Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp cần bứt phá, xuất khẩu chạm mốc 70 tỷ USD năm 2025

Thủ tướng yêu cầu, năm 2025, ngành Nông nghiệp phải tăng tốc, bứt phá, chỉ tiêu tăng trưởng phấn đấu đạt 3,5-4%; kim ngạch xuất khẩu đạt 70 tỷ USD.

Chiều 27-12, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh

Gía trị sản xuất toàn ngành tăng trưởng 3,3%

Báo cáo kết quả của ngành NN&PTNT tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2024, ngành NN&PTNT thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, có yếu tố tác động mạnh của biến động thị trường, thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa bão tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung; xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Đặc biệt, cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc.

Tuy nhiên, ngành NN&PTNT đã vượt qua khó khăn, thách thức để đẩy mạnh sản xuất phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất. Nông nghiệp Việt Nam vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng; nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh, chủ lực tiếp tục mở rộng thị trường. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt nhiều kỷ lục mới. Nông nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan các gian hàng nông sản bên lề hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan các gian hàng nông sản bên lề hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh

Năm 2024, giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt mức tăng trưởng 3,3%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7% và tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 58%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch, điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng các tiểu ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao.

Mặc dù thời tiết bất lợi (nắng nóng, hạn mặn… do El nino và thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3 - khoảng 83.746 tỷ đồng), nhưng Bộ NN&PTNT đã quyết liệt, chủ động chỉ đạo đồng bộ các giải pháp từ sớm, từ xa; do đó đã hạn chế được tối đa thiệt hại trên các cây trồng chủ lực...

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thưởng thức trà shan tuyết cổ thụ do các nghệ nhân pha. Ảnh: Tùng Đinh

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thưởng thức trà shan tuyết cổ thụ do các nghệ nhân pha. Ảnh: Tùng Đinh

Năm 2025 là năm cuối, tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, toàn ngành NN&PTNT tiếp tục tập trung thực hiện việc đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp...

Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3-3,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 64-65 tỷ USD. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới là hơn 80%; có 325 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 60%...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại biểu tham quan khu vực chuyển đổi số nông nghiệp bên lề hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại biểu tham quan khu vực chuyển đổi số nông nghiệp bên lề hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh

Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích những hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, như: Chưa gỡ được "thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với khai thác hải sản; vẫn xảy ra vi phạm tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, gây phản ứng dư luận xã hội; số xã đạt chuẩn nông thôn mới duy trì, không tăng từ đầu năm.

Ngoài ra, số lượng hợp tác xã nông nghiệp tăng chậm, hiệu quả chưa cao; nhiều hợp tác xã chưa phát huy tốt vai trò kết nối giữa hộ nông dân và doanh nghiệp; hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai một số nơi chưa đủ năng lực chống chịu trước cấp độ, tần suất, diễn biến dị thường của thiên tai để bảo vệ an toàn cho sản xuất và tính mạng của người dân...

Đẩy mạnh ứng khoa học, công nghệ cao, chuyển đổi số

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, ghi nhận, trân trọng những kết quả, thành tích mà ngành NN&PTNT đã đạt được năm 2024. Một trong những dấu ấn tiêu biểu của ngành chính là công tác phục hồi sau bão số 3 - một thử thách lớn nhưng cũng là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm và sự chỉ đạo hiệu quả.

Theo Thủ tướng, cần nhìn lại và phân tích kỹ lưỡng để đánh giá đúng đắn tinh thần chỉ đạo của ngành trong công tác ứng phó với thiên tai. Việc tham mưu, tổ chức thực hiện và điều phối an toàn hồ đập trong thời điểm lũ lụt nghiêm trọng đã thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ của lãnh đạo Bộ NN&PTNT. Một điểm nữa mà ngành Nông nghiệp làm được chính là ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp để xây dựng nông nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu ngày càng xanh, bảo vệ môi trường.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh

Bên cạnh những thành tích đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập, yếu kém còn tồn tại của ngành NN&PTNT, như: Công tác quy hoạch ngành; xây dựng cơ chế, chính sách, thể chế để phát triển vẫn còn hạn chế; xây dựng giá trị thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, việc gỡ “thẻ vàng” chưa hiệu quả… Năm 2024, bài học kinh nghiệm để nông nghiệp thành công phải nắm chắc, ứng phó kịp thời với thị trường, giữ uy tín với bạn hàng, khách hàng truyền thống.

Thủ tướng yêu cầu, năm 2025, ngành Nông nghiệp phải tăng tốc, bứt phá, hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra. Chỉ tiêu tăng trưởng của ngành phải phấn đấu đạt từ 3,5-4%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 70 tỷ USD. Làm tốt công tác xây dựng chiến lược phát triển ngành, cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, thể chế để ngành Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng gợi mở, để ngành NN&PTNT phát triển nhanh, bền vững, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc ứng khoa học, công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phát triển mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản và chuỗi cung ứng; đồng thời chú ý đến việc ứng phó kịp thời với diễn biến từ thị trường.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đặc biệt nuôi trồng, chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm.

Năm 2025, Việt Nam phải phấn đấu gỡ “thẻ vàng” của EC. Công tác bảo vệ, phát triển rừng cần được đẩy mạnh, phát huy, khai thác theo hướng đa giá trị, kết hợp phát triển du lịch sinh thái rừng; đẩy mạnh ngoại giao nông nghiệp; có các giải pháp ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển…

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-nganh-nong-nghiep-can-but-pha-xuat-khau-cham-moc-70-ty-usd-nam-2025-688816.html
Zalo