Thủ tướng Phạm Minh Chính: Để thực hiện được ưu tiên tăng trưởng, phải tháo gỡ vướng mắc thể chế

Trước Quốc hội chiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, để thực hiện được ưu tiên tăng trưởng, phải tháo gỡ vướng mắc thể chế để huy động mọi nguồn lực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo, giải trình một số vấn đề chủ yếu được đại biểu Quốc hội quan tâm và trả lời một số câu hỏi được ĐBQH đặt ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo, giải trình một số vấn đề chủ yếu được đại biểu Quốc hội quan tâm và trả lời một số câu hỏi được ĐBQH đặt ra.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, chiều nay (12/11), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cập nhật một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 2024, báo cáo, giải trình một số vấn đề chủ yếu được đại biểu Quốc hội quan tâm và trả lời một số câu hỏi được ĐBQH đặt ra.

Đối với câu hỏi về cải cách thể chế, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trọng tâm trong cải cách thể chế là phân cấp, phân quyền. Bên cạnh đó, cần ưu tiên tăng trưởng, muốn tăng trưởng thì phải có nguồn lực.

"Nếu cứ tăng trưởng với tốc độ 6 - 7%/năm như hiện nay thì ta rất khó đạt được mục tiêu 100 năm thành lập nước đã đặt ra. Để thực hiện được ưu tiên tăng trưởng, phải tháo gỡ vướng mắc thể chế để huy động mọi nguồn lực của nhà nước, nhân dân, xã hội, của nước ngoài trực tiếp và gián tiếp", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để thực hiện được ưu tiên tăng trưởng, phải tháo gỡ vướng mắc thể chế

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để thực hiện được ưu tiên tăng trưởng, phải tháo gỡ vướng mắc thể chế

Trước đó, báo cáo, giải trình một số vấn đề chủ yếu được đại biểu Quốc hội quan tâm, cập nhật một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tính chung 10 tháng năm 2024 kết quả đạt được tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, cả ba khu vực: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng tích cực.

"Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn giới hạn quy định của Quốc hội. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm dần theo từng tháng, bình quân 10 tháng tăng 3,78% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả…", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay.

Theo người đứng đầu Chính phủ, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý 4 đạt trên 7,5% để cả năm đạt trên 7%. Qua đó đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2024 do Quốc hội đề ra, tạo đà thực hiện kế hoạch năm 2025 và cả giai đoạn 2021-2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng, như định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

Thủ tướng cũng cho rằng, xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng, vì vậy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, ban hành nhiều văn bản thúc đẩy phân bổ giải ngân vốn đầu tư công và đạt được những kết quả nhất định. "Tuy nhiên, đúng như ý kiến của một số vị đại biểu Quốc hội giải ngân còn chậm", Thủ tướng nói và phân tích một số nguyên nhân dẫn tới giải ngân đầu tư công chậm, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, với tinh thần năm quyết tâm, năm đảm bảo, phấn đấu năm 2024 giải ngân vốn đầu tư công trên 95%, trong đó tập trung vào 6 nhóm giải pháp:

Một là, đề xuất Quốc hội tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý ngay trong kỳ họp này, nhất là về quy trình thủ tục đầu tư, quy hoạch tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; thủ tục đất đai nguồn cung vật liệu…

Hai là, có giải pháp đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân, trên tinh thần chỗ ở mới ít nhất bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ.

Ba là, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án đảm bảo khả thi hơn, hiệu quả hơn, kịp thời điều chuyển vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quan trọng quốc gia.

Năm là, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, kỷ luật, kỷ cương, gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công với tinh thần 5 rõ.

Sáu là, nâng cao hiệu quả của các Tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hoạt động giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tại các địa phương có vốn giải ngân thấp.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, công tác này được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo và đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều tồn tại, hạn chế như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trong bài viết "Chống lãng phí".

Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo một số giải pháp, gồm: Khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật; Tiếp tục rà soát, cắt giảm và tiết kiệm chi Ngân sách Nhà nước, nhất là chi thường xuyên; Tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản…, xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực"; Đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, kéo dài, kém hiệu quả, các tổ chức tín dụng yếu kém; Đẩy mạnh truyền thông, xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; Xây dựng bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

L.C

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-de-thuc-hien-duoc-uu-tien-tang-truong-phai-thao-go-vuong-mac-the-che-183241112171321212.htm
Zalo