Thủ tướng: Phải xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp xanh, bền vững
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm: 'Đầu tư vào nông nghiệp phải theo nguyên tắc lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; kích hoạt mọi nguồn lực xã hội phát triển. Chúng ta muốn tăng đầu tư gấp 2 lần không có nghĩa là tăng tiền của Nhà nước, mà phải có sự vào cuộc của tư nhân'…
Ngày 31/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024. Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức thực hiện.
Cùng Thủ tướng tham gia chủ tọa đối thoại có: Trưởng Ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính; Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú.
Theo Ban Tổ chức, tại các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố, có sự tham dự của các lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cùng với khoảng hơn 4.000 đại biểu là nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
HƠN 2.000 CÂU HỎI, KIẾN NGHỊ GỬI ĐẾN THỦ TƯỚNG
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm nay ngành nông nghiệp đạt được những thành công rất đáng mừng, đáng tự hào, khi xuất khẩu đạt mức kỷ lục 62,5 tỷ USD, vượt chỉ tiêu được giao từ đầu năm là 55 tỷ USD.
Kết quả này có sự đóng góp rất của nông dân cả nước, khẳng định vai trò, vị thế của người nông dân trong phát triển kinh tế chung của đất nước. Thủ tướng gửi lời cảm ơn bà con nông dân, doanh nghiệp đã cùng cố gắng, góp phần vào thành công trên của ngành nông nghiệp.
Theo Thủ tướng, hiện chúng ta đang rà soát việc thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, những mục tiêu đã làm tốt thì làm tốt hơn nữa và nâng cao chất lượng, hiệu quả; những mục tiêu chưa làm tốt, khó hoàn thành thì cần nỗ lực hơn, có giải pháp phù hợp.
Chúng ta cũng đang sắp xếp bộ máy theo tinh, gọn, mạnh hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, với khí thế mới để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giàu mạnh, văn minh, hùng cường, thịnh vượng.
"Trong bối cảnh đất nước đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực năm 2024, Thủ tướng cho rằng năm 2025 cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, mạnh mẽ, tự tin hơn. Năm 2025 cũng là năm phải tăng tốc, bứt phá để kết thúc thắng lợi nhiệm kỳ Đại hội XIII, ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, nỗ lực của người nông dân cũng phải tăng tốc bứt phá, nhất là khi chúng ta phấn đấu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, cao hơn chỉ tiêu Trung ương, Quốc hội đã đề ra để tạo đà, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số những năm tới".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc đoàn cho biết hơn 2.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất của nông dân và doanh nghiệp ngành nông nghiệp đã được gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các câu hỏi, đề xuất, kiến nghị, tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính.
Thứ nhất, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Thứ hai, Chính phủ cần sớm ban hành giải pháp, chính sách đồng bộ nhằm đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024, trong đó đặc biệt là các giải pháp về tập trung, tích tụ đất đai nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ quan tâm, nghiên cứu ban hành các giải pháp, chính sách nhằm sớm phát huy hiệu quả chương trình xây dựng thí điểm 5 vùng nguyên liệu tập trung, tiến tới tiếp tục mở rộng các vùng nguyên liệu khác.
Thứ tư, Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh để khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ khôi phục, phục hồi sản xuất nông nghiệp do tác động tiêu cực từ thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu; triển khai, mở rộng có hiệu quả chính sách về bảo hiểm nông nghiệp.
Thứ năm, Nhà nước cần ban hành các giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Thứ sáu, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai nhanh, hiệu quả các mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 của Chính phủ về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP PHẢI ĐẠT HIỆU QUẢ VÀ ĐI VÀO CUỘC SỐNG
Nông dân Hoàng Thị Gái – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, nêu câu hỏi: Cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho ngành nông nghiệp, nhiều nông dân bị thiệt hại hàng tỷ đồng, Chính phủ có giải pháp gì để hỗ trợ nông dân, đồng thời thúc đẩy loại hình bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân?
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho hay trước khi bão số 3, Chính phủ đã giao các Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách tín dụng cho các lĩnh vực, đặc biệt là về nông nghiệp. Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra 2 gói tín dụng hàng chục nghìn tỷ đồng để hỗ trợ ngành thủy sản và lâm sản. Nhờ đó, các doanh nghiệp đã được cung cấp thêm vốn để hồi phục sản xuất, mang lại kết quả xuất khẩu như hiện nay.
Sau bão số 3, Chính phủ cũng đã chỉ đạo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước xuống Quảng Ninh, Hải Phòng, 2 tỉnh bị thiệt hại nặng nhất sau thiên tai để khảo sát và có ngay chính sách để tháo gỡ ngay cho bà con, các địa phương khắc phục hậu quả và khôi phục lại sản xuất hiệu quả nhanh nhất.
“Mấy ngày sau bão, Ngân hàng Nhà nước phải họp và đưa ra được cơ chế chính sách tín dụng tháo gỡ về vốn cho nông dân, doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão. Sau đó đã có nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện ngay rất hiệu quả”, Thủ tướng khẳng định.
