Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tập trung hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa tối đa các quy định kinh doanh

Sáng nay 31-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trung tâm Hành chính công thành phố Đà Nẵng tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự tại điểm cầu tỉnh Bình Phước có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền, các thành viên Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số theo Quyết định số 3018/QĐ-UBND ngày 26-11-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Thủ tướng yêu cầu cung cấp dịch vụ công theo hướng người dân chỉ cung cấp thông tin một lần cho các cơ quan nhà nước

Thủ tướng yêu cầu cung cấp dịch vụ công theo hướng người dân chỉ cung cấp thông tin một lần cho các cơ quan nhà nước

Từ năm 2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ ban hành 9 quyết định, 5 chỉ thị chỉ đạo, điều hành để triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. 63/63 địa phương đã ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC tăng từ 90% năm 2022 lên 93% đến tháng 8-2024. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình tăng từ 28% năm 2021 lên 51,5% vào tháng 8-2024. Đặc biệt, đã triển khai 43/53 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã được thực hiện toàn trình, giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng/năm.

Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 3.000 quy định kinh doanh; phân cấp cho địa phương gần 700 thủ tục hành chính; cung cấp thêm gần 1.800 dịch vụ công trực tuyến, đạt 4.400 dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 70% tổng số thủ tục hành chính.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền và các thành viên Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tại điểm cầu Bình Phước

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền và các thành viên Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tại điểm cầu Bình Phước

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền, các thành viên Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tại điểm cầu Bình Phước

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền, các thành viên Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tại điểm cầu Bình Phước

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa được triển khai tích cực. Quốc hội đã ban hành Luật Giao dịch điện tử; Chính phủ đã ban hành 6 nghị định; các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền 4 thông tư.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc năm 2022, dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam xếp hạng 76/193, tăng 5 bậc so với năm 2020; dữ liệu mở xếp hạng 87/193, tăng 10 bậc so với năm 2020.

Về quan điểm, định hướng thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng, góp phần thay đổi phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong tình hình mới, phù hợp, hiệu quả, nâng cao năng lực phản ứng chính sách.

Thủ tướng chỉ rõ 1 mục tiêu, 2 trụ cột, 3 đột phá, 4 không và 5 tăng cường trong triển khai dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể,

1 mục tiêu chung là cắt giảm chi phí tuân thủ, thời gian thực hiện, tạo thuận lợi và phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

2 trụ cột gồm: kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ và tạo thực hiện thuận lợi dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

3 đột phá là pháp lý hóa, số hóa, tự động hóa.

4 không là không giấy tờ, không tiền mặt, không tiếp xúc nếu pháp luật không quy định, không để ai bị bỏ lại phía sau.

5 tăng cường, gồm: Tăng cường phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng cấp, từng ngành và tăng cường giám sát, kiểm tra; tăng cường công khai, minh bạch, đơn giản hóa TTHC gắn với tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu; tăng cường đầu tư hạ tầng số; tăng cường đối thoại, xử lý vướng mắc phát sinh và đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực; tăng cường kiến thức, kỹ năng số, phát triển nhân lực số đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu trong triển khai dịch vụ công trực tuyến; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó rà soát, phát hiện, kịp thời sửa đổi, bổ sung những bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống các quy định, văn bản quy phạm pháp luật và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các quy định kinh doanh, thủ tục hành chính; cương quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho; tạo môi trường công khai, minh bạch, trong sạch để cán bộ không mắc phải những sai phạm. Cùng với đó tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ và chuyển đổi mạnh mẽ sang xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Khẩn trương phân quyền cho các địa phương thực hiện các thủ tục hành chính.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, thiết kế, cung cấp các dịch vụ công trên cơ sở cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, tái sử dụng dữ liệu, liên thông điện tử. Thực hiện thành công các nhiệm vụ đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Hoàn thành cung cấp toàn bộ 53/53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng sau hội nghị này, việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ tiếp tục có chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn, đạt kết quả quý sau cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước.

Trần Thể - Quốc Việt

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/162118/thu-tuong-pham-minh-chinh-tap-trung-hoan-thien-the-che-don-gian-hoa-toi-da-cac-quy-dinh-kinh-doanh
Zalo