sâu sắc và vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên mọi lĩnh vực trước những thách thức đến từ khu vực và quốc tế. Thông điệp đó sẽ được thể hiện xuyên suốt trong các trao đổi giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các Lãnh đạo cấp cao của Lào dịp này.

Chắc chắn, mối quan hệ mẫu mực, hiếm có Việt Nam-Lào sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; góp phần củng cố, nâng cao vai trò, vị thế của mỗi nước cũng như tiếng nói chung của hai nước trong ASEAN và trên các diễn đàn khu vực, qua đó thúc đẩy sự đoàn kết và nguyên tắc đồng thuận trong bối cảnh mới.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ cùng Thủ tướng Sonexay Siphandone đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào; hội đàm với Thủ tướng Sonexay Siphandone, gặp các đồng chí Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Lào để trao đổi một số chủ trương, nội dung hợp tác chiến lược mà hai bên cùng quan tâm.

Kiến tạo đột phá, nói đi đôi với làm

“Nâng cánh” hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào tương xứng với các mối quan hệ đặc biệt tốt đẹp về chính trị - ngoại giao, quốc phòng-an ninh là mong mỏi, trông đợi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước những năm qua. Trong bối cảnh phát triển mới, Lãnh đạo hai nước càng quyết tâm thêm nữa, để kiến tạo những đột phá, nối mạch cho những “trái tim” tạo xung lực mới.

Ngay trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, Thủ tướng hai nước cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước sẽ tham dự Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và dự kiến ký kết, trao đổi một số văn kiện hợp tác trong lĩnh vực kinh tế để tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy hợp tác về đầu tư-thương mại cũng như các dự án hợp tác kinh tế song phương.

Gần đây, hai nước “ấp ủ” về việc hiện thực hóa mô hình khu công nghiệp Lào-Việt, qua đó góp phần thu hút đầu tư, tạo việc làm và thúc đẩy xuất khẩu cũng như thúc đẩy hiện đại hóa kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị mới tại mỗi nước.

Đánh giá về triển vọng này, Đại sứ Nguyễn Minh Tâm cho rằng nếu được quan tâm và phát triển đúng hướng, các khu công nghiệp Lào - Việt sẽ là những “trái tim” tạo ra nguồn xung lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Lào trong thời gian tới. Đặc biệt, những “trái tim” này còn là nơi hội tụ của các doanh nghiệp đầu tư, thương mại và dịch vụ logistics, tạo hệ thống kết nối trung chuyển hàng hóa, hình thành nhiều cơ sở sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân vùng dự án và xuất khẩu.

Nhiều dự án quan trọng giữa hai nước được dư luận rất quan tâm thời gian qua như dự án cao tốc Hà Nội-Vientiane, bến 1, 2 và 3 của cảng Vũng Áng, Công viên hữu nghị Lào-Việt Nam… Lễ khởi công Công viên Hữu nghị Lào - Việt Nam được tổ chức trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính minh chứng cho tinh thần quyết liệt, “nói đi đôi với làm” ở cấp cao giữa hai nước, củng cố kỳ vọng của doanh nghiệp, người dân hai nước về những bứt phá trong kết nối hạ tầng Việt – Lào thời gian tới.

Cùng với việc Việt Nam mở cửa thị trường 100 triệu dân cho hàng hóa, nông sản Lào, việc mở rộng các dự án kết nối giao thông, với nhiều tuyến đường bộ, đường sắt xuyên biên giới theo trục Đông - Tây, hàng hóa của Lào có thể xuất khẩu sang Việt Nam hoặc đi qua bất cứ cảng biển nào của Việt Nam, thẳng tiến ra biển tới các thị trường khu vực và thế giới, sẽ mở ra cơ hội biến Lào trở thành một trung tâm logistic trong khu vực.

Chia sẻ với TG&VN về những nỗ lực hợp tác kết nối này, Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh nhấn mạnh việc tập trung vào hiệu quả thực hiện các dự án trọng điểm sẽ là chìa khóa giúp Lào và Việt Nam cùng phát triển mạnh mẽ, góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị vĩ đại và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

“Mặc dù trong năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đã vượt mốc lịch sử trên 2 tỷ USD nhưng tôi tin rằng, với tổng thể quan hệ tốt đẹp giữa hai nước cũng như quyết tâm của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và sự vào cuộc một cách chủ động, tích cực của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai bên, hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại có thể đạt 5-10 tỷ USD trong thời gian tới”, Đại sứ Nguyễn Minh Tâm kỳ vọng.

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Phu nhân đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sảnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia Lào, ngày 9/10/2024. (Nguồn: VGP)

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Phu nhân đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sảnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia Lào, ngày 9/10/2024. (Nguồn: VGP)

Niềm vui, niềm tin của nhau

Năm 2025 hai nước cùng kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện quan như 80 năm Quốc khánh Việt Nam và 50 năm Quốc khánh Lào, 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 70 năm Ngày thành lập Đảng Nhân dân cách mạng Lào, 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 105 năm ngày sinh của Chủ tịch Kaysone Phomvihane.

Đây cũng là dịp để hai nước cùng nhìn lại và trân quý tình anh em thủy chung, hiếm có Việt-Lào, đó là gắn kết của những người đồng chí, chung một cội nguồn từ Đảng Cộng sản Đông Dương, cùng kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ chung một chiến hào, hy sinh xương máu, đau thương mất mát để giành độc lập, tự do cho dân tộc, đưa sự nghiệp cách mạng của hai nước đi đến thắng lợi vẻ vang. Và ngày nay đang tiếp tục cùng đồng hành trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước và đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo Đại sứ Nguyễn Minh Tâm, khi bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chính sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào là yếu tố khách quan, quy luật lịch sử, có ý nghĩa sống còn, là một trong những nguồn sức mạnh to lớn nhất đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

“Lào, với tư cách là nước láng giềng thân thiết và đối tác chiến lược, luôn đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình phát triển này. Thành công của Việt Nam không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam, mà còn là niềm vui và niềm tin của nhân dân Lào. Chúng tôi mong muốn mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, và hợp tác toàn diện ngày càng đâm hoa kết trái, góp phần vào sự phát triển chung của khu vực và thế giới”, Đại sứ Khamphao Ernthvanh bày tỏ về nỗ lực hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam.

Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào là thường niên nhưng mỗi “mùa” lại mang một sắc màu, một “sứ mệnh” mới. Chuyến thăm Lào, đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào dịp này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mang một quyết tâm tạo đột phá lớn hơn trong hợp tác, siết chặt vòng tay để cùng “vươn mình” trước những vận hội mới.

Phạm Hằng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-tham-lam-viec-tai-lao-noi-mach-cho-nhung-trai-tim-tao-them-xung-luc-300206.html
Zalo