Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bộ Tài chính chưa vượt qua chính mình, giảm thuế còn chậm
Biểu dương những kết quả tốt trong năm 2024, song Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng ngành Tài chính vẫn còn những vấn đề chưa làm được, như việc giảm thuế còn chậm.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Tài chính, tổ chức chiều 31/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thu tăng, chi tiết kiệm là hai việc Bộ Tài chính làm rất tốt trong năm 2024.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đánh giá cao việc tiết kiệm chi 10% ngay từ đầu năm của ngành Tài chính. “Vừa rồi, tôi chỉ đạo tiết kiệm chi thêm 10% nữa, trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng để đưa vào việc xóa nhà dột, nhà tạm, nhà nát cho các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Nếu chúng ta không quyết tâm thì làm sao có được 6.000 tỷ đồng này để làm những việc nhân văn như vậy”.
Điều hành giá cả, thị trường bám sát tình hình thực tế; tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm... Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023; giá trị giao dịch bình quân đạt 21,1 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 19,9% so với bình quân năm trước.
Phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, điều hành chính sách tài khóa chủ động, mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Các chỉ tiêu về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bội chi trong giới hạn cho phép, đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP…
Bên cạnh các kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, Trong đó, có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn chưa kịp thời.
“Việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng giống như người ốm nếu bác sĩ đến kịp thời, cho uống thuốc sẽ nhanh khỏi. Để kéo dài thì đuối sức, mất thời gian, công sức và tốn thuốc hao tổn sức lực . Nếu cứu chữa được ngay rất nhanh khỏi, lúc nặng thành ung thư thì khó chữa”.
Thủ tướng nhận mạnh, chính sách tiền tệ và tài khóa rất quan trọng nên cần phải luôn nghiên cứu và chấp hành chỉ đạo của Chính phủ. Bởi nếu để cho doanh nghiệp lao đao thì sẽ không thể góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
“Nhìn chung Bộ Tài chính làm tốt, nhưng việc giảm thuế, lệ phí cho doanh có lúc còn chưa kịp thời, còn thận trọng quá, không dám vượt qua chính mình”, Thủ tướng nói.
Đơn cử như miễn thuế GTGT 2% cứ làm nhát một, mỗi lần làm rất là khó khăn. Từ khi dịch Covid-19 đến nay đã 6 lần giảm, nhưng mỗi lần làm lại phải rà soát đi lại.
Ngay như năm 2025, Bộ Tài chính triển khai giảm thuế GTGT đến hết tháng 6, trong khi tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn. Như vậy, đến tháng 6 tới lại tiếp tục làm, lại trình tự, thủ tục.
Thủ tướng nhận mạnh: “Cứ làm cả năm, nếu tháng 6 tới kinh tế tốt lên thì dừng. Vì vậy, Bộ Tài chính cần rút kinh nghiệm”.
Nhắc lại công tác giảm thuế, phí trước đó, Thủ tướng cho hay, ba năm qua việc giảm thuế, lệ phí rất tốt. Như năm 2024 việc giảm thuế phí. Lệ phí hơn 200.000 tỷ đồng, nhưng vẫn vượt thu trong kế hoach hơn 300.000 tỷ đồng. Như vậy, chúng ta bỏ ra 200.000 tỷ đồng nhưng thu về 300.000 tỷ đồng. Đây là số liệu minh chứng rõ ràng nhất. Vì vậy, Bộ Tài chính không nên chần chừ”.
Nhấn mạnh một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính tập trung thu, chi đúng đủ và kịp thời. Bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển.
“Năm 2025 tiết kiệm chi thêm 10% đưa vào một vài công trình lớn như công trình cao tốc Bắc Nam và đường sắt kết nối quốc tế. Nếu tình hình tốt giữa năm tiết kiệm thêm 5% để giải quyết dứt điểm nhà tạm nhà dột nát. Không dàn trải manh mún”, Thủ túong chỉ đạo.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính tiếp tục củng cố, phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bảo hiểm; tập trung hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025, để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp, tạo kênh huy động vốn tốt hơn cho doanh nghiệp. Tính toán, tham mưu việc phát hành trái phiếu Chính phủ hiệu quả.
Chủ động hội nhập, hợp tác tài chính quốc tế; theo dõi, đánh giá diễn biến cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn để có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp; tăng cường hợp tác tài chính tại các diễn đàn đa phương như ASEAN, APEC, G20...