“Đối với bảo hiểm nông nghiệp, sau bão chúng ta mới thấy bảo hiểm nông nghiệp rất quan trọng, theo đó, các bộ ngành cần phải nghiên cứu để đưa ra chính sách bảo hiểm nông nghiệp đạt hiệu quả và đi vào cuộc sống, thực tế giúp nông dân”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Tại Hội nghị, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy kiến nghị: Hiện nay mức đầu tư cho nông nghiệp của chúng ta còn rất hạn chế, vì vậy, Chính phủ cần tăng mức đầu tư cho nông nghiệp giai đoạn tới lên gấp 2 lần giai đoạn 2020-2024. Mức đầu tư này nên ưu tiên phát triển công nghệ trong sản xuất hiện đại và đảm bảo môi trường xanh để phát triển bền vững.
Trả lời kiến nghị của ông Hoàng Trọng Thủy, Thủ trướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng đầu tư cho nông nghiệp đúng là chưa nhiều bởi nguồn lực của chúng ta có hạn. Nhà nước cũng cần đầu tư cho các mục tiêu trọng điểm khác nên chúng ta phải tự cân đối sao cho phù hợp.
Nguyên tắc cân đối là lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; kích hoạt mọi nguồn lực xã hội phát triển. Muốn làm được điều này, chúng ta phải sửa Luật hợp tác công tư để huy động nguồn lực của xã hội và người dân, từ đó có được mức đầu tư lớn hơn.
Theo Thủ tướng, chúng ta tăng đầu tư gấp 2 lần không có nghĩa là tăng tiền của Nhà nước, mà phải có sự vào cuộc của tư nhân. Còn việc phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, chúng ta đã và đang phấn đấu thực hiện theo đúng cam kết, lộ trình giảm phát thải của Việt Nam.
QUAN TÂM TỚI HỆ SINH THÁI NÔNG NGHIỆP
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong sản xuất nông nghiệp thì điều đầu tiên phải xây dựng và lan tỏa thương hiệu nông sản. Để lan tỏa thương hiệu nông sản, cần sự vào cuộc của Bộ Khoa học công nghệ, cơ quan báo chí truyền thông và từ chính người nông dân…
Thủ tướng cho rằng để có thương hiệu thì song song phải đầu tư chế biến sâu. Khi sản xuất, điều đầu tiên chúng ta phải nắm được thị trường đang cần sản phẩm gì, chứ không phải sản phẩm chúng ta đang có. Để thực hiện điều này, Nhà nước và doanh nghiệp phải có trách nhiệm người nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại và nông dân cũng phải thay đổi tư duy.
Thủ tướng cũng cho biết thời gian qua đã giao Bộ Ngoại giao thực hiện giao lưu, kết nối với các nước trên thế giới để quảng bá nông sản Việt; giao Bộ Công Thương hàng tháng phải tổ chức các hội nghị kết nối thị trường, từ đó nắm được thị trường cần gì và đưa ra dự báo những năm tới thế nào?. Từ những dự báo này sẽ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành, điều tiết, đưa ra những chỉ đạo kịp thời.
Theo Thủ tướng, liên kết doanh nghiệp với người nông dân và chế biến sâu đang là 2 khâu đang yếu, cần nỗ lực hơn. Để giải quyết bài toán này, cần có cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp, trong đó, ưu tiên thuế đất, phí lệ phí, ưu đãi tín dụng…
“Tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải sửa các Luật trong đó có Luật Đầu tư, Luật hợp tác đầu tư. Hiện nay, các Luật này còn rất nhiều thủ tục không cần thiết. Chúng cần phải làm và phải thay đổi nhanh thì mới phát huy được nguồn lực. Tất nhiên tôi cũng không trách ai cả, vì khi mình xây dựng Luật mới nghĩ được như thế, chưa tổng kết được hết thực tiễn”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng khi chúng ta chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì phải quan tâm tới hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó phải bao gồm nông nghiệp hóa nông thôn, nông nghiệp với công nghiệp, nông nghiệp cần các ngành khác và ngược lại. Giờ chuyển đổi sang sản xuất xanh thì cần giúp đỡ về vốn, thị trường.
“Đơn cử như sản xuất lúa, chăn nuôi thải ra nhiều khí C02, để giảm khí thải thì cần hỗ trợ từ tổ chức tín dụng. Hay vấn đề ưu tiên có các giống mới để giảm phát thải... Trong thời gian qua, chúng ta thấy chính sách hỗ trợ nông dân đã đủ mạnh chưa, chưa đủ thì bà con phản hồi lại xem chính sách đi vào thực tế chưa?”, Thủ tướng nêu câu hỏi.
Vấn đề này, Thủ tướng cho rằng không chỉ thuộc về nông dân, mà cả trách nhiệm của chính quyền địa phương và các bộ ngành cần chung tay vào để giải quyết.
Trong sản xuất nông nghiệp, chúng ta phải tính toán làm gì, trồng gì cũng phải có quy hoạch, khu nào tốt cho cây lúa, khu nào tốt cho cây ăn quả. Mỗi khu vực đều có tiềm năng khác biệt nên mình phải quy hoạch theo hướng trên thì mới sinh ra cộng hưởng trên đất, công hưởng của khí hậu, cộng hưởng của chính sách...
Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta làm phải có quy hoạch rồi nhưng phải có liên kết vùng. Tiếp đến là liên kết ngành, như ngành nghề lúa, cà phê, cây ăn quả... đều phải có quy hoạch và liên kết ngành. Từ quy hoạch vùng nguyên liệu đến các vùng khác và phải tính đến lâu dài. Qua đó để thay đổi tư duy của chính quyền địa phương, người nông dân...”